Nguy hiểm khi lạm dụng thuốc nhuận tràng

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Tôi 44 tuổi, bị táo bón đã mấy năm nay, rất khó chịu. Thỉnh thoảng tôi lại phải uống một đợt thuốc nhuận tràng loại có chứa hoạt chất natri picosulfat hoặc bisacodyl trong 1 tuần

Tôi 44 tuổi, bị táo bón đã mấy năm nay, rất khó chịu. Thỉnh thoảng tôi lại phải uống một đợt thuốc nhuận tràng loại có chứa hoạt chất natri picosulfat hoặc bisacodyl trong 1 tuần. Xin quý báo cho biết, tôi dùng thường xuyên thuốc nhuận tràng có hại gì không, có cách nào để cải thiện tình trạng táo bón không? Tôi xin cảm ơn!

Trần Vũ (Lý Nhân, Hà Nam)

Natri picosulfat và bisacodyl là hoạt chất chính trong thuốc kích thích nhuận tràng đường uống, dùng để điều trị táo bón và để thụt tháo đại tràng trước khi chụp chiếu hay phẫu thuật đại tràng.

Thuốc nhuận tràng thường được dùng để điều trị táo bón do có tác dụng hỗ trợ nhu động ruột, giúp điều hòa nhanh tình trạng vận chuyển phân trong ruột. Trên thị trường có nhiều nhóm thuốc nhuận tràng với chỉ định, cách dùng, liều lượng và thời gian dùng thuốc khác nhau.

Một số người khi bị táo bón có khuynh hướng lạm dụng thuốc nhuận tràng, kể cả dạng uống và dạng bơm vào trực tràng. Thực ra, loại thuốc này chỉ có tác dụng ngắn hạn và chỉ nên dùng trong 3 - 4 ngày. Nếu dùng quá lâu, thuốc có thể gây ảnh hưởng không tốt lên màng nhày ruột. Hơn nữa, người bệnh sẽ bị lệ thuộc thuốc. Hậu quả là ruột trở nên lười biếng, nhu động ruột kém, dẫn đến táo bón nặng hơn. Bệnh dần trở thành mạn tính và sẽ trầm trọng thêm khi tuổi càng cao. Nếu táo bón chỉ xảy ra ở phần thấp do phân đóng cứng ở hậu môn, gây trở ngại việc tống xuất phân ra ngoài thì chỉ cần bơm glycerine làm trơn hậu môn, bệnh nhân có thể dễ dàng đi tiêu sau 10 - 15 phút.

Bạn không nên dùng thuốc nhuận tràng thường xuyên và tối kỵ lạm dụng loại thuốc này. Các thuốc nhuận tràng thường hỗ trợ nhu động ruột, nhưng uống quá liều mỗi ngày có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Việc sử dụng thuốc nhuận tràng quá liều khuyến cáo không chỉ dẫn đến mất nước nặng do tiêu chảy kéo dài mà còn làm thay đổi nồng độ các chất điện giải trong máu và có hại cho các cơ quan trong cơ thể, có thể bị liệt đại tràng do mất trương lực… Đặc biệt, không được dùng thuốc nhuận tràng cho người bệnh bị tắc ruột, người bị đau bụng mà chưa có chẩn đoán xác định hoặc nghi ngờ cần can thiệp ngoại khoa cấp cứu.

Giải pháp tốt nhất và lâu dài để chữa trị chứng táo bón là sử dụng các thực phẩm giàu chất xơ. Các chất này sẽ giữ nước, làm mềm và xốp phân, giúp phân di chuyển dễ dàng và bài tiết ra ngoài. Chất xơ có nhiều trong gạo, ngũ cốc toàn phần, rau các loại và trái cây khô. Cần nhai kỹ khi ăn để nghiền nhỏ thực phẩm và giúp các men tiêu hóa trong dạ dày và ruột được tiết ra đầy đủ, uống nhiều nước trong ngày, đi đại tiện thường xuyên  và tập thể dục đều đặn. Hạn chế thực phẩm kích thích như trà, cà phê, thuốc lá, nước uống có ga…

Bạn nên đi khám ở chuyên khoa tiêu hóa để được thăm khám và tư vấn dùng thuốc, không tự ý dùng thuốc khiến bệnh càng nặng hơn và dễ gặp tác dụng phụ do thuốc gây ra. 

Theo Sức khỏe & Đời sống
MỚI - NÓNG