Nguy cơ xảy ra đại dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

0:00 / 0:00
0:00
Nguy cơ xảy ra đại dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò
TPO - Chưa đầy 6 tháng từ khi phát hiện ca đầu tiên, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã lan rộng ra 22 tỉnh, thành với hàng chục nghìn con mắc bệnh. Nguy cơ bệnh trở thành đại dịch rất cao khi vắc xin chữa bệnh đang phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), bệnh viêm da nổi cục lần đầu tiên phát hiện xâm nhiễm vào Việt Nam từ tháng 10/2020. Hiện nay, cả nước có 761 ổ dịch tại 21 tỉnh, thành phố (chưa qua 21 ngày) với hơn 20 nghìn con gia súc bị mắc bệnh, số gia súc đã tiêu hủy hơn 1.500 con.

Riêng từ đầu năm 2021 đến nay, cơ quan thú y xác nhận 497 ổ dịch tại 492 xã thuộc 103 huyện thuộc 22 tỉnh, thành với 11.290 gia súc mắc bệnh.

Cục Thú y cho biết, dù mới phát hiện bệnh viêm da nổi cục xâm nhiễm vào Việt Nam, nhưng bệnh lây truyền rất nhanh và gây thiệt hại lớn cho gia súc và người chăn nuôi.

Một số địa phương có số gia súc mắc bệnh cao như: Hà Tĩnh (hơn 11.000 con), Thanh Hóa (hơn 3.400 con), Quảng Bình (gần 2.900 con), Nghệ An (hơn 600 con). Ở Thái Nguyên, dịch viêm da nổi cục đã xuất hiện tại 62 xã thuộc 8 huyện, với 596 con gia súc mắc bệnh. Tại Quảng Ngãi, có 370 con gia súc bị nhiễm bệnh viêm da cục ở 15 xã của 3 huyện.

Nguy cơ xảy ra đại dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò ảnh 1

Viêm da nổi cục trên trâu, bò đang lây lan rất rộng với hơn 20 tỉnh, thành

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, đây là bệnh mới, lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam trong khi đó vắc xin lại chưa có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, Cục Thú y đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT quyết định cho phép nhập khẩu gấp khoảng 4 triệu liều vắc xin. “ Hiện, Cục đã cấp phép cho 2 doanh nghiệp nhập khẩu 3 loại vắc xin từ các nước Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập với số lượng trên 4,1 triệu liều. “Các doanh nghiệp đã nhập được 680.000 liều, trong tháng 4 này sẽ có thêm khoảng 1 triệu liều về Việt Nam”, ông Long cho hay.

Tuy nhiên, theo ông Long, việc triển khai phòng bệnh hiện nay còn gặp khó khăn do số lượng vắc xin ít nên không triển khai tiêm phòng được trên địa bàn rộng. Số lượng trâu, bò được tiêm thấp so với tổng đàn tại các địa bàn có nguy cơ cao

Để ngăn chặn nguy cơ mua phải thịt gia súc bị bệnh, ông Long khuyến cáo người tiêu dùng khi mua thịt cần tìm hiểu rõ nguồn gốc, mua ở những cơ sở giết mổ, buôn bán đã được cơ quan thú y, cơ quan có thẩm quyền kiểm soát.

Ngoài ra, khi mua thịt, người tiêu dùng cần để ý với gia súc bị bệnh thường trên da nó hình thành các u cục, thậm chí là loét. Với những thịt có da, người tiêu dùng có thể nhận biết được xem da đó có biểu hiện bất bình thường, bị bệnh hoặc lở loét không. Tuy nhiên, theo ông Long, điều may là virus này không lây nhiễm và không gây bệnh ở người. Hiện, Cục Thú y cũng đã chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý các đối tượng cố tình buôn bán các sản phẩm động vật nghi mắc bệnh.

MỚI - NÓNG