Theo ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp T.Ư, nếu không vạch ra lộ trình CPH, trong hai năm tới thực hiện sẽ rất khó. Riêng việc xác định giá trị doanh nghiệp (DN) cần tới 18 tháng.
Dù có bắt tay làm luôn từ bây giờ, việc xác định giá trị DN xong là đến giữa tháng 6/2015. Chắc chắn không kịp thời hạn đề ra.
PVN sẽ phải đẩy nhanh CPH tại PV Oil và PV Power Ảnh: Như Ý
“Theo kế hoạch, đến 2015, chúng ta CPH 432 DN. Trong khi với tiến độ của 3 tháng qua, chỉ bán được 15 DN. Như vậy, với thời gian còn lại, các sở giao dịch chứng khoán bình quân một ngày phải đưa ra bán đấu giá hơn một DN. Nếu không có kế hoạch cụ thể, chắc chắn việc CPH sẽ ùn tắc như giao thông”, ông Muôn nói.
Theo đại diện các tập đoàn, tổng Cty, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại các ngân hàng, Cty tài chính, chứng khoán, bất động sản… không phải việc muốn là có thể làm được ngay. Sở hữu chéo cũng là vấn đề không dễ giải quyết.
“Trong số 21.000 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành của các DNNN, các tập đoàn, tổng Cty như Vinacomin, Hàng hải, EVN… đang nắm giữ vốn tại 18 ngân hàng khác nhau. Nặng nhất là ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN). PVN nắm 52% vốn điều lệ tại Ngân hàng Đại Chúng. Kế đến là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nắm hơn 1.200 tỷ (40%) vốn điều lệ của Ngân hàng Xăng dầu. Ngoài thoái vốn ngân hàng, phải tập trung xử lý các Cty tài chính, chứng khoán. Các tập đoàn, tổng Cty đều có các Cty tài chính nhưng hoạt động đều không hiệu quả. Giờ phải đặt vấn đề bán các đơn vị này cho ai”, ông Muôn nói.
Đại diện Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp T.Ư cho rằng, đổi mới quản trị DN là vấn đề thường xuyên, liên tục. Đây là cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa tiến bộ và bảo thủ trì trệ. Nếu không làm, DN không bao giờ vươn lên được. Đây là cuộc đấu tranh có khởi đầu nhưng không có kết thúc.
Gánh nặng thừa lao động
Đại diện Đảng ủy Khối DN Trung ương cho biết, việc sắp xếp lại lao động tại các tập đoàn, tổng Cty trong quá trình tái cơ cấu có nhiều vướng mắc. Ở một số đơn vị như Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam có số lao động dôi dư cần sắp xếp khá lớn, nhưng chưa giải quyết. Những vấn đề này đang ảnh hưởng đến tâm tư, cuộc sống của người lao động và hiệu quả của DN.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Tổng giám đốc Tổng Cty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) Phạm Ngọc Minh cho biết, việc tái cơ cấu và thoái vốn ngoài ngành không phải việc dễ dàng, đòi hỏi lãnh đạo phải triển khai rất quyết liệt.
Để thực hiện tái cơ cấu, theo ông Minh, trong 3 năm, VNA đã đóng cửa biên chế trong toàn đơn vị, chỉ ưu tiên nguồn nhân lực đặc thù như phi công, kỹ sư máy bay. Đóng cửa tuyển dụng nhân sự trong suốt 3 năm khiến định biên lao động chỉ tăng 1% nhưng giúp tổng doanh thu vẫn tăng gần 20%.
“Vừa mở rộng hoạt động, thực hiện tái cơ cấu nhưng vẫn phải đảm bảo không để bị lỗ. Đây là việc rất khó trong bối cảnh các hãng hàng không ở nhiều nước liên tục bị lỗ. Malaysia Airlines lỗ 3 năm qua gần 1 tỷ USD. Qatar Airlines năm vừa rồi lỗ 350 triệu USD nhưng VNA nếu lỗ 10 tỷ đồng là bị ý kiến ngay”, ông Minh chia sẻ.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch HĐTV EVN, ông Hoàng Quốc Vượng cho rằng, việc thực hiện tái cơ cấu, CPH các Tổng Cty phát điện (GENCO) có rất nhiều vấn đề, không dễ thực hiện. Như việc đưa các GENCO ra CPH phải tháo gỡ dần. “Có rất nhiều việc cần phải dần dần tháo gỡ”, ông nói.
Tách bạch mục tiêu công ích và lợi nhuận
Đại diện các tập đoàn, tổng Cty kiến nghị Chính phủ ban hành quy định làm rõ hoạt động vì mục tiêu công ích và vì mục tiêu lợi nhuận của DNNN.
“So với các DN cùng quy mô và hoạt động trong cùng lĩnh vực ở các nước, số lượng lao động tại các tập đoàn, tổng Cty tại Việt Nam gần gấp hai, cá biệt có nơi gần gấp 3 lần. Vì vậy, cần xem lại việc sử dụng lao động tại các tập đoàn, tổng Cty”.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh
Hiện nay, việc hạch toán chung hoạt động giữa hai mục tiêu này gây méo mó thị trường, méo mó kết quả hoạt động kinh doanh của DN, dễ nảy sinh tiêu cực và kìm hãm sự phát triển. Cùng đó, cần sớm nghiên cứu thành lập một cơ quan ngang bộ để thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước, là đầu mối thống nhất quản lý các DNNN và vốn đầu tư nhà nước vào DN.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, chúng ta không nên “chưa qua sông mà đã sợ chìm đò”. Việc CPH và thoái vốn đầu tư ngoài ngành đã được giải quyết bằng việc cho phép thoái vốn dưới mệnh giá tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ.
Tuy nhiên, thoái vốn dưới mệnh giá hay bằng mệnh giá là do thị trường quyết định. Vấn đề, chúng ta có đem quá trình thoái vốn, các cổ phiếu đó chào bán ở thị trường hay không.
Vấn đề thường gặp trong tái cơ cấu các tập đoàn, tổng Cty, theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, chính là vấn đề tư duy trong quản trị. Với quy định hiện nay cần quyết liệt thực hiện quy định những DN đã CPH rồi thì chậm nhất trong vòng một năm phải niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Cùng với tái cơ cấu, cần thực hiện cơ cấu lại lực lượng lao động, kiện toàn đội ngũ lãnh đạo. Có thực tế, tại nhiều DN, khi thay lãnh đạo là hoạt động của DN khác ngay.
Phó Thủ tướng cho rằng, trong thời gian từ 2014-2015 cần xác định trước mắt hướng việc CPH vào mục tiêu nào. Như với thị trường điện, cần có lộ trình CPH cụ thể. Quan điểm là Nhà nước chỉ giữ lại khâu phân phối còn các công đoạn khác đều có thể CPH.