Cổ phần hoá DNNN Có như kỳ vọng?

Một phiên bán đấu giá tại HNX. Ảnh minh họa
Một phiên bán đấu giá tại HNX. Ảnh minh họa
TP - Thị trường chứng khoán đầu năm 2014 đón nhiều đợt sóng và dòng tiền “khủng” ào ạt rót vào. Trong khi đó thị trường IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) được một số doanh nghiệp nhà nước “mở hàng” lại không mua may bán đắt như vậy. 

Chủ trương cổ phần hóa đang được thúc đẩy và liệu có nên kỳ vọng trong thời gian tới lượng hàng mới này sẽ thành công như dòng tiền đang đổ vào cổ phiếu niêm yết hay không?

Nhà đầu tư lựa“hàng”

Thông báo mới đây của Sở GDCK Hà Nội, không có nhà đầu tư tổ chức nào đăng ký mua trong phiên đấu giá 49.742.300 cổ phần tại Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội với giá khởi điểm là 10.200 đồng/cp. Kết quả cho thấy có 203 nhà đầu tư cá nhân đã mua 1.575.700 cổ phần với giá đấu thành công bình quân là 10.201 đồng/cổ phần. Như vậy, số lượng cổ phần được mua chỉ chiếm hơn 3% so với tổng khối lượng chào bán. Hơn nữa mức giá đặt mua cao nhất cũng chỉ nhỉnh hơn giá khởi điểm không bao nhiêu là 10.800 đồng/cp.

Một đơn vị khác là Tổng công ty Viglacera cũng nằm trong tình trạng tương tự. Được đánh giá là có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong tương lai với việc sở hữu nhiều dự án và quỹ đất.

Hiện tại Viglacera cũng là đơn vị đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng tại Việt Nam. Những tưởng với triển vọng khả quan đó, cổ phần chào bán của đơn vị này sẽ được săn đón. Song, chỉ có 19.487.200 cổ phần được mua trong số 76.947.600 cổ phần chào bán, chiếm tỷ lệ 25,3% với giá đấu bình quân là 10.301 đồng/cp.

Đây không phải là những trường hợp cá biệt. Theo kết quả đấu giá trên Sở GDCK Hà Nội, từ đầu năm 2014 đến nay Sở tổ chức 10 đợt bán đấu giá cổ phần lần đầu với tổng cộng 171,35 triệu cổ phần chào bán.

Trong đó số cổ phần trúng giá chỉ đạt hơn 29 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ hơn 17%. Nhiều đơn vị chào bán hàng triệu cổ phiếu nhưng chỉ bán được vài trăm ngàn. Chẳng hạn như Tổng Công ty Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam Viwaseen đăng ký bán 22.480.500 cổ phần thì chỉ có 945.600 cổ phần trúng giá.

Bên cạnh đó, một ghi nhận khác cho thấy rất ít nhà đầu tư tổ chức tham gia đấu giá và đặc biệt là tổ chức nước ngoài. Ngay cả đơn vị được đánh giá cao như Viglacere hay ông lớn Tổng Cty Xây dựng Hà Nội cũng không có nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia. Thậm chí có những có đơn vị không thể tổ chức đấu giá vì không có nhà đầu tư nội lẫn ngoại đăng ký mua.

“Ông lớn” có hấp dẫn?

Vừa qua Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết mục tiêu giai đoạn này phải cổ phần hóa 432 doanh nghiệp. Theo đó nhiều doanh nghiệp nhà nước là những ông lớn ở một số ngành đặc thù cũng sẽ tiến hành IPO và được mong đợi trong năm 2014.

Theo đề án, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ cổ phần hóa và chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO) với tỷ lệ phần vốn Nhà nước nắm giữ là 65 - 75% trên tổng vốn điều lệ của Vietnam Airlines hiện khoảng 9.000 tỷ đồng. Theo nhiều nhà đầu tư đây có thể là phiên đấu giá được chờ đợi nhất trong năm nay. Nhưng dự báo sẽ có ít nhà đầu tư nhỏ lẻ tham dự bởi Vietnam Airline chỉ hấp dẫn với nhà đầu tư chiến lược, muốn tham gia đầu tư vào ngành hàng không ở Việt Nam.

Tương tự như vậy, danh sách một loạt “đại gia” nhà nước khác muốn IPO cũng sẽ gặp không ít khó khăn khi tìm kiếm nhà đầu tư. Nhiều đơn vị “khổng lồ” khác cũng có thông tin cổ phần hóa như Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) dự kiến sau cổ phần hóa sẽ có vốn điều lệ khoảng 5.000 tỷ đồng. 

Trong đó, doanh nghiệp IPO 49% cổ phần, còn lại Nhà nước sở hữu. Bên cạnh đó, viễn thông là ngành mang lại lợi nhuận cao, do đó cổ phần hóa Mobifone cũng hứa hẹn sẽ được nhà đầu tư chào đón. Gần đây, các đơn vị khác thuộc Bộ Giao thông Vận tải cũng tấp nập tiến hành IPO như một số công ty con của Tổng công ty xây dựng Công trình giao thông (Cienco), Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng…..

Lý giải nghịch lý chứng khoán niêm yết tăng rất mạnh trong khi nhà đầu tư lại không mặn mà với những cổ phiếu của các doanh nghiệp có tiềm năng thực hiện IPO, một chuyên gia tài chính cho rằng bản chất của việc tăng nóng của thị trường là do dòng tiền đầu cơ. Với những cổ phiếu IPO thì tính thanh khoản chắc chắn kém nên dòng tiền không đổ vào dù cổ phiếu đó có hấp dẫn.

Trên thực tế có rất ít nhà đầu tư tổ chức trong lẫn ngoài nước tham gia vào các đợt IPO gần đây. Điều này cho thấy các nhà đầu tư chưa thực sự tin vào triển vọng phục hồi bền vững thị trường, bên cạnh đó dòng tiền đầu tư dài hạn cũng không phải quá dồi dào.

Chính phủ đang kỳ vọng việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhằm tăng sự minh bạch trong hoạt động, huy động được các nguồn lực từ bên ngoài để cải thiện hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, những đợt IPO vừa qua cho thấy việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không phải đã dễ dàng ngay.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...