Nguy cơ thiếu lương thực toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 31/10, Nga tiếp tục phóng tên lửa vào các cơ sở hạ tầng quan trọng ở Kiev và các thành phố khác của Ukraine, khiến nhiều khu vực của thủ đô mất điện và nước. Nga cũng đình chỉ việc tham gia một thỏa thuận ngũ cốc được coi là chìa khóa để giải quyết tình trạng thiếu lương thực toàn cầu.

Hôm qua, Nga liên tục không kích các cơ sở hạ tầng trọng yếu ở các thành phố lớn của Ukraine, trong khi lực lượng Ukraine bắn hạ ít nhất 10 tên lửa Nga ở thủ đô Kiev, CNN dẫn lời giới chức Ukraine. Ông Oleksii Kuleba, người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự khu vực Kiev, nói rằng, các cuộc tấn công bằng tên lửa đã “đánh trúng các mục tiêu hạ tầng quan trọng” và hai người bị thương, gồm một người bị thương nặng. Ngày 31/10, các lực lượng Ukraine đã chiến đấu chống lại “cuộc tấn công dữ dội” của quân đội Nga ở thành phố Donetsk, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố.

Nguy cơ thiếu lương thực toàn cầu ảnh 1

Các đại diện của Trung tâm Điều phối Chung hoàn thành kiểm tra tàu chở hàng khô Razoni tại lối vào Biển Đen hôm 3/8. Ảnh: Anadolu Agency

Cùng ngày, 12 tàu hàng rời các cảng của Ukraine, bất chấp việc Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc mang tên Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Tổng thống Ukraine cho rằng, Nga đang cố tình để nạn đói xảy ra sau khi Điện Kremlin tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc từ ngày 29/10 với lý do Nga không thể đảm bảo an toàn cho các tàu dân sự, sau khi Hạm đội Biển Đen bị tấn công cuối tuần qua. Nga cáo buộc Ukraine tấn công bằng máy bay không người lái vào bán đảo Crimea hôm 29/10. Theo phía Ukraine, hơn 200 tàu hàng đã bị chặn, không thể rời các cảng ở Biển Đen.

Liên Hợp Quốc ước tính, nhờ có Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, việc giảm giá lương thực đã gián tiếp ngăn khoảng 100 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực. Tính đến ngày 31/10, hơn 9,5 triệu tấn lương thực, thực phẩm đã được xuất khẩu theo thỏa thuận Biển Đen từ khi nó có hiệu lực từ mùa hè.

Nguy cơ khủng hoảng lương thực

Quyết định của Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen (do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, nhằm đảm bảo lối đi an toàn cho các tàu chở ngũ cốc xuất khẩu từ Ukraine) đã làm dấy lên mối lo ngại nghiêm trọng về nguồn cung lương thực toàn cầu vào thời điểm thế giới đang đối mặt cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng. Ukraine đóng vai trò quan trọng trong thị trường lương thực toàn cầu. Nước này thường cung cấp cho thế giới khoảng 45 triệu tấn ngũ cốc mỗi năm, theo Liên Hợp Quốc. Ukraine nằm trong số năm nhà xuất khẩu lúa mạch, ngô và lúa mì hàng đầu thế giới. Nước này là nhà xuất khẩu dầu hướng dương lớn nhất, chiếm 46% lượng xuất khẩu của thế giới.

Khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2, Nga phong tỏa các tàu rời cảng của Ukraine. Tác động của cuộc chiến đối với thị trường lương thực toàn cầu được đánh giá là vô cùng lớn, vì Ukraine là nhà cung cấp ngũ cốc chính cho Chương trình Lương thực Thế giới. Tổ chức Nông Lương, một cơ quan của Liên Hợp Quốc, nhận định, có tới 47 triệu người có thể bị đẩy vào tình trạng “mất an ninh lương thực nghiêm trọng” vì xung đột Nga-Ukraine.

Sau khi Nga tuyên bố rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, giá lúa mì và ngô trên thị trường hàng hóa toàn cầu đã tăng hôm 31/10. Giá lúa mì giao sau tăng 5,5% lên 8,74 USD/thùng (35,2 lít). Giá ngô kỳ hạn tăng 2,3% lên 6,96 USD/thùng. Theo Reuters, giao dịch dầu cọ kỳ hạn tại Malaysia cũng tăng do lo ngại về tác động tiềm tàng đối với xuất khẩu dầu hướng dương của Ukraine.

MỚI - NÓNG