Nguy cơ bị trả thù đang rình rập nước Nga

Mảnh vỡ máy bay Nga rơi tại Ai Cập. Ảnh: AFP.
Mảnh vỡ máy bay Nga rơi tại Ai Cập. Ảnh: AFP.
Việc IS tuyên bố đứng sau vụ máy bay Nga rơi tại Ai Cập làm bùng lên nỗi lo Moscow bị trả thù vì chiến dịch không kích tại Syria.

Nhà nước Hồi giáo (IS) tuyên bố đã khiến máy bay Nga chở 224 người rơi tại Ai Cập, nói rằng đó là sự trả thù cho việc Nga can thiệp quân sự tại Syria và hỗ trợ cho chính quyền Tổng thống Assad.

IS công bố một video quay bằng di động mà nhóm nói rằng cho thấy chiếc máy bay phát nổ trước khi lao xuống đất. Video này chưa được xác minh.

Yves Trotignon, một cựu nhân viên tình báo Pháp, nói rằng việc IS nhận trách nhiệm khá mập mờ, nhóm này không nói rõ máy bay bị phá hủy như thế nào. "Tuyên bố của IS không nói rằng nhóm bắn hạ máy bay, mà chỉ nói rằng họ phá hủy nó", ông nói.

Các chuyên gia hàng không và an ninh cho rằng IS rất khó có thể bắn máy bay. "Theo như những gì tôi biết, IS và các nhóm liên kết không có khả năng hạ máy bay ở độ cao khoảng 10.000 m như chiếc phi cơ này", nhà phân tích an ninh và cựu nhân viên chống khủng bố Anh Charles Shoebridge nói.

Cựu bộ trưởng Hàng không Dân dụng Ai Cập, Wail al-Madawi, cũng cho rằng các nhóm chiến binh ở Sinai không có khả năng hạ một máy bay thương mại bay cao như thế. "Chỉ có một quốc gia mới có đủ nguồn lực để làm vậy", ông nói.

Tuy nhiên, họ không loại trừ khả năng IS đã sử dụng các biện pháp khác để cho phát nổ máy bay. "Bạn có thể nghĩ đến khả năng chất nổ được cài trên khoang, hoặc có hành vi phá hoại" tại sân bay trước khi cất cánh, ông Trotignon nói.

Nguy cơ trả thù

Thực chất, ngay từ khi chiến dịch không kích của Nga tại Syria mới được khởi động, giới chuyên gia đã cho rằng Tổng thống Vladimir Putin mạo hiểm khi làm vậy, vì nó có thể kích động các chiến binh trả thù bằng cách tấn công các mục tiêu Nga hoặc trên đất Nga.

Cái nôi cho phần tử Hồi giáo cực đoan tại Nga là Bắc Caucasus, bao gồm các nước cộng hòa Chechnya, Dagestan và Ingushetia, nơi có phần lớn người Hồi giáo sinh sống.

Nga trước đây đã tiến hành một số chiến dịch chống lại các phần tử ly khai được phiến quân Hồi giáo cực đoan hậu thuẫn ở Bắc Caucasus. Vì vậy, Nga nhiều năm qua đã nằm trong số các nước bị chiến binh jihad toàn cầu coi là mục tiêu tấn công, mặc dù trọng tâm chính của chiến binh Hồi giáo vẫn là Mỹ và đồng minh.

Khi tham gia vào xung đột Syria, Nga đã gia nhập hàng ngũ những nước dễ trở thành mục tiêu tấn công của phần tử Hồi giáo nhất. Người Nga "không còn là bên tham gia gián tiếp vào xung đột, giờ nguy hiểm đã rình rập ngay sau lưng họ", Steven A. Cook, thành viên cao cấp tại tổ chức nghiên cứu Mỹ có tên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, viết trong một bài bình luận.

Điểm yếu chính của Nga là Bắc Caucasus, nơi mạng lưới phiến quân ngầm được trang bị vũ khí hạng nhẹ và được che chở bởi cư dân địa phương. Phiến quân từng tiến hành các cuộc phục kích vào lực lượng an ninh, một số trong đó gây thiệt hại về người.

Tháng trước, IS đã phát đi thông điệp trên mạng xã hội, nói rằng chi nhánh của nhóm ở Dagestan, Nga, đã tấn công một khu nhà quân sự và giết chết vài người lính.

Tuy quan chức địa phương bác bỏ thông tin này và nói rằng vụ tấn công không hề xảy ra, vụ việc cho thấy những người hoạt động dưới ngọn cờ IS có thể đã hiện diện tại Nga. Các nhóm này có thể đẩy mạnh hoạt động để trả thù cho hoạt động can thiệp của Nga tại Syria.

Tại Ingushetia, lãnh đạo địa phương kêu gọi các thanh niên phớt lờ những lời xúi giục trả thù cho chiến dịch oanh tạc của Nga ở Syria. "Chúng ta có thể đoán rằng các thủ lĩnh của al-Qaeda và các tổ chức khủng bố quốc tế khác sẽ cố gắng trả đũa", Alexander Kumanyayev, người đứng đầu lực lượng an ninh liên bang ở Ingushetia nói.

Những tên thủ lĩnh đó sẽ tìm cách "mở ra một vòng chiến tranh khủng bố mới trên lãnh thổ nước ta. Và đây là một mối đe dọa thực sự, chúng ta không thể đánh giá thấp nó", ông nói.

Nếu phiến quân muốn tiến hành một vụ tấn công bạo lực gây nhiều thương vong để buộc công chúng Nga và điện Kremlin phải chú ý, họ có thể sẽ cố gắng tấn công mục tiêu dân sự ở trong hoặc gần trung tâm dân cư lớn của Nga.

Điều này từng xảy ra trong quá khứ. Năm 2002, một phiến quân Chechnya xông vào một nhà hát ở Moscow và giữ khán giả làm con tin. Hơn 100 người đã thiệt mạng, hầu hết trong số họ chết trong khi đang diễn ra các hoạt động an ninh để chấm dứt vụ việc.

Ngày 24/8/2004, hai chiếc máy bay chở khách của Nga phát nổ trong các cuộc tấn công phối hợp, làm 90 người chết.

Ngày 29/3/2010, các kẻ đánh bom tự sát đặt hai thiết bị nổ trên hệ thống tàu điện ngầm ở trung tâm Moscow, làm 40 người chết. Ngày 24/1/2011, hơn 30 người thiệt mạng trong một vụ đánh bom tự sát tại sân bay Domodedovo của Moscow.

An ninh đã được tăng cường kể từ đó và không còn những cuộc tấn công thành công vào các mục tiêu dân sự ở quy mô như vậy. Máy dò kim loại được thiết lập tại các lối vào ga tàu điện ngầm và bất kỳ ai vào các tòa nhà sân bay ở Moscow đều phải quét túi.

Tuy nhiên, theo Reuters, nếu xảy ra thêm các vụ việc tương tự, và nếu vụ rơi máy bay tại Ai Cập được kết luận là do khủng bố trả thù, điều đó có thể khiến công chúng Nga phản đối chiến dịch quân sự của Moscow tại Syria.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG