Học giả Nhật:

Ngưỡng mộ Việt Nam cân bằng quan hệ với các cường quốc

Trong buổi gặp báo chí sáng 3/12 tại Hà Nội, GS Oba Mie nói rằng, các nước ASEAN cần cẩn trọng trước cách tiếp cận kép của Trung Quốc. Ảnh: Trúc Quỳnh
Trong buổi gặp báo chí sáng 3/12 tại Hà Nội, GS Oba Mie nói rằng, các nước ASEAN cần cẩn trọng trước cách tiếp cận kép của Trung Quốc. Ảnh: Trúc Quỳnh
TP - Ngày 3/12 tại Việt Nam, một học giả Nhật Bản nói rằng, trong khi ASEAN đang đối mặt những thách thức, khó khăn trước sự cạnh tranh của các cường quốc, nhất là Trung Quốc và Mỹ, Việt Nam là ví dụ rất thú vị trong ASEAN về thành công trong việc cân bằng quan hệ với các nước lớn.

Trong buổi gặp báo chí tại Hà Nội trước ngày diễn ra hội thảo “Xây dựng lòng tin ở châu Á”, bà Oba Mie, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Khoa học Tokyo, nói: “Tôi rất ngưỡng mộ Việt Nam cân bằng được quan hệ với các cường quốc bên ngoài. Đó là điều rất thú vị đối với tôi và cũng là vấn đề trọng tâm trong nghiên cứu của tôi về Đông Nam Á”.

Trả lời câu hỏi của Tiền Phong về việc Chính phủ Nhật Bản thúc đẩy việc giải thích lại Điều 9 trong Hiến pháp hòa bình của nước này có ý nghĩa như thế nào đối với tình hình căng thẳng trên biển Đông, bà Mie nói rằng, việc giải thích lại một chút Hiến pháp hòa bình cho thấy Chính phủ Nhật Bản vẫn muốn duy trì hiến pháp này. Điều 9 trong Hiến pháp được giải thích lại để cho phép mở rộng hoạt động của lực lượng phòng vệ, nhưng chỉ ở mức độ rất hạn chế, để bảo vệ các đồng minh trong những tình huống cực kỳ khẩn cấp.

“Nhật Bản có thể cử lực lượng đến hỗ trợ Mỹ ở biển Đông, nhưng tôi nghĩ rất khó có khả năng Chính phủ Nhật Bản quyết định điều đó vì Nhật Bản có khả năng hạn chế khi phải đối mặt cả hai mặt trận cùng lúc, trên biển Hoa Đông và biển Đông”, bà Mie nói. Theo bà, Nhật Bản vẫn đang phải đối phó việc nhiều tàu Trung Quốc ra vào khu vực quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) mà Nhật Bản đang kiểm soát. Vì thế, nếu cử lực lượng đến biển Đông nghĩa là Nhật Bản phải cùng lúc phải căng mình trên hai tiền tuyến. “Đó là nhiệm vụ quá nặng nề đối với năng lực hiện tại của lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Điều đó có thể xảy ra trong tương lai nếu Nhật Bản tăng ngân sách và mở rộng đáng kể lực lượng phòng vệ. Nhưng tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra trong tương lai gần”, GS Mie nói.

Về câu hỏi liệu hợp tác an ninh, hàng hải giữa Việt Nam và Nhật Bản có thể đi xa đến đâu, bà Mie nói rằng, quan hệ hợp tác đó đang ở mức tốt, và việc Nhật Bản giúp Việt Nam tăng cường năng lực hàng hải nên là trụ cột trong hợp tác an ninh Việt - Nhật, để đóng góp cho ổn định, hòa bình ở khu vực.

Cần xây dựng cơ chế duy trì lòng tin

GS Mie cho rằng, rất khó giải quyết các tranh chấp trên biển Đông hiện nay, nếu giải quyết được thì cũng sẽ tốn rất nhiều thời gian. Vì thế, trước khi giải quyết được tranh chấp, các nước Đông Nam Á nên xây dựng cơ chế duy trì lòng tin lẫn nhau, tránh để hiểu nhầm dẫn đến tình huống nguy hiểm, xung đột. Bà Mie cho rằng, trước tiên cần xây dựng những cơ chế thông tin liên lạc song phương. Nhưng điều quan trọng là hoàn tất việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) càng sớm càng tốt, cho dù Trung Quốc miễn cưỡng. “Nhật Bản ủng hộ nỗ lực của các bạn để Trung Quốc tham gia tích cực vào xây dựng COC”, bà Mie nói.

Đánh giá về chiến lược của Trung Quốc với ASEAN, bà Mie cho rằng, Bắc Kinh có cách tiếp cận kép với khu vực. Một mặt, Trung Quốc rất cương quyết trong các vấn đề lãnh thổ, chủ quyền. Nhưng mặt khác họ lại rất mềm dẻo, với việc đưa ra những sáng kiến như “Một vành đai, một con đường”, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á… để mang lại một số lợi ích cho khu vực. Bà nói rằng, các thành viên ASEAN có thể chấp nhận những sáng kiến đó nếu có lợi, nhưng cũng nên quan tâm nguyên tắc viện trợ của Trung Quốc và không để riêng Trung Quốc làm chủ cách thức cung cấp viện trợ cho các nước láng giềng.

Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Yamazaki Masaaki sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 7 đến 10/12, theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.