Yên Bái trước kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII:

“Nguồn vốn” của Yên Bái chính là nhân lực cán bộ, đảng viên!

Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh Yên Bái
Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh Yên Bái
TP - Quan điểm của ông Phạm Duy Cường – Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh này 5 năm qua và thế trận hành động “kim chỉ nam” về xây dựng nhân lực có năng lực, phẩm chất tốt, biết đoàn kết, tâm huyết, trách nhiệm trước những thách thức còn nhiều khó khăn của một tỉnh miền núi Tây Bắc.

Nói đến Tây Bắc hẳn là phải nhắc đến Yên Bái, điểm đặt chân đầu tiên và có nhiều dấu ấn đặc thù của một vùng miền núi có địa hình chia cắt, đồng bào dân tộc còn nhiều hạn chế về dân trí và cách làm kinh tế. Đây cũng là tỉnh cửa ngõ nhưng được Trung ương quan tâm đặt vị trí trung tâm phát triển kinh tế xã hội để làm gương mẫu cho toàn vùng. Nhưng cũng như nhiều tỉnh thành khác, bối cảnh những năm qua cả nước gặp khó khăn, nhất là khi cắt giảm đầu tư công và cơ cấu kinh tế, doanh nghiệp có sự thay đổi lớn. Yên Bái đã thể hiện rõ nét việc tập trung vào con người chỉ đạo đầu tàu các địa phương, nhân lực giữ vai trò quan trọng để vực dậy nền kinh tế đồi rừng, nông – lâm nghiệp đặc thù.

Ưu tiên phát triển, đầu tư cho nông nghiệp, công nghiệp và các công trình xây dựng hạ tầng thiết yếu đã được đặt lên hàng đầu – Ban thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã xác định hướng trọng yếu này từ nhiều năm qua. Có thể thấy khá nhiều công trình hướng đến là giao thông, nhất là giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới, tăng thu nhập sản sản xuất nông – lâm nghiệp gắn với gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa, làm tốt an sinh xã hội, tăng cường đối ngoại và kinh tế đối ngoại, đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội. Yên Bái là tỉnh nông nghiệp miền núi, việc quan tâm đời sống nông thôn vùng sâu vùng xa, thu nhập sản xuất nông nghiệp là tất yếu. Bài học nhãn tiền từ nhiều địa phương, Yên Bái đầu tư mạnh vào các khu công nghiệp nhưng luôn sẵn sàng ứng phó khi công nhân đổ xô tới các khu chế xuất bị thất nghiệp để họ có chỗ lùi về với nông thôn mà sống với nông nghiệp.

“Nguồn vốn” của Yên Bái chính là nhân lực cán bộ, đảng viên! ảnh 1

  Làn xòe Thái nổi tiếng vùng văn hóa miền Tây tỉnh Yên Bái

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, ông Phạm Duy Cường, khẳng định trong chỉ đạo, thực sự Ban thường vụ phải là nòng cốt, là đoàn kết, đổi mới tư cách lãnh đạo cho đảng viên, cán bộ và nhân dân noi theo. Đoàn kết trong đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên chính là nguồn lực, nguồn “vốn”. Theo ông, nhóm giải pháp để thực hiện, trước nhất về cơ chế thì trong quản lý, thu chi ngân sách, tỉnh giao về cho các huyện, thị. Quản lý doanh nghiệp và đầu tư xây dựng cơ bản, Yên Bái cho các địa phương quyền lợi nhưng giao trách nhiệm nghiêm khắc (như quản lý tài nguyên khoáng sản, trách nhiệm gìn giữ an ninh trật tự địa phương...). Kết quả Yên Bái đã là điểm sáng của toàn quốc, thu ngân sách năm 2015 đã tăng đến 107% so với năm 2010.

Chính sách được xây dựng thể chế bằng các đề án, dự án (khoảng 40 cái) trong 5 năm qua đạt bình quân ở mức 180 tỷ đồng/năm bằng ngân sách địa phương để nhằm hỗ trợ phát triển chung. Đặc biệt hỗ trợ nông nghiệp vùng cao, vùng lõm, kết hợp làm chính sách với gia đình người có công, với học sinh dân tộc thiểu số, xây dựng tốt mối quan hệ với già làng, trưởng bản, người có uy tín để tạo thế trận thông suốt đạt hiệu quả hơn. Yên Bái nghiên cứu và mạnh dạn đi trước trong việc xây nhà cho học sinh bán trú, nội trú, làm nhà hỗ trợ người có công.

Có lúc Yên Bái phải mạnh dạn chi cho người nghèo, đã có lúc chi 35 triệu đồng/nhà xây hỗ trợ, rồi Trung ương thấy đúng là việc cấp bách thiết yếu cho dân sinh nên thậm chí hỗ trợ lên 40 triệu đồng/nhà. Về điều này Yên Bái có tới 10 chính sách mà T.Ư đã nghiên cứu, tổng kết và ban hành chính sách chung cho toàn quốc. Yên Bái dám tự hào khi hai huyện vùng cao Tạm Tấu và Mù Cang Chải có tốc độ giảm nghèo nhanh nhờ những cách làm riêng. 

Một tỉnh vùng cao nơi cửa ngõ Tây Bắc, nông nghiệp vẫn là nền tảng, vừa đảm bảo an ninh lương thực trước mắt và lâu dài, vừa nâng cao chất lượng sản xuất bền vững, thu hẹp khoảng cách kinh tế thành thị và nông thôn, tạo động lực xây dựng nông thôn mới. Hằng năm Yên Bái hỗ trợ lên đến 40 tỷ đồng cho sản xuất nông lâm nghiệp.

“Nguồn vốn” của Yên Bái chính là nhân lực cán bộ, đảng viên! ảnh 2

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lạc quan khẳng định đã từ lâu Yên Bái rất chú trọng tăng cường công tác phối hợp các cơ quan với UBMT TQ, tăng hiệu quả giám sát bước đầu khi còn chưa có luật, từ đây tăng được phản biện xã hội và có được đủ thông tin cho lãnh đạo điều chỉnh. 

Việc đào tạo cán bộ, xây dựng tổ chức Đảng, Yên Bái cũng có đề án từ lâu. Nâng cao năng lực lãnh đạo và tính chiến đấu trong tổ chức Đảng, tăng cường kiểm tra giám sát là thường xuyên và rất nghiêm khắc. Yên Bái là tỉnh không để trống trắng cơ sở Đảng ở khu vực Tây Bắc (từ năm 2009), nhất định sẽ phát huy, duy trì bền vững sức sống từ chính những cơ sở này mà đi lên.

Làm việc với Tỉnh ủy Yên Bái ngày 20/8, Chủ tịch Quốc hội thay mặt Bộ Chính trị đã biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng, tinh thần đoàn kết, thống nhất cao, phát huy trí tuệ tập thể của Đảng bộ tỉnh đã cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức, ông yêu cầu Yên Bái chú trọng hơn việc nâng cao đời sống của nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số, nắm bắt thời cơ, phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương để không tụt hậu so với các tỉnh trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc, trong đó cần phát huy và khai thác có hiệu quả lợi thế tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi qua địa bàn để thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế thương mại, du lịch và dịch vụ, phấn đấu đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Tây Bắc.

“Đi bằng hai chân”, xóa đói giảm nghèo vùng cao bền vững và quan tâm sản xuất nông lâm nghiệp, đồng thời tập trung cho kinh tế xã hội quy hoạch cơ sở hạ tầng vùng thấp - con đường của Yên Bái. Trung ương đánh giá cao hướng đi mở rộng không gian đô thị thành phố Yên Bái sang hữu ngạn sông Hồng kết nối với cao tốc Hà Nội - Lào Cai.

Những con đường lớn kết nối giao thông đối ngoại và đang phủ sóng nội tỉnh đã tạo cho Yên Bái gương mặt và sức sống mới. Tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai đã thực sự ảnh hưởng, tác động đến từng người dân vùng cửa ngõ Tây Bắc. Đây cũng là nút nhấn khiến ngành dịch vụ tăng lên rõ rệt (tỷ trọng tăng hơn 15%). Các khu công nghiệp như Âu Lâu, Minh Quân, Mông Sơn, Bắc Văn Yên, Phía Nam... sẽ là chủ lực sốc vác đột phá thúc đẩy kinh tế chung. 

Con số thu hút 145 dự án thời gian qua với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng và 99 triệu USD cho thấy sự hấp dẫn ở một tỉnh đang bứt phá nỗ lực thoát nghèo nhờ hệ thống giao thông thuận lợi hơn. Hiện tỉnh đang chủ trương xây dựng các tuyến đi Lai Châu, Hà Giang để tạo thế vững chắc hơn trong liên kết vùng, tiếp sức chế biến, tiêu thụ sản phẩm, trong đó có khoáng sản lớn, gỗ, và sản phẩm nông nghiệp.

Bức tranh Yên Bái rõ nét khởi sắc khi nhìn vào cơ sở hạ tầng có quy hoạch bài bản và xây dựng hiện đại, như đường tránh ngập từ Tp tỉnh lỵ ra cao tốc Hà Nội – Lào Cai, đường nối Yên Thế - Vĩnh Kiên, đường từ Tp lên thị trấn Mậu A, xây mới trường CĐ Nghề (được xác định là 1 trong 40 trường nghề chất lượng cao cả nước), xây cầu Tuần Quán, bệnh viện 500 giường, xây dựng trường PTTH chuyên Nguyễn Tất Thành. 

Một nhiệm kỳ huy động tới hơn 41.000 tỷ đồng (bằng 224% so giai đoạn 2006-2010), cơ cấu vốn từ ngân sách giảm đáng kể, khẳng định sự linh hoạt và sáng tạo của các cán bộ, “thủ lĩnh” trên vùng đất khó. Có tới 2.219 công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng 5 năm qua đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.

Vùng đất có nhiều tiềm năng văn hóa du lịch đang bước vào thời kỳ thu hút đầu tư mạnh. Miền Tây có người Thái (6 vòng xòe Thái cổ đã được công nhận di sản Quốc gia, và xác lập kỷ lục Việt Nam khi tổ chức đại xòe năm 2013), nơi thung lũng Mường Lò đẹp như tranh vẽ đã được phê duyệt dự án phát triển kinh tế du lịch hấp dẫn, đặc biệt là du lịch cộng đồng; Vùng chè Suối Giàng và Văn Chấn nổi tiếng thương hiệu, có cảnh quan sinh thái tuyệt đẹp; đất Đông Cuông có đền thiêng thờ Mẫu Đệ nhị Thượng ngàn, nơi hội tụ đông đảo dân tộc thiểu số phía Bắc mỗi độ xuân về; vùng lòng hồ Thác Bà có mặt nước xanh và vô số đảo nổi với khí hậu trong lành... Khu du lịch Thác Bà, Trung tâm thương mại Tp Yên Bái, khu nghỉ dưỡng hồ Vân Hội đã có những nhà đầu tư tìm đến khảo sát, đặt vấn đề hợp tác với Yên Bái.

Yên Bái 5 năm qua có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt hơn 11%, nay thu nhập bình quân đầu người đã đạt hơn 25 triệu đồng/người (tăng 2,1 lần so với năm 2010). Vùng đất có nhiều rừng núi cực kỳ khó khăn, Yên Bái vẫn có được lúa hàng hóa chất lượng cao (2.500ha), ngô (15.000ha), chè (9.000ha), sắn cao sản (8.000ha), măng Bát độ (3.000ha) và đặc biệt là quế (30.000ha, chuẩn bị tổ chức Lễ hội quế lần thứ nhất vào tháng 9/2015). Có biện pháp tăng thu nhập cho người dân bằng cách giao đất, giao rừng để gắn trách nhiệm với quyền lợi cho từng hộ gia đình, thôn bản. Về giáo dục, toàn tỉnh có 180 xã, phường đạt chuẩn phổ cập đúng độ tuổi, 178/180 xã, phường, thị trấn đạt phổ cập mầm non. 

MỚI - NÓNG