Người Việt xa xứ gói bánh chưng nhớ hương vị Tết quê hương

Gói bánh chưng nhớ hương vị Tết quê hương
Gói bánh chưng nhớ hương vị Tết quê hương
TPO - Gói bánh chưng, mua cây quất, nụ tầm xuân, trang trí lại nhà cửa là cách của những người Việt xa quê nhớ về hương vị những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Cứ mỗi dịp Tết đến, người Việt Nam ở khắp mọi nơi trên thế giới lại nhớ quê hương, nhớ Tết cổ truyền và giáo dục con cháu giữ gìn nét đẹp Tết Việt. Năm nay là một dịp đặc biệt đối với nhiều người Việt xa quê vì ảnh hưởng của đại dịch COVID -19. 
Không thể cùng gia đình tung tăng sắm Tết vì giãn cách, vợ chồng chị Nguyễn Thúy Nga quê ở Thanh Oai - Hà Nội (định cư tại tỉnh Karlovy Vary - Cộng hòa Séc 18 năm) vẫn duy trì nền nếp đón Tết ở quê nhà. Tết là những ngày quan trọng nhất, thiêng liêng nhất mà bất cứ người Việt nào xa quê như gia đình chị đều ghi nhớ.
Người Việt xa xứ gói bánh chưng nhớ hương vị Tết quê hương ảnh 1 Các cửa hàng ở CH Séc vẫn bày bán các sản phẩm phục vụ Tết cổ truyền cho người Việt.
Chị Nga cho biết, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân bị hạn chế ra đường nên từ 23 tháng Chạp chị đã mua đồ để chuẩn bị cho những ngày Tết. Gần nhà chị có khu chợ của người Việt có đủ hàng hóa phục vụ Tết.
Người Việt xa xứ gói bánh chưng nhớ hương vị Tết quê hương ảnh 2 Dịch bệnh COVID-19 nên các sản phẩm này được ship đến từng gia đình đặt mua.
“Một cây quất nhỏ để bàn có giá khoảng 1 triệu đồng, 10 cành tầm xuân có giá 200 nghìn đồng, gạo nếp cái hoa vàng có giá 40 nghìn đồng/kg, đỗ xanh có giá 80 nghìn đồng/kg, 1kg lá dong và lạt buộc có giá 350 nghìn đồng. Tôi mua đủ để gói khoảng 12 cái bánh chưng cho gia đình và chia cho bạn bè”, chị Nga cho hay.
Người Việt xa xứ gói bánh chưng nhớ hương vị Tết quê hương ảnh 3  
Người Việt xa xứ gói bánh chưng nhớ hương vị Tết quê hương ảnh 4 Chị Nga tự tay gói bánh chưng, mua sắm cây hoa, muối dưa hành, vẫn giữ nếp thăm hỏi, giao lưu những ngày đầu năm mới và mong con mình được biết đến Tết truyền thống của Việt Nam.
Chị Nga cho biết thêm, chị tự tay gói bánh chưng, mua sắm cây hoa, muối dưa hành, vẫn giữ nếp thăm hỏi, giao lưu những ngày đầu năm mới và mong con mình được biết đến Tết truyền thống của Việt Nam. Năm nay, gia đình chị vẫn làm mâm cơm cúng chiều 30 Tết, trang trí nhà cửa để thêm sắc Tết. Mâm cơm sẽ có đồ ăn Việt Nam với gà luộc, dưa muối, bánh chưng và các món khác.  
Nguyễn Văn Dương quê Hải Dương (đã học tập, lao động 6 năm tại Nhật Bản) cho hay, để chuẩn bị Tết năm nay, Dương và đồng nghiệp cùng quê đã xin phép chủ nhà hàng trang trí lại quán ăn thêm nét của quê hương với hàng tre, những đèn led và đặc biệt là treo cờ Việt Nam. Kể từ 26 tháng Chạp, nhóm lao động đã tổ chức mua sắm gạo, bánh, thịt để nấu bánh chưng, giò chả, nấu các món ăn mà ngày Tết ở quê hương vẫn nấu để vơi nỗi nhớ Tết quê. 
Người Việt xa xứ gói bánh chưng nhớ hương vị Tết quê hương ảnh 5 Mua sắm các thực phẩm để gói bánh chưng, đặc biệt là lá dong, khó kiếm nhưng vẫn đầy đủ.
Người Việt xa xứ gói bánh chưng nhớ hương vị Tết quê hương ảnh 6 Tỷ mỷ gói giò, bánh chưng...
Anh Đào Quốc Hợp (quê Nam Định) đang là lao động tại Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, không như mọi năm, cả nhóm lao động người Việt sẽ tổ chức mua lợn để giết thịt tổ chức liên hoan, năm nay vì dịch bệnh COVID-19 nên anh và 3 người bạn cùng phòng chỉ tổ chức bữa liên hoan nhỏ để hướng về quê hương. Dù công việc bận rộn nhưng năm nào anh cũng mua một cành đào để trang trí. Dù không giống đào quê nhưng những cánh đào xuân cũng giúp nỗi nhớ nhà vơi bớt.
Người Việt xa xứ gói bánh chưng nhớ hương vị Tết quê hương ảnh 7 Dù không có củi để nấu bánh chưng nhưng "thức trông bánh chưng, chờ trời sáng" bên bếp điện, bếp gas cũng mang lại hương vị ngày Tết cho những người Việt xa quê.
MỚI - NÓNG