Người trẻ nuôi dưỡng nghệ thuật múa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sinh ra trên mảnh đất Quảng Trị, dù gia đình không có ai theo nghệ thuật nhưng chàng trai trẻ Nguyễn Hải Trường lại bén duyên với múa. Gắn bó với nghề suốt 13 năm qua, Hải Trường được biết đến với nhiều sáng tác ở mảng đề tài khó.

Biên đạo múa Hải Trường cho biết, sở dĩ anh chọn dàn dựng những vở múa có đề tài về chiến tranh cách mạng, không gian tâm linh, phong tục tập quán, sắc màu văn hóa các vùng miền, dân tộc… là do mong muốn đưa những nét văn hóa đậm chất dân gian vào tác phẩm múa, để khán giả thêm yêu truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam hơn. Với mong muốn đó, anh đi khá nhiều nơi, học được nhiều nét văn hóa của vùng miền. Đến đâu, anh cũng rất quan tâm tới đặc trưng, bản sắc, không gian văn hóa, tín ngưỡng, cũng như đời sống con người ở mỗi dân tộc, để tìm những điểm đặc trưng, sáng tạo cho tác phẩm.

“Lớn lên ở vùng đất lửa, nơi trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, hơn ai hết, câu chuyện về cuộc chiến tranh hào hùng của dân tộc đã ngấm vào cảm xúc và trí tưởng tượng của tôi. Bởi vậy, dù là người trẻ dàn dựng các tác phẩm, tôi thích tìm hiểu sâu hơn và mong muốn thể hiện về đề tài chiến tranh cách mạng”, biên đạo Hải Trường chia sẻ.

Người trẻ nuôi dưỡng nghệ thuật múa ảnh 1

Vở “Gánh núi trên lưng” khắc họa cuộc sống của người dân vùng cao do Hải Trường dàn dựng

Đây cũng là cảm hứng giúp anh sáng tạo tác phẩm và đạt nhiều giải cao chuyên ngành như: Giải A cuộc thi Tác phẩm múa các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2016 với tác phẩm Lễ bỏ mả; Giải C giải thưởng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam năm 2017 với tác phẩm Một ngày trên bản… Anh từng đạt giải nhất với tác phẩm Cuội già ở cuộc thi Tài năng trẻ biên đạo múa 2019.

Tiếp đó, năm 2020, tác phẩm Côn Đảo ngày trở về do anh dàn dựng giành giải B tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tại cuộc thi Tài năng múa Toàn quốc 2023, biên đạo Nguyễn Hải Trường đã giúp các nghệ sĩ múa trẻ có nhiều tác phẩm đặc sắc. Trong đó, một số vở anh tham gia dàn dựng được đánh giá cao như Bóng núi, đã giúp thí sinh Hà Nhi giành giải nhì, bảng C của cuộc thi.

Gần hơn, tháng 9/2023, anh cùng đồng nghiệp nhận giải A tập thể cho tác phẩm múa trong khuôn khổ lễ trao giải thưởng, sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021- 2023 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.

“Khai thác đề tài dân gian, dân tộc cho tác phẩm múa, tôi đều tới tận nơi tìm hiểu nét độc đáo, đặc trưng của vùng đất ấy. Thông qua tư liệu, hình ảnh và cảm nhận trực tiếp, không gian văn hóa, đời sống bà con được nghệ thuật hóa đưa lên sân khấu, dù vậy tôi vẫn chú ý sao cho không xa lạ với đồng bào, để họ sẽ thấy chính mình trong đó”, biên đạo Hải Trường nói.

Người trẻ nuôi dưỡng nghệ thuật múa ảnh 2

Biên đạo múa Hải Trường

Chia sẻ bí quyết để có các tác phẩm thu hút công chúng và thành công về nghệ thuật, Hải Trường nói: “Khi dàn dựng các tác phẩm, tôi thường dành thời gian tìm kiếm nguồn tư liệu, tìm hiểu về bối cảnh của thời kỳ gian khó cũng như sự hy sinh, mất mát của các thế hệ cha anh. Mỗi tác phẩm được dựng lên, biên đạo còn phải công phu chọn diễn viên phù hợp với nhân vật, bố cục câu chuyện; qua đó, khán giả có thể cảm nhận được không khí của thời kỳ đó qua ngôn ngữ múa”.

MỚI - NÓNG
336 người chết, mất tích do lũ quét, sạt lở
336 người chết, mất tích do lũ quét, sạt lở
TP - Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến 18h ngày 12/9, đã có 336 người chết, mất tích (gồm 233 người chết và 103 người mất tích) do lũ quét, sạt lở đất và ảnh hưởng của bão số 3.