Người trao thân miền sơn cước - Nén hương nhớ ông Phạm Duy Cường

Bí thư tỉnh ủy Phạm Duy Cường (giữa) trao đổi với bà con nông dân. Ảnh: Tùng Duy
Bí thư tỉnh ủy Phạm Duy Cường (giữa) trao đổi với bà con nông dân. Ảnh: Tùng Duy
TP - Những đột ngột, sững sờ của vụ thảm sát rồi cơ quan chức năng sẽ làm sáng tỏ. Nhưng bây giờ như đang lẩn quất, lởn vởn đâu đây hình bóng ông Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường…

Khi ấy ông là Chủ tịch Yên Bái.Câu chuyện chúng tôi lui mãi về đêm về câu thơ bát cơm xẻ nửa chăn sui đắp cùng… Chủ tịch Phạm Duy Cường gạ cả bọn rằng, có biết cái chăn sui, chăn bằng vỏ cây sui ấy như thế nào?

Khi cả đám tắc. Ông mới thư thả về cái cây sui cùng vỏ sui. Tại sao người dân tộc trên vùng cao Yên Bái thuở ấy phải dùng thứ vỏ cây nện cho dẹt, mềm dùng làm chăn? Và nếu muốn, ông sẽ đưa chúng tôi về vùng cây sui Yên Bình…

Những năm cuối bảy mươi,  chàng trai đất bánh cuốn Thanh Trì Phạm Duy Cường lạ lẫm bỡ ngỡ. Háo hức, buồn chán ngang nhau khi lần về đất Yên Bái kiếm sống. Từng là thợ đốt lò  nhà máy xi măng Yên Bái. Rồi chững chạc các vị thế phụ trách nhà máy xi măng Yên Bái, lãnh đạo huyện Yên Bình. Tất tả nhưng thanh bình một thuở đêm đêm giúp vợ soạn giáo án dạy học trẻ nhỏ vùng cao, và vẫn học được hai bằng đại học…

Là cả câu chuyện dài khi chúng tôi được chứng kiến thời điểm Nippon Zuky, một chuyên gia Nhật thuyết trình trước Bí thư Yên Bái phương án rót 1.700 tỷ đồng cho dự án chăn nuôi thỏ để chế biến dược liệu và cung cấp thịt đưa sang trời Âu. Hẳn họ phải như thế nào mới đặt cược niềm tin với Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường ngoài thổ nhưỡng, khí hậu và con người Yên Bái? 

Niềm tin của nhà đầu tư có vẻ như hồn nhiên “Đất Yên Bái nuôi thỏ thì làm chơi mà ăn thật, không thể có nơi nào thuận lợi hơn đâu, chỉ tiếc là chúng tôi chưa có nguồn lực và công nghệ tốt, người dân đã thu nhập tiền tỷ từ nuôi thỏ, các bạn đừng bỏ lỡ cơ hội”. Nippon đã cho mọc lên ở sơn cước Yên Bái trại nuôi thỏ tầm cỡ quốc tế. Bây giờ là Tập đoàn Hoa Sen đầu tư làm khu nghỉ dưỡng, dịch vụ, rồi Tập đoàn Vincom đang xây khu trung tâm thương mại lớn nhất vùng Tây Bắc…

Những vỡ vạc sáng sủa đã hình thành trên vùng đất khó, để lại dấu ấn và tầm nhìn của một Bí thư Tỉnh ủy khi mời gọi họ về đầu tư với cam kết đồng hành cùng nhau vực dậy một Yên Bái gian nan vẹo xiêu trong cái nghèo từ muôn kiếp.

Còn nhớ hôm cùng ông vào Nậm Khắt. Bản ấy 100% người Mông trên đất Mù Cang Chải. Ông đang đôn đáo cùng tham vọng biến nơi này thành khu du lịch cộng đồng và nghỉ dưỡng bởi độ lạnh quanh năm chẳng kém gì Sa Pa. Ông nói về tiếng khèn và váy Mông cùng tập tục hương ước gần như hoang sơ nguyên thủy để dân ở đây đổi đời chứ chả thể thoát nghèo đói bằng cây con gì đấy. 

Ông hào hứng vạch kế hoạch, cơ sở hạ tầng để mời gọi, rồi chỉ đạo cho các cán bộ ban ngành đi cùng những công việc cụ thể cho một đề án lớn. Hôm ấy, cuộc làm việc ở xã vùng cao không trống rong cờ mở, không cơm rượu gì, cả chủ tịch và bí thư xã đều đi họp vắng ở huyện, chỉ có anh Bí thư xã Đoàn nói tiếng Kinh còn chưa thạo ngồi làm việc cùng Bí thư Tỉnh ủy. Ông kéo tôi ra mép đồi khoát tay chỉ ra phía cánh rừng táo Mèo đã có con đường lớn từ Sơn La chạy sang và hàng điện cao thế mới tinh, khoe rằng, đây còn có hang động và suối nước nóng rất đẹp.

Bài toán thoát nghèo Yên Bái dường như có thủ lĩnh Phạm Duy Cường đã ló được đáp số từ ngày làm chủ tịch tỉnh. Sản phẩm nông- lâm nghiệp chủ lực của Yên Bái đã thực sự khởi sắc với những hướng đi mạnh dạn đang trở thành giải pháp đột phá không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn tạo cơ hội cho người dân nơi đây làm giàu. 

Dăm năm đã sử dụng tới 230 đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, xây dựng nông thôn mới bằng nông nghiệp công nghệ cao để tăng thu nhập cho người dân. 

Những con số ấn tượng đã nhân ra bằng những con số ấn tượng: 12.000ha chè đã thành vựa chè lớn nhất nhì cả nước, quế mang lại doanh thu đến 500 tỷ đồng/năm cho huyện Văn Yên với 30.000ha, rồi 500ha cam Văn Chấn có vị ngọt thơm giòn nổi tiếng mang lại nguồn thu khoảng 60 tỷ đồng/năm. 

450 lồng cá đang có thu nhập khá khẩm cho cư dân vùng lòng hồ. Rồi những cánh rừng măng Bát độ đã hình thành vùng tập trung... Chỉ dăm năm, tỷ lệ nghèo đã giảm từ 35% xuống còn gần 10%.

Ông bảo người Yên Bái đau đáu thoát nghèo, làm giàu không còn là mơ ước xa. Không lẽ đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai chạy qua Yên Bái chỉ chạy suông? Yên Bái chỉ là thành phố để đi qua?  Hạt gạo Sén Cù, lúa Mường Lò, chè Suối Giàng, cà chua sạch… lẽ nào cũng chỉ tự cung tự cấp và cho khách du lịch ăn chơi?

Trận lụt lịch sử năm 2008 ở TP Yên Bái, ông quyết tâm cùng cả hệ thống chính trị phải cho ra đời bằng được con đường tránh ngập nối từ thành phố chạy ra cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Du khách không khỏi trầm trồ khen ngợi con đường dài hơn 10km lướt thật mịn, nhưng có thể họ chưa biết rằng nó đã được đầu tư đến cả 1.000 tỷ đồng, và nằm trong ý đồ quy hoạch thành phố sơn cước đến năm 2030 mở rộng ra phía đường cao tốc. 

Gần đấy là cây cầu Tuần Quán trị giá hơn 500 tỷ đồng, bệnh viện đa khoa tầm cỡ khu vực 500 giường sắp được nâng lên 1.000 giường… Diện mạo Yên Bái hôm nay đã bỏ xa 6 năm về trước, với lượng thu ngân sách lên đến 1.700 tỷ đồng khi mà mấy năm trước chỉ tính tiền trăm. Và ngạc nhiên chưa, khó ai nghĩ những thứ triển khai sắm sanh bộn bề như thế mà Yên Bái chỉ còn nợ công vài chục tỷ đồng.

 Bữa ngồi lâu lâu với ông tỉ mẩn được biết, ông kiên quyết chỉ đạo không dàn trải đầu tư, tất cả dành cho cấp bách dân sinh và đầu tư vào nông nghiệp, trong đó giao thông phục vụ sản xuất, tiêu thụ nông - lâm nghiệp được chú trọng đặc biệt. 

Hạ tầng giao thông thúc mạnh trải đậm vào đất quế Văn Yên, vào vùng chè Nghĩa Lộ, bon qua xứ Mù Cang Chải rộng lớn, bức tranh nhà nông ở vùng cao đã bắt mắt bởi những sắc màu ấm, táo bạo với phương thức Yên Bái phải “đi bằng hai chân” - phát triển đô thị và nâng cao đời sống người miền rừng của Bí thư Phạm Duy Cường.

Từng nghe dân văn phòng Yên Bái kháo nhau là ở cương vị chủ tịch  rồi Bí thư Tỉnh ủy, nhưng ông Cường chưa bao giờ bỏ một buổi tiếp dân. Mà dân tỉnh này trên 50% là Thái, Mông, người Dao. Đường sá nhiêu khê diệu vợi. Nhưng ông biết khơi, đặt ra nhiều kênh để đến, để xuống với dân.

Chiều nay tin dữ loang nhanh… Không khí tang tóc cộng với vẻ sụt sùi âm u của hoàn lưu cơn bão cấp 12 đang rập rình làm chiều xứ thượng du Yên Bái như thêm phần u ám thê lương. Tự dưng thấy thèm thấy quý những giờ phút từng được quấy quả  ông vì công việc và cả những chén rượu mạn ngược thân tình. 

Hồi nãy chúng tôi vừa chứng kiến gương mặt tạnh hẳn đi những nét cởi mở thường thấy khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa qua thắp hương cho 2 đám tang, chợt bừng ra một ý nghĩ là lạ… Mới chiều qua thôi, Thủ tướng đã công khai xin lỗi việc đoàn xe công vụ của ông  non tuần trước đã trót dạo qua phố cổ Hội An.  

Động thái ấy gây cảm giác bất ngờ và ngạc nhiên với bao nhiêu người bởi lâu nay đã ám vào suy nghĩ đã định hình đã trì trệ rằng những việc tương tự vậy của quan chức thì còn lâu mới có chuyện xin lỗi!

Cũng là thói quen nghề nghiệp và cả phần tình cảm lâu nay với xứ thượng du Yên Bái cùng cá nhân vị Bí thư Phạm Duy Cường, sau khi nghe tin dữ, chúng tôi vuột luôn lên Yên Bái… 

Bụng bảo dạ những sự kiện đau buồn u ám như thế này chắc mình cũng chỉ làm được cái việc đến thắp hương cho người quá cố chứ giới truyền thông thì chỉ đành thúc thủ (!?). Nhưng trên đường đi nghe cái tin dữ này công khai trên bản tin trưa của Đài Truyền hình quốc gia lại thấy như tiếp tục cái mạch đột ngột, bất ngờ? 

Bất ngờ bởi thẳng thắn kịp thời cái việc mà trước đây,  mới đây thôi thấy không dễ nói dễ đưa, dễ làm? Nhưng rất nhanh tiến trình dân chủ dường như đã đột biến đã có khúc ngoặt. Như khó thay và cũng dễ thay cái chuyện xin lỗi của Thủ tướng!

Và sau cái tin trưa nay trên truyền hình như một kiểu giúp Yên Bái công khai phát tang.  Rồi những sự thăm nom, kết hợp với cả hỏi han cắt đặt công việc trực tiếp với những lãnh đạo cả tỉnh,  sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong thời khắc khó khăn bối rối này, với người thân của ông Bí thư Cường và dân Yên Bái dường như được tiếp thêm một thứ năng lượng ấm áp, thân gần?

Yên Bái đêm ngâu Mùa Vu Lan

MỚI - NÓNG