Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, bố mẹ mất sớm, "họa vô đơn chí" năm lên 1 tuổi, đôi chân cậu bé Ngô Nguyễn Anh Vũ bị teo hoàn toàn do ảnh hưởng từ một trận sốt co giật.
Thầy giáo Ngô Nguyễn Anh Vũ (40 tuổi, ở phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) hằng ngày vẫn âm thầm truyền lửa đam mê học Toán đến các thế hệ học trò - Ảnh Phương Thảo |
Lên 6 tuổi, cậu bé Vũ bắt đầu những ngày tập chống nạng đầy gian nan và khó nhọc đến trường với quyết tâm đạt được ước mơ là trở thầy giáo dạy Toán.
“Hơn 1 tuổi, tôi đã không thể đứng lên đi lại như bao đứa trẻ khác. Những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường tôi chỉ ước điều đơn giản là mình có thể đi lại và cùng bạn bè chơi đùa. Đã từng có lúc suy sụp, tiếc nuối và nghĩ nếu bản thân được trọn vẹn hơn thì tôi sẽ bay xa và làm được rất nhiều việc", thầy Vũ bộc bạch.
Dù học lực tốt, nhưng không ngờ việc bước vào cánh cổng đại học lại là thử thách không nhỏ tiếp theo với chàng trai bại liệt. Vì không đủ điều kiện về sức khỏe và không đáp ứng được hình thức ứng tuyển nên ngành sư phạm không nhận. Dù khó khăn nhưng thầy vẫn không từ bỏ và quyết định chọn khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng theo học.
Sau 5 năm đèn sách thầy đã chọn làm công việc quản trị mạng, nhưng vì niềm đam mê và yêu thích dạy Toán từ nhỏ, thầy Vũ đã quyết định bỏ việc về mở lớp dạy học. Khi ấy thầy vừa 22 tuổi.
Suốt 18 năm qua người thầy đặc biệt ấy đã gắn bó với công việc dạy học, truyền đạt niềm đam mê học Toán đến với bao thế hệ học sinh. Để làm được điều ấy, thầy vẫn luôn miệt mài nghiên cứu cách truyền tải các bài giảng đến học sinh một cách dễ hiểu và sinh động nhất - Ảnh Phương Thảo |
Em Huỳnh Ngọc Thùy Trang, học sinh lớp 12 của thầy Vũ, chia sẻ: “Thầy Vũ dạy rất dễ hiểu. Trong lớp thầy thường hay nghiêm khắc nhưng khi hết giờ học thầy là một người rất vui vẻ và luôn dạy bảo, khuyên nhủ bọn em nhiều điều vượt qua khó khăn trong cuộc sống để đạt được ước mơ”.
Hiện tại, thầy Vũ dạy các em từ lớp 10 đến lớp 12, mỗi lớp tầm khoảng 15 em. Thầy Vũ quan niệm, dạy học không phải kinh doanh kiếm tiền. Những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bị khuyết tật thầy đều dạy miễn phí để giúp các em cố gắng học tốt hơn môn Toán và nhìn vào thầy làm tấm gương để phấn đấu hơn trong cuộc sống.
Các thế hệ học trò nhìn vào thầy làm tấm gương để phấn đấu hơn trong cuộc sống - Ảnh Phương Thảo |
Bạn Nguyễn Phương Anh, 21 tuổi, cựu học sinh của thầy Vũ, tâm sự “Ba năm học cùng thầy Vũ rất vui. Thầy rất có tâm với học trò, nhiều lúc thức đến 1, 2 giờ sáng soạn đề. Thầy ra bài tập về nhà, lúc nào tôi giải không ra thì điện thoại hoặc nhắn tin, thầy sẽ giảng và bày cho cách giải rất kĩ. Khi thi tốt nghiệp thầy ôn các dạng bài nâng cao bám sát với đề. Có lúc ôn thi căng thẳng, áp lực thầy sẽ dành thời gian tư vấn, tâm sự cùng tôi. Thầy đối với tôi là một người tuyệt vời”.
Nhiều thế hệ học trò đã được thầy Vũ dìu dắt - ảnh Phương Thảo |
"Khi nhìn lại thành công hôm nay tôi thầm cảm ơn những người bạn ngày ấy đã giúp tôi đến trường để thực hiện ước mơ của mình. Tôi tin rằng, mỗi người đều có một dáng đi, một số phận khác nhau, hãy chấp nhận và sống lạc quan với điều đó” - thầy Ngô Nguyễn Anh Vũ.
Thầy giáo Ngô Nguyễn Anh Vũ - Ảnh Phương Thảo
Đối với các thế hệ học trò thầy Vũ không chỉ là một người thầy mà còn là người bạn, người anh trai đồng hành giúp các học sinh trên con đường học Toán đầy khô khan.
Và các thế hệ học trò đã thể hiện sự tôn trọng, quý mến, nể phục nghị lực của thầy Vũ qua việc cố gắng học hành, trưởng thành, luôn lạc quan vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống như cách người thầy đầy nghị lực của họ đã làm được.
"Tôi tin rằng, mỗi người đều có một dáng đi, một số phận khác nhau, hãy chấp nhận và sống lạc quan với điều đó” - thầy Ngô Nguyễn Anh Vũ - Ảnh Phương Thảo |