Dọc đường cứu trợ-Kỳ 6:

Người rẽ sóng lũ chuyển đồ giúp dân chống đói

 Chiếc xuồng mà ông Thắng thuê của ngư dân để vận chuyển hàng cứu trợ đến người dân
Chiếc xuồng mà ông Thắng thuê của ngư dân để vận chuyển hàng cứu trợ đến người dân
TP - Giữa biển lũ mênh mông, ngồi trên xuồng nhỏ, ông Lê Văn Thắng (trú ở Đồng Hới, Quảng Bình) liên tục nghe điện thoại từ vợ, con cập nhật về tình hình ngập lụt và cả lời kêu cứu của người dân.

Ở nhà, vợ ông Thắng nấu hàng chục suất cơm, người con kết nối nhận hàng cứu trợ, còn ông Thắng ngược xuôi rẽ sóng làm người giao hàng đến tay người dân bị lũ cô lập. Những ngày cả Quảng Bình mênh mông nước, ở đâu dân đói, khát là người đàn ông nhỏ gầy này có mặt.

Cả gia đình cùng nấu cơm cho dân chống đói

Ngày 23/10, Quảng Bình gần như chỉ có nước mênh mông, sóng phăm phăm liếm từng nóc nhà dân ở nhiều vùng được gọi là rốn lũ. Chúng tôi tìm mọi cách hòa mình vào một số đoàn cứu trợ đặc biệt tâm huyết.

Đang loay hoay ở ngã ba Cam Liên để tìm xuồng xin “quá giang” tới rốn lũ An Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), chúng tôi gặp ông Lê Văn Thắng (60 tuổi, trú tại thành phố Đồng Hới), rồi chúng tôi như hòa vào với ông, tất tả đi đến từng xe tải nhận hàng cứu trợ, xếp lên xe chuyển đi. Mặc chiếc áo phao, quần đùi, dáng người nhỏ gầy, ông Thắng bì bõm lội nước khuân vác mì tôm, bánh chưng đưa lên xe bán tải.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, ông Thắng đang “xin” hàng cứu trợ để về phân phát cho bà con ở xã Lộc Thủy nơi lũ cô lập. Khi chiếc xe bán tải được chất đầy hàng, chúng tôi ngỏ ý muốn cùng ông ra vùng lũ. Ông đồng ý ngay. Vì hàng ghế trên xe cũng dành để mì tôm, bánh chưng, lương khô, sữa... nên mọi người phải ngồi chồng lên nhau. “Các con chịu khó tý, chứ giờ đang cập rập lo cứu trợ người dân. Chỗ nào trên xe có thể chứa hàng thì chứa hết nên chật hẹp”, ông Thắng nói.

Người rẽ sóng lũ chuyển đồ giúp dân chống đói ảnh 1

Ông Lê Văn Thắng phân phát lương thực, nước uống cho người dân trên nóc nhà nơi rốn lũ

Ông Thắng kể, trận lụt lịch sử năm nay đã khiến quê ông chìm trong biển nước. Thôn xóm bị nhấn chìm, người dân phải lên nóc nhà lánh nạn. Đã 4 ngày qua, gia đình ông không ăn, không ngủ để cứu trợ bà con.

“Tôi quê ở xã An Thủy nhưng lập nghiệp và sinh sống ở thành phố Đồng Hới. Biết tin người dân quê nhà bị lũ cô lập nên tìm cách hỗ trợ. Vợ tôi cùng anh em họ hàng tập trung nấu cơm, thức ăn, chia ra từng hộp rồi con trai và các cháu chạy xe vận chuyển đến xuồng chở ra vùng lũ. Mấy ngày nay, gia đình tôi nấu hàng trăm suất cơm rồi. Xe này cũng là của người cháu, nó cùng tôi đến đây “xin” hàng tiếp tế, chứ chỉ riêng cơm thì không xuể cho hàng trăm người”, ông Thắng chia sẻ.

Mưa tuôn xối xả trắng trời Lệ Thủy, mây đen vần vũ liên tục, nhìn qua gương xe, ông Thắng buồn rầu nói: “Cứ mưa như thế này thì nước tiếp tục dâng, người dân lại chịu khổ hơn nữa rồi. Không biết khi nào thì hết lũ”. Khuôn mặt mỏi mệt, sạm đen vì sương gió, nếp nhăn hiện rõ thành đường, vóc người nhỏ nhắn, gầy gò, mấy ngày nay, người đàn ông này phải gồng mình vì quê hương.

Chiếc xe luồn lách qua vũng lầy, gầm rú qua nhiều đoạn ngập đưa chúng tôi đến quốc lộ 1A, đoạn thôn An Đình, xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy. Mở cửa xuống xe, ông Thắng hỏi người thanh niên đi cùng “có hàng rồi, xuồng gần vào chưa, đi được chỗ nào rồi, chỗ nào còn người dân bị đói”, người thanh niên chưa kịp trả lời, ông Thắng lấy điện thoại gọi “tới đâu rồi? Nhanh lên”...

Trên quốc lộ 1A là những thùng nhựa đựng hàng chục hộp cơm chất lên cao, ông Thắng quay lại nói với chúng tôi “cơm gia đình tôi nấu đấy, phải gắng không để bà con đói” rồi chỉ về phía thanh niên lúc nãy giới thiệu “nó là con trai thứ hai của tôi, cả nhà tôi có 5 người, mỗi người mỗi việc cứu trợ giúp dân”...

Đứng trên bờ nhìn nước lũ mênh mông, ông Thắng hướng về phía xa tỏ ra lo lắng. Đứng ngồi không yên, ông lấy điện thoại gọi liên tục cho người lái xuồng. Được biết, đây là chiếc xuồng mà gia đình ông thuê của ngư dân dùng cho việc vận chuyển, tiếp tế.

Chấm đen hiện ra trong biển lũ đục ngầu, rồi chiếc xuồng hiện rõ dần, rẽ sóng tiến vào bờ. Ông Thắng nói với con trai: “Chuẩn bị bốc đồ, hai người đi cùng thôi để dành chỗ cho nhà báo tác nghiệp”. Xuồng cập bờ, mọi người hối hả vận chuyển cơm, mì tôm, bánh chưng, nước... lên xuồng. “Các con cài chặt áo phao vào, giữa dòng, gió mạnh, sóng lớn nên phải cẩn thận, trên xuồng thì gắng ngồi yên, cứ để cho người lái xử lý”, ông Thắng căn dặn chúng tôi.

“Cơm đây, nước đây”

Khi mọi người ổn định, người lái điều khiển xuồng chạy ra xa. Chiếc xuồng nhỏ bé giữa nước lũ, từng đợt sóng vỗ vào mạn, bọt nước bắn vào người chúng tôi liên hồi.

“Mọi người cứ yên tâm, sẽ nhanh tới thôi”, ông Thắng trấn an. Giọng ông ấm áp và có sự cứng cỏi khiến chúng tôi bình tâm hơn. Cứ thế, chúng tôi ngồi im vượt lũ. ông Thắng ngồi trên xuồng chỉ nói: “Ở đây là ruộng, đầu kia là sông, người dân quê tôi cần cù lắm. Giờ lũ lụt tàn phá thế này thì không biết phải làm sao đây”.

Khoảng gần 45 phút lướt xuồng trên đỉnh lũ, thôn An Đình, xã Hồng Thủy hiện ra trong tầm mắt. Lũ bủa vây tứ phía, những ngôi nhà giờ chỉ còn thấy nóc.

Đến đầu xóm, ông Thắng hô lớn “mọi người đâu rồi, ra nhận cơm, nước”. Từ trong mỗi ngôi nhà nước dâng đến nóc, già, trẻ, gái, trai chui đầu qua mái ngói, nhoi người lên í ới tìm cách nhận đồ cứu trợ. Đứa bé đứng trên mái ngói vui vẻ: “Bác Thắng lại đến, có cơm ăn rồi”.

Tiếp cận từng nhà, ông Thắng phân phát, số lượng tùy theo số lượng thành viên mỗi gia đình. Nếu thiếu thì thanh niên nhường cho người già, trẻ nhỏ. Tình cảm của ông Thắng dành cho quê hương thật cao cả. Chúng tôi thấy rõ, sự biết ơn của người dân nơi đây khi nhận hộp cơm từ ông Thắng. “Cảm ơn bác Thắng, bác cẩn thận nhé”, một người dân nói vọng ra từ cửa sổ. “Mọi người cố gắng chịu đựng, nước lũ gần rút rồi đấy”, ông Thắng đáp lại. Len lỏi trong đường làng, ngõ xóm, ông Thắng đến từng nhà với sự chân thành, đồng cảm sẻ chia. 

Sau khi hết hàng cứu trợ trên xuồng, ông Thắng mới mỉm cười thỏa mãn nhìn vài người dân lam lũ đang ăn ngon miệng.... Trở lại bờ, chúng tôi tạm biệt ông Thắng, ông nắm chặt tay tôi nói: “Có đoàn cứu trợ nào thì giới thiệu cho bác với nhé, bác đảm bảo sẽ mang đến cho từng người dân”. 

MỚI - NÓNG