Người nối dài những nhịp đập trái tim

Bác sĩ Đại đang siêu âm tim cho bệnh nhi.
Bác sĩ Đại đang siêu âm tim cho bệnh nhi.
TP - “Được như ngày hôm nay con luôn tự hứa rằng dù sau này đi đâu, làm gì cũng không được phép quên những vất vả mà bác đã làm vì con. Bác đã sinh ra con lần thứ 2 để con có được cuộc sống hôm nay. Bác cho con được phép gọi bác là Ba được không? Con muốn gọi 2 tiếng Ba ơi!”. Tôi đọc được những dòng thư tha thiết như thế ở phòng lưu trữ của khoa Tim nhi (Bệnh viện E, Hà Nội).

Thiên thần áo trắng của trẻ thơ

“Từ ngày con mổ đến nay cũng đã được năm năm rồi mà con nghĩ mới như ngày nào. Con còn nhớ ngày đầu tiên con vào viện, bác là người đầu tiên con được gặp trong cặp kính đầy trìu mến. Và trong những ngày con nằm điều trị bác đã luôn động viện an ủi mẹ con con. Bác đã mang hy vọng cho chúng con và giang đôi tay cứu những trái tim lỗi nhịp”. Cảm xúc bị nghẹn lại nơi lồng ngực khi những dòng chữ hiển hiện trước mắt. Lật giở hết lá thư này đến lá thư khác, có những bức thư viết còn sai chính tả, nét chữ nguệch ngoạc nhưng chất chứa tình cảm mà các bệnh nhi dành cho ân nhân của mình – bác sĩ Trần Đắc Đại, Trưởng khoa Tim nhi. Trên trang Facebook cá nhân của vị bác sĩ có thể dễ dàng bắt gặp hàng trăm lời cảm ơn, hỏi thăm của bệnh nhi và gia đình gửi đến. Cùng với đó là những bức ảnh chụp cô bé, cậu bé với nụ cười tươi tắn minh chứng cho điều kỳ diệu mà bác sĩ đã mang đến cho biết bao gia đình bệnh nhân. Với họ, bác sĩ Đại là thiên thần áo trắng!

Những cô bé, cậu bé mắc bệnh tim bẩm sinh có thể đã không bao giờ có cơ hội được viết những dòng thư yêu thương như thế nếu cách đây nhiều năm không có sự tình cờ xảy ra. Khi còn là học sinh, Đại chưa từng yêu thích nghề y. Niềm mơ ước bây lâu của cậu là trở thành kỹ sư nông nghiệp. Kỳ thi đại học năm ấy được phép đăng ký 4 trường đại học, không biết trời xui đất khiến thế nào, chàng trai quê huyện Quế Võ (Bắc Ninh) đăng ký cả Đại học Y Hải Phòng. Đỗ hết các trường, nhưng gia đình và họ hàng ai cũng khuyên cậu theo học y khoa. Hai năm đầu học y mọi thứ nhàn tênh, cậu cũng không thấy đam mê gì. Năm thứ 3, trong một đợt thực tập tại Bệnh viện Nhi Hải Phòng, tình cờ Đại bắt gặp bệnh nhi bị tiêu chảy cấp rất nặng, không lấy được đường truyền và sau đó tử vong vì mất nước. Hình ảnh cậu bé vĩnh viễn rời xa cuộc sống diễn ra trước mắt mình khiến Đại mất ngủ cả đêm. Bệnh nhi ấy chỉ bằng đứa cháu con anh trai mà Đại vẫn gắn bó từ khi nó còn nhỏ làm cậu chợt nghĩ, sẽ thế nào nếu bệnh nhân đó là cháu mình. Đêm ấy, khác với hàng trăm đêm trước đó, chàng trai 21 tuổi ngồi lặng lẽ đọc những trang giáo trình, tự đặt quyết tâm phải học và yêu lấy nghề y để không còn phải chứng kiến những mất mát.

Cuộc sống là chuỗi những điều may mắn và bất ngờ. Nếu không có nó hẳn hôm nay những đứa trẻ mắc trọng bệnh sẽ không có cơ hội sống sót. Khi là sinh viên năm thứ 5, Đại trực cấp cứu tại bệnh viện, bệnh nhân là sản phụ, lúc nhìn vào bệnh án ở phần ghi nghề nghiệp của chồng bệnh nhân, cậu thấy dòng chữ: Bác sĩ nội trú. Năm năm học y, khái niệm bác sĩ nội trú hoàn toàn xa lạ với Đại. Hôm sau đem thắc mắc hỏi các thầy, cậu được biết bác sĩ nội trú là danh xưng cho những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, tiếp tục học và làm lâm sàng tại bệnh viện trong 3 năm liên tục. Đây là giai đoạn nạp kiến thức, thực hành và quan trọng nhất là tạo bản lĩnh nghề nghiệp. Bị thôi thúc bởi 4 từ đầy ma lực ấy, Đại dồn sức cho kỳ thi được đánh giá là khốc liệt nhất của nghề y.

Ngày nhận tin thi đỗ bác sĩ nội trú, cậu biết mình bắt đầu bước vào những thử thách đầy chông gai của nghề. Lý thuyết thì có nhưng lâm sàng thì chưa. Đại được phân công thực hành ở Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội). Đại nhớ lần đó có 28 bệnh nhi nặng nhưng chỉ có 2 bác sĩ và 6 điều dưỡng. Lúc ấy bệnh viện mất điện, nếu chậm thì nhiều bé sẽ nguy kịch, vậy là mọi người kéo sát các giường bệnh lại gần nhau rồi liên tục bóp bóng để hỗ trợ thở cho các bệnh nhân. Đại nhớ lại khi đó mình rất sợ, sợ mình không làm được, sợ bệnh nhân tử vong…

Ba năm học bác sĩ nội trú, từng cứu chữa nhiều bệnh nhi mắc tim bẩm sinh nặng đã rèn luyện cho Đại trở thành một bác sĩ đầy bản lĩnh và không còn run sợ trước những ca bệnh nặng. Đây cũng là khoảng thời gian giúp Đại chiêm nghiệm được nhiều điều khi tỷ lệ trẻ sinh ra bị dị tật tim quá cao, bác sĩ điều trị thì ít, thậm chí có nơi tuyến tỉnh còn “trắng” bác sĩ tim nhi. Thời điểm đó, Đại gặp TS.Trần Minh Điển, một bác sĩ nội trú “tiền bối”, hiện là Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, PGS.TS Trần Minh Điển đã động viên và định hướng cho cậu con đường để theo đuổi chuyên ngành lắm gian nan này. Giờ đây khi nhắc đến Đại, PGS.TS Trần Minh Điển vẫn luôn nhìn nhận cậu là bác sĩ kiên trì theo đuổi mục đích, luôn cố gắng tìm hiểu mọi thứ thuộc về nghề nghiệp của mình, học thầy, học bạn, học qua sách vở để trở thành bác sĩ giỏi và tận tâm với nghề.

Người nối dài những nhịp đập trái tim ảnh 1 Bác sĩ Đại (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh với đồng nghiệp tuyến dưới sau khi chuyển giao kỹ thuật can thiệp tim bẩm sinh.

Đam mê

Hồi đó, nhiều đêm, Đại xin phép các bác sĩ trực cho mình được siêu âm tim cho bệnh nhi, để có thêm kiến thức lâm sàng. Chưa hết, lần đầu tiên tự đặt đầu dò siêu âm tim cho chính bản thân mình mãi mãi là thời khắc cậu không thể quên vì có thể phân biệt được sự khác nhau giữa trái tim khỏe mạnh với những nhịp tim đập lỗi của bệnh nhi. Nhiều lần Đại ra chợ mua tim lợn về, dùng dao lam, hoặc panh mổ ra để tìm hiểu về động mạch chủ, động mạch phổi, sau đó lên máy siêu âm so sánh sự giống và khác nhau. Trong một lần tình cờ khác, năm 2006, Đại có cơ duyên gặp gỡ TS.Nguyễn Lân Hiếu, chuyên gia về can thiệp tim bẩm sinh, hiện là đại biểu Quốc hội khóa 14, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và lĩnh hội được những kiến thức quý giá về tim bẩm sinh. Tốt nghiệp bác sĩ nội trú, Đại nhận được học bổng học tiếp về tim bẩm sinh tại Pháp trong vòng 1 năm. Trở về nước, Đại tìm gặp PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu và GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E để chia sẻ về khát khao được theo đuổi chuyên ngành vô cùng khó này.

Nói về Đại, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu không giấu được tự hào: “Ngày đầu tiên tôi gặp cậu thanh niên này là một ngày đặc biệt. Một bệnh nhân nhi chuẩn bị làm can thiệp khóc thật to, Đại lúc đó còn là một bác sĩ nội trú vừa ra trường đã nhẹ nhàng khéo léo chỉ trong vài phút đã làm em bé chưa đến tuổi đến trường cười toe toét. Ngay từ lúc ấy tôi đã hiểu Đại là một bác sĩ sinh ra để làm cái nghề rất khó học, đầy vất vả và gian nan này. Không phụ lòng tôi, Đại đã lĩnh hội rất nhanh những kiến thức mà tôi truyền đạt trên một nền tảng vững chắc của bác sĩ nội trú nhi khoa xuất sắc, em đã trở thành người đồng nghiệp tin cậy của tôi và làm những việc mà tôi hằng mơ ước nhưng chưa thực hiện được như chăm sóc các em bé có bệnh tim bẩm sinh từ khi chưa ra đời cho đến khi vừa lọt lòng cất tiếng khóc đầu tiên. Những người như Đại, luôn làm tôi tin tưởng vào tương lai xán lạn của ngành tim bẩm sinh Việt Nam”.

Đại từng chia sẻ, khao khát lớn nhất của cậu là được thấy nụ cười của các bệnh nhi khi lành bệnh. Để đạt được mơ ước của mình, những năm tháng đã qua và bao ngày đang đợi phía trước, chàng trai có đôi mắt sáng và nụ cười thánh thiện ấy sẽ nỗ lực từng giây phút giữ lại cho cuộc đời này những thiên thần. Bởi cậu sinh ra để gánh trọng trách thiêng liêng mãi mãi là người hồi sinh những trái tim non nớt...

“Không dừng lại ở việc điều trị cho bệnh nhân, phát triển tốt về chuyên môn mà Đại còn có khả năng lãnh đạo điều hành, giảng dạy và chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới”.

GS.TS Lê Ngọc Thành nhận định

MỚI - NÓNG