TPHCM

Người nhập cư lo với đề xuất đăng ký thường trú phải có 20m2 đất ở

TPO - Nhiều người cho rằng nếu mức diện tích nhà ở bình quân để đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ tối thiểu 20m2 sàn/người, là cao so với điều kiện sống của đa số người dân nhập cư trên địa bàn TPHCM hiện nay. 

Vượt khả năng người thu nhập thấp

Sở Xây dựng TP.HCM vừa có tờ trình UBND TP ban hành quy định đối với các trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở thuê (hoặc mượn, ở nhờ) là diện tích bình quân cho mỗi người phải đạt 20m2, không phân chia khu vực nội hay ngoại thành.

Đề xuất này khiến không ít những người nhập cư trên địa bàn TP.HCM lo lắng. Gia đình anh Phan Văn Tuấn (34 tuổi, quê Bình Thuận) có 4 người, thuê phòng trọ rộng 16 m2 với giá tiền 3,5 triệu đồng trên đường Tân Hương, quận Tân Phú. Anh Tuấn làm nhân viên văn phòng, vợ dạy trẻ mầm non. Tổng thu nhập hai vợ chồng khoảng 13 triệu đồng/tháng.

“Hai vợ chồng dự tính đăng kí hộ khẩu thường trú để cho đứa con đầu đi học. Nhưng nếu giờ áp dụng theo quy định mới, gia đình tôi phải thuê nhà rộng tới... 80 m2 mới đáp ứng"- anh Tuấn  buồn bã: "Nếu áp dụng tiêu chuẩn về diện tích chỗ ở như vậy, chắc chắn vợ chồng tôi phải gửi hai con về quê để đi học”.

Người nhập cư lo với đề xuất đăng ký thường trú phải có 20m2 đất ở ảnh 1

Diện tích nhà trọ ở các quận vùng ven TPHCM phần lớn vào khoảng 16 m2 

Theo ghi nhận, phần lớn các nhà trọ ở các quận vùng ven trung tâm TPHCM, khu công nghiệp, khu chế xuất, được xây dựng với diện tích khoảng từ 15-20m2.

Bà Hoa (52 tuổi, quê Long An) thuê phòng trọ gần khu công nghiệp quận Tân Bình cho biết: “Mỗi phòng đều có một gác lửng, số lượng từ 3-4 người ở với giá thuê 4 triệu đồng/tháng. Nếu áp dụng theo quy định 20m2/người, thì người nhập cư có thu nhập trung bình như chúng tôi khó tồn tại ở Sài Gòn”.

Hiện tại, diện tích bình quân để đăng ký thường trú tại TPHCM được chia thành 2 khu vực. Khu vực 1 là 10m2 sàn/người gồm 5 huyện: Bình Chánh, Cần  Giờ, Hóc Môn, Củ Chi và Nhà Bè.

Khu vực 2 là 15m2 sàn/người gồm 19 quận: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bình Tân, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Thủ Đức, Gò Vấp.

Cân nhắc khi áp dụng

Ông Lê Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết: “Thành phố sẽ tính toán hợp lý với mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho người dân. Đề xuất quy định mới về diện tích nhà ở tối thiểu để nhập hộ khẩu sẽ không áp dụng đối với các trường hợp đăng ký tạm trú có thời hạn, cũng không áp dụng đối với các trường hợp quan hệ vợ chồng hay quan hệ ruột thịt trong gia đình có nhu cầu về ở chung với nhau”.

Người nhập cư lo với đề xuất đăng ký thường trú phải có 20m2 đất ở ảnh 2 Nếu quy định mức diện tích bình quân 20m2/người sẽ khó khăn cho người dân muốn đăng ký thường trú tại TP.HCM..

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, với áp lực hạ tầng như hiện nay, thành phố không khuyến khích người nhập cư có tay nghề thấp, thu nhập thấp. Ông Hiển hy vọng những người có năng lực, đóng góp nhiều cho thành phố thì thu nhập của họ phải cao, qua đó nhà ở của họ cũng phải có diện tích lớn.

Tuy nhiên, theo ông Hiển, hàng triệu người có nhu cầu nhập hộ khẩu sẽ không đáp ứng được yêu cầu diện tích ở tối thiểu như đề án Sở Xây dựng đề xuất.

"Có thể diện tích ở tối thiểu có sự chênh lệch theo khu vực ngoại thành (5 huyện, mật độ dân số bình quân chỉ hơn 1.000 người/km2) và khu vực nội thành (19 quận, mật độ dân số bình quân lên đến hơn 13.000 người/km2)"- ông Hiển nói.

Cũng theo ông Hiển, xu hướng nhập hộ khẩu vào 19 quận nội thành chiếm tỷ lệ rất cao (hơn 95%). "Do đó, nếu quy định diện tích ở tối thiểu ở các quận nội thành cao hơn các huyện ngoại thành sẽ góp phần giãn dân số khu vực trung tâm.

“TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, nơi giúp người dân các tỉnh khác giàu lên. Do đó, họ đến thành phố này không phải để đăng ký hộ khẩu thường trú, mà họ đến đây để tìm việc làm, tìm cách lập nghiệp nơi xứ người để con cái sau này tốt hơn. Nếu không được cách này thì người dân lách luật bằng cách khác, biết đâu sau này còn giải quyết hậu quả nhiều hơn. Cách tăng diện tích lên 20m2 để ngăn dòng người nhập cư thật sự chưa phải là phướng án tối ưu”, chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân nói.

MỚI - NÓNG