Những điều đó khiến con người lụa là ấy không chỉ gặt hái được cả núi tiền bạc, mà còn trở thành tượng đài “bàn tay, khối óc Việt”. Là tấm gương cho biết bao bạn trẻ khởi nghiệp với hàng Việt.
Vậy mà doanh nghiệp ấy sau suốt gần 30 năm buôn bán các sản phẩm “lụa tơ tằm Việt hạng sang trọng, đẳng cấp” (tất nhiên với giá rất cao), mới đây bị phát hiện âm thầm cắt đi nhãn mác Made in China của từng cái khăn, để gắn vào đó mấy chữ Made in Vietnam. Cùng lời thú nhận chấn động, khiến mọi lớp lụa là tuột xuống…
Nói Khaisilk “làm tổn thương lòng tự tôn dân tộc”, nhưng cần hiểu rằng sự tổn thương ấy chính mỗi chúng ta cũng đang góp phần gây ra.
Ngành dâu tằm truyền thống gần như chỉ còn trong ca dao, tục ngữ. Vậy mà ai cũng mặc định đang khoác trên người những thứ lụa là óng ả thuần Việt. Chỉ với điều kiện nho nhỏ, đó là chịu bỏ ra một khoản tiền to to cho mấy món hàng ấy.
Chúng ta dường như chỉ thích, và quen được ve vuốt bởi những lời phủ dụ ngọt ngào. Như kính ngưỡng những thứ lóng lánh như vàng, óng chuốt, mềm mại như lụa. Tự khoác cho mình một đẳng cấp dễ dàng mua được bằng tiền. “Người đẹp vì lụa...”, “Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần”. Tâm lý từ xa xưa, đến giờ vẫn vậy.
Chúng ta từ nhỏ đã quen với cổ tích, một bước tới trời. Mấy quả khế đổi được cả túi vàng. Chân xỏ vừa một chiếc hài, là một bước lên ngôi hoàng hậu…
Còn những người tạo lập giá trị bằng những lời khuyên dạy khéo léo cùng cách làm ăn ma mãnh như doanh nhân lụa nọ, thì dần dần bản thân tự say mê với những lời dạy dỗ của chính mình. Dần mê muội lạc trong rừng lụa, khi không còn nhận ra được rằng, những lời phủ dụ của mình khởi điểm đã là sự giả dối.
Chúng ta đang bị nhầm lẫn rất lớn về hệ giá trị. Những đồi núi, bãi biển, vạt rừng hoang sơ tinh khôi luôn bị coi là thứ quê kệch, vô giá trị. Để trầm trồ choáng ngợp trước những resort, biệt thự nghênh ngang đè lấp lên thiên nhiên ấy. Kính ngưỡng những cỗ xe siêu sang, nhưng mặc cảm với đôi chân nguyên thuỷ đang tự bước trên mặt đất của chính mình. Thứ tài sản vô giá trải qua suốt triệu triệu năm con người mới có được.
Và nhầm lẫn cả về lòng tự tôn. Khi thường đặt niềm tự hào ấy vào những thứ ảo ảnh, không có thật. Chỉ với một tấm bằng tiến sĩ, là có thể yên tâm mình đã là “nhà khoa học”. Coi tấm thẻ hội viên nhà văn là tác phẩm lớn nhất, nhiều lúc là duy nhất đời mình. Một điểm số hay tấm bằng thủ khoa, đã tự xem mình là nhân tài, tự ngồi đợi mọi thứ đến với mình.
Thích, quen đắp lụa là lên mọi thứ, mặc nhiên xem đó là giá trị, bất kể nó không phải của mình, không thuộc về mình. Ru ngủ, huyễn hoặc chính mình, thì sẽ còn sốc dài dài với những thứ silk/siêu đầy giả dối vây quanh.