Trong những năm 1980, Mỹ nhận thấy Liên Xô là kẻ thù gớm mặt nhất ở phương diện chịu đựng tấn công hạt nhân. Ngày nay, lãnh đạo Mỹ vẫn tiếp tục đánh giá khả năng đảm bảo an ninh của Nga trước nguy cơ hứng vũ khí hạt nhân của kẻ thù.
Những thông tin mà Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ (USSTRATCOM) và các cơ quan tình báo Mỹ sẽ sớm tập hợp lại theo lệnh của Quốc hội Mỹ gồm “địa điểm và mô tả các hệ thống ngầm có tầm quan trọng về quân sự và chính trị”, theo bản tin của hãng thông tấn Nga Ria Novosti.
Báo chí Nga biết Mỹ đã nắm được những bí mật quốc phòng hạt nhân nào của Nga và cách quân đội Nga bảo đảm lãnh đạo của họ có thể tấn công đáp trả.
“Trong một thời gian dài, USSTRATCOM và các cơ quan tình báo Mỹ đã biết về hệ thống chỉ huy được bảo đảm an ninh cao dành cho lãnh đạo cấp cao nhất, những hệ thống hầm dự phòng để quân đội trao đổi thông tin và chỉ huy cũng như mức độ chịu đựng cao của các lực lượng trên mặt đất và một phần của lực lượng trên biển”, Thiếu tướng Vladimir Dvorkin, cựu Giám đốc Viện nghiên cứu khoa học trung ương số 4 thuộc Bộ Quốc phòng Nga từng nói như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Gazeta.ru.
Quân đội Mỹ cũng biết về sự tồn tại của một hệ thống quốc phòng khác của Nga để sử dụng trong trường hợp bị Mỹ tấn công hạt nhân.
“Khi Liên Xô đối mặt với mối đe dọa từ Mỹ, chúng tôi tạo ra Hệ thống Perimetr (phương Tây gọi là ‘bàn tay chết’)”, Đại tá Leonid Ivashov, Chủ tịch Viện các vấn đề địa chính trị, từng nói trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo Vzglyad. “Hệ thống này có thể đưa ra lệnh phóng tên lửa ngay cả khi các lãnh đạo cấp cao nhất đã chết”, ông Ivashov nói.
Bảo vệ gấp ba
Tất cả các hầm ngầm bí mật và thành phố đặc biệt ở Nga đều nằm dưới sự quản lý của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), Ban Giám đốc các Chương trình đặc biệt và Tổng thống Nga, nên rất ít thông tin về những hệ thống đó được tiết lộ. Thỉnh thoảng thông tin được rò rỉ cho báo chí, chủ yếu từ các tài liệu của KGB được giải mật.
Báo Vzglyad đưa tin (bằng tiếng Nga) rằng một thành phố dưới lòng đất có thể chứa 15.000 người được xây dựng ở quận Ramenki ở Mátxcơva, khu nằm giữa Đại học nhà nước Mátxcơva và phố Udaltsov.
Ngoài ra, một hệ thống trú ẩn ngầm cho tổng thống và bộ chỉ huy quân đội được đặt ở vị trí cách thành phố công nghiệp Magnitogorsk 60km, ở vùng núi Yamantau, gần khu resort trên núi Abzakovo.
“Mezhgorie là một thành phố đóng cửa ở phía nam núi Yamantau và được xây dựng trong thời Chiến tranh Lạnh”, trang Gazeta.ru viết. “Nó thường được báo chí gọi là ‘hầm ngầm của Putin’”.
Trong những năm 1980, Liên Xô đã có những hầm ngầm dành cho các lãnh đạo cấp cao nhất, và nước Nga sau này tiếp tục phát triển các hệ thống quốc phòng hạt nhân dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin.
Dưới thời Tổng thống Putin, “các hệ thống duy trì sự sống được hiện đại hóa và nay có thể hoạt động trong 3 tháng”, Tướng Ivashov nói với báo Vzlyad.
Ngày nay, sự an toàn của các lãnh đạo Nga được bảo đảm đầy đủ, và đó không chỉ là một hệ thống hầm ngầm.
“Còn có hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa sớm và hệ thống phòng thủ chống tên lửa”, Trung tướng Andrei Bizhev, cựu Phó tư lệnh Lực lượng không gian Nga, nói với báo Vzglyad.
“Không có chuyển động nào của lực lượng hạt nhân chiến lược từ đối phương, ngay cả một vụ phóng thử tên lửa đơn lẻ, có thể qua mắt Lực lượng không gian Nga. Chúng ta có hệ thống bảo mật 3 lần. Chúng ta có hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa toàn cầu và năng lực này được nhân đôi bởi một nhóm quỹ đạo trên không gian”, ông Bizhev nói.
Trong khi đó, các chuyên gia quân sự Mỹ cho biết Washington có thể ứng phó bằng cách phát triển vũ khí hạt nhân có khả năng phá hủy sâu hơn xuống lòng đất để đạt đến độ sâu của các hệ thống hầm ngầm mới của Nga.