Người lính già bồi hồi nhớ ngày tiếp quản Thủ đô

“Từ ngày 5-9/10/1954, bộ đội ta tiến vào Thủ đô tiếp quản các cơ quan, công sở,… Hết ngày 9/10, những lính Pháp cuối cùng rút khỏi Thủ đô, quân Pháp rút đến đâu nhà nhà mở tung cửa đến đó, người dân ào ào đổ xuống phố, cờ đỏ sao vàng tung bay...”.

Trong cái nắng hanh hao những ngày đầu tháng 10, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Đình Sơn (SN 1931, phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa) để được nghe những câu chuyện về ngày giải phóng Thủ đô 60 năm trước. Ông Sơn là một trong số ít những nhân chứng sống ở Thanh Hóa đã có mặt trong những ngày hào hùng đó.

Ông Sơn sinh ra ở làng Cẩm Nga, xã Đông Yên, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa). Năm 1946, ông làm giao liên cho Đại đội chủ lực Tỉnh đội Thanh Hóa. Tháng 8/1953, ông tình nguyện đi TNXP, được phân bổ vào đơn vị C274, Đội 40 Đoàn TNXP Trung ương, làm nhiệm vụ sửa đường, tháo gỡ bom, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Cuối năm 1953, ông vinh dự là một trong 5 người của đơn vị được tuyển chọn vào Đại đội C267, Đội 36 Đoàn TNXP Trung ương vào phục vụ Bác Hồ và Trung ương ở An toàn khu. Đồng thời, ông được giao nhiệm vụ bảo vệ phòng giam bảo mật ở An toàn khu.

Người lính già bồi hồi nhớ ngày tiếp quản Thủ đô ảnh 1

Vẫn bồi hồi khi nhớ lại những ngày tiếp quản thủ đô 60 năm trước

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đơn vị của ông Sơn nhận được lệnh của cấp trên về tiếp quản Thủ đô từ đầu tháng 10/1954. Ông bảo, cho đến giờ vẫn nhớ cái cảm giác hạnh phúc, tự hào tột cùng khi được vinh dự nằm trong đơn vị được tiếp quản Thủ đô năm ấy.

Điều khiến ông Sơn không thể nào quên trong hành trình tiếp quản Thủ đô là được gặp Bác Hồ. Là cận vệ bảo vệ An toàn khu, nhưng đó là lần đầu tiên ông Sơn được gặp và được nghe Bác Hồ nói chuyện.

“Đó là ngày 5/9/1954, đơn vị hành quân từ Yên Sơn (Tuyên Quang) về đến Đại Từ (Thái Nguyên) dừng chân nghỉ lại thì được gặp Bác Hồ. Hôm đó trời vừa mưa, ăn trưa xong, cấp trên triệu tập ngay chúng tôi để đón Bác. Nghe lệnh triệu tập, anh em trong đơn vị ôm nhau khóc vì vui mừng. Hình ảnh Bác giản dị, gần gũi. Bác chỉ vào chiếc đồng hồ, giải thích, mỗi bộ phận trong chiếc đồng hồ đều quan trọng. Cũng như cách mạng thành công là do đoàn kết, thống nhất ý chí trên dưới một lòng. Mỗi bộ phận đều có nhiệm vụ riêng, mỗi người hoàn thành tốt nhiệm vụ đều vẻ vang. Bác nói về những khó khăn khi tiếp quản Thủ đô và căn dặn những điều cần làm để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, ông Sơn nhớ lại.

“Sau cuộc trò chuyện với các chiến sĩ, Bác trở về căn cứ, còn đơn vị chúng tôi tiếp tục hành quân từ Đại Từ đi Bình Ca, qua thị xã Phú Thọ, Trung Hà rồi về tập kết tại Hà Đông để chờ lệnh cấp trên”, ông kể tiếp.

60 năm trôi qua, kỷ niệm ngày hào hùng năm xưa, đôi mắt người lính già lại rưng rưng đến nghẹn lời. “Từ ngày 5-9/10/1954, bộ đội ta tiến vào Thủ đô tiếp quản các cơ quan, công sở, công trình… từ quân Pháp. Hết ngày 9/10, những quân lính cuối cùng của Pháp rút khỏi Thủ đô, quân Pháp rút đến đâu thì nhà nhà mở tung cửa đến đó, người dân ào ào đổ xuống phố cùng đông đảo thanh niên, học sinh làm vệ sinh đường phố sạch sẽ, treo cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu đỏ rực tung bay phấp phới, những bài hát vang lên khắp phố phường chuẩn bị cho ngày 10/10”.

Người lính già bồi hồi nhớ ngày tiếp quản Thủ đô ảnh 2

Người lính già Nguyễn Đình Sơn sưu tầm rất nhiều tư liệu về cuộc đời Bác Hồ

Sáng 10/10, ông Sơn cùng đông đảo bộ đội tiến vào Thủ đô. Hòa cùng nhân dân, thanh thiếu niên tay trong tay cờ hoa, biểu ngữ, khẩu hiệu vui sướng vẫy chào đoàn quân trở về. Bộ đội ta diễu hành trên các phố khu vực Hoàn Kiếm, niềm hạnh phúc được giải phóng khiến ai cũng mừng rơi nước mắt.

Trở về Hà Nội được gần một năm, khoảng tháng 2/1955, người lính Nguyễn Đình Sơn được biên chế vào Cục 40 cơ động - Cục cảnh vệ bảo vệ Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch và khi Bác đi công tác. Suốt những năm tháng được sống bên Người, ông Nguyễn Đình Sơn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình nên đã 4 lần được tặng Huy hiệu Bác Hồ và một số phần thưởng cao quý khác.

Người lính già bồi hồi nhớ ngày tiếp quản Thủ đô ảnh 3

Những chồng tư liệu về cuộc đời Bác Hồ được ông Sơn sưu tầm từ hàng chục năm trước

Năm 1982, sau khi nghỉ hưu, ông dành thời gian để tìm hiểu, sưu tầm những tư liệu về Bác. Trong căn nhà nhỏ, tài sản quý giá nhất của ông Sơn lúc này chính là những tư liệu quý đó. Tất cả tài sản vô giá ấy đều được ông nâng niu, cất giữ như đồ gia bảo suốt mấy chục năm nay.

Theo Nguyễn Thùy

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG