Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Time) |
Nhà lãnh đạo lâu năm của Belarus được Mátxcơva công nhận vai trò trong dàn xếp một thỏa thuận kín, dẫn đến việc người đứng đầu Wagner Yevgeny Prigozhin đồng ý hủy cuộc hành quân về thủ đô Mátxcơva mà giới quan sát sợ rằng có thể dẫn đến nội chiến.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 24/6, đại diện của Tổng thống Lukashenko cho biết, nhà lãnh đạo này đã thông báo cho Nga về các cuộc đàm phán với Wagner, và ông Putin đã “cảm ơn người đồng cấp Belarus về công việc đã hoàn thành”.
Dù các chi tiết của thỏa thuận vẫn được giữ kín, Điện Kremlin cho biết Prigozhin đồng ý rời Nga sang Belarus và rút lực lượng gồm 25.000 tay súng về căn cứ để đối lấy việc được miễn trừ và hủy bỏ điều tra hình sự.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko sẽ tổ chức một cuộc họp báo trong ngày 27/6 để “trả lời tất cả” các câu hỏi, ngụ ý nói đến thỏa thuận mà Minsk dàn xếp để dẹp yên vụ nổi loạn của lực lượng Wagner.
“Rất nhiều câu hỏi, nhiều câu chuyện và giả định được tạo ra …Tổng thống sẽ trả lời tất cả. Rất sớm!”, hãng thông tấn Beta đăng trên Telegram.
Ngày 26/6, Prigozhin đăng đoạn phát biểu bằng ghi âm dài 11 phút lên Telegram, trong đó nói rằng cuộc nổi dậy không phải nhằm lật đổ lãnh đạo Nga, mà chỉ phản đối việc đưa lực lượng này về dưới quyền quản lý của Bộ Quốc phòng.
Lấy lại những thứ đã mất
Bất kể điều gì đã xảy ra, những diễn biến vừa qua cho thấy Tổng thống Lukashenko đã ghi điểm tốt. Điều đó dường như không thể chỉ cách đây vài năm, khi bản thân ông Lukashenko đứng trước nguy cơ mất quyền lực vì làn sóng biểu tình rầm rộ ở Belarus để phản đối kết quả bầu cử.
Ông Lukashenko thoát khỏi cuộc khủng hoảng đó một phần lớn nhờ hỗ trợ từ Tổng thống Putin, với việc điều lực lượng sang hỗ trợ bình ổn và cung cấp khoản vay 1,5 tỷ USD để giúp Belarus vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Sự giúp đỡ đó đã được đền đáp. Khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine năm ngoái, Belarus – nước có đường biên giới chung dài hơn 1.000km với Ukraine – trở thành bàn đạp thuận lợi để Mátxcơva đưa hàng chục ngàn quân lính và khí tài sang Ukraine.
Belarus vẫn giữ quan hệ gần gũi với Nga, để có được ổn định chính trị và kinh tế cho chính mình. Ngoài các khoản vay, Minsk cũng phụ thuộc vào các khoản hỗ trợ dầu khí trị giá hàng tỷ đô la từ Nga.
Với việc xử lý cuộc nổi loạn của Prigozhin, Tổng thống Belarus không chỉ giúp Nga và còn giúp chính mình.
Báo chí Belarus dành nhiều lời khen ngợi cho những nỗ lực của ông Lukashenko, thậm chí còn gọi ông là “Người kiến tạo hòa bình của nền văn minh Slav” và “Anh hùng của nước Nga”.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ghi nhận mối quan hệ từ mấy chục năm trước giữa Tổng thống Lukashenko với Prigozhin đã giúp đạt được thỏa thuận, đồng thời khẳng định Mátxcơva “biết ơn Tổng thống Belarus vì những nỗ lực này”.
Ryhor Astapenia - Giám đốc Sáng kiến Belarus tại Chatham House, một tổ chức tư vấn và nghiên cứu chính sách tại London, cho rằng ông Lukashenko “muốn nói rất to và rõ rằng ông ấy là người dàn xếp. Ông ấy dùng cơ hội này để khôi phục rất nhiều thứ mà ông ấy đã mất sau năm 2020”.
Tuy nhiên, Franak Viačorka, cố vấn trưởng của lãnh đạo đối lập Belarus Sviatlana Tsikhanouskaya, cho rằng không nên đánh giá quá cao vai trò của nhà lãnh đạo này, vì có thể ông chỉ đóng vai trò người truyền tin vì Tổng thống Putin tránh trao đổi trực tiếp với Prigozhin.
Viačorka cho rằng cả 3 người này đều cần nhau: Tổng thống Putin cần Prigozhin cho chiến dịch quân sự ở Ukraine, Prigozhin cần Tổng thống Lukashenko cung cấp nơi trú ẩn an toàn, còn ông Lukashenko cần Tổng thống Putin để giữ ổn định chính trị.