Người lao động ở Tiền Giang được đi, về hàng ngày từ 1/11

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Kể từ ngày 1/11, doanh nghiệp trong và ngoài khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có thể chọn một trong ba phương án sản xuất và chịu trách nhiệm các phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo 3 phương án sau: tổ chức cho người lao động đi, về hàng ngày; "3 tại chỗ"; kết hợp "3 tại chỗ" và đi về hàng ngày.

Ngày 29/10, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang vừa có hướng dẫn thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Theo đó, kể từ ngày 1/11, doanh nghiệp trong và ngoài khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có thể chọn một trong ba phương án sản xuất và chịu trách nhiệm các phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, bao gồm phương án 3 tại chỗ; phương án tổ chức cho người lao động đi, về hàng ngày hoặc phương án kết hợp 3 tại chỗ và đi, về hàng ngày.

Việc áp dụng 3 phương án sản xuất nêu trên nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tiếp tục phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Hướng dẫn này của UBND tỉnh Tiền Giang quy định điều kiện sử dụng lao động, đó là lao động đã được tiêm 2 mũi vắc xin hoặc người đã khỏi bệnh không quá 6 tháng và cư trú ở vùng cấp độ 1, 2 (quy mô cấp xã). Trường hợp doanh nghiệp có khó khăn về nhân sự (lao động kỹ thuật, chuyên môn, cán bộ quản lý), thì cơ quan có thẩm quyền xem xét và chịu trách nhiệm việc cho phép doanh nghiệp sử dụng lao động tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin qua 14 ngày.

Doanh nghiệp được lựa chọn thực hiện quy mô sử dụng lao động phù hợp với quy mô sản xuất và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Đối với việc di chuyển: trong nội tỉnh, người lao động cần đáp ứng điều kiện phòng, chống dịch được di chuyển bằng phương tiện cá nhân hoặc đưa đón tập trung do doanh nghiệp bố trí; di chuyển liên tỉnh, sẽ thực hiện bằng phương tiện đưa đón tập trung hoặc thực hiện di chuyển bằng phương tiện cá nhân khi có văn bản thông báo của UBND tỉnh Tiền Giang với các tỉnh, thành liên quan.

Về xét nghiệm, người lao động trước khi trở lại doanh nghiệp làm việc phải có kết quả âm tính SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR (mẫu đơn hoặc mẫu gộp) trong 72 giờ; việc xét nghiệm tầm soát định kỳ, đối tượng, tỷ lệ người lao động xét nghiệm thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Việc xét nghiệm phải được thực hiện bởi cơ sở y tế hoặc do doanh nghiệp tự thực hiện, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định của ngành y tế.

Liên quan đến việc tổ chức cho doanh nghiệp hoạt động trở lại, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cũng vừa yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang khẩn trương xem xét giải quyết các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.

Trước đó, 19 doanh nghiệp FDI có thư cầu cứu Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp sớm được hoạt động trở lại.

Trong thư cầu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ, 19 doanh nghiệp FDI cho biết, quan điểm của tỉnh Tiền Giang là sản xuất phải an toàn - an toàn mới sản xuất; cần 100% người lao động tiêm mũi 2 đủ 14 ngày và người nhà của người lao động được tiêm đủ vắc xin, thì mới đủ an toàn để có thể cho doanh nghiệp hoạt động trở lại theo hướng bình thường mới.

Cộng đồng doanh nghiệp FDI ở Tiền Giang cho rằng, việc tỉnh Tiền Giang “một mình đi một đường” khiến doanh nghiệp và người lao động gặp rất nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp FDI cầu cứu Thủ tướng đề nghị tỉnh Tiền Giang không bắt buộc sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”.

Đồng thời, cho phép người lao động đang sinh sống tại vùng 1-3 đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin đủ 14 ngày được sử dụng phương tiện giao thông cá nhân và xe đưa đón quay lại nhà máy sản xuất vào đầu tháng 11/2021.

Đề nghị chỉ test nhanh kháng nguyên, không bắt buộc xét nghiệm PCR mẫu đơn cho người lao động trước ngày đầu tiên quay lại làm việc. Sau đó, doanh nghiệp sẽ xét nghiệm hàng tuần theo quy định của Bộ Y tế...

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.