Người làm báo không có 'cái đầu lạnh' dễ rơi vào bẫy tin đồn

Trong thời đại 4.0, truyền thông kỹ thuật số dễ bị "nhiễu sóng"
Trong thời đại 4.0, truyền thông kỹ thuật số dễ bị "nhiễu sóng"
TPO - Trong môi trường truyền thông đa dạng và phức tạp, đám đông luôn có một sức mạnh vô hình lẫn hữu hình, nhất là một số tin đồn thất thiệt trên mạng khiến báo chí rất dễ bị rơi vào “bẫy”, dễ dẫn tới khủng hoảng truyền thông.

Tại Hội thảo Truyền thông và Thương hiệu doanh nghiệp thời đại số do báo Tiền Phong tổ chức sáng 23/7 tại TPHCM, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, khi đưa tin về doanh nghiệp, nhà báo luôn phải tỉnh táo giải mã các hiện tượng tin đồn trong xã hội, nhất là những thông tin trên mạng xã hội gây bất lợi cho các doanh nghiệp. Từ đó, tạo dựng mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp trở nên gắn bó mật thiết hơn trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

Người làm báo không có 'cái đầu lạnh' dễ rơi vào bẫy tin đồn ảnh 1 Nhà báo Hồ Quang Lợi

Trong đời sống truyền thông, tin đồn là “sản phẩm truyền thông” chứa đựng nhiều yếu tố nhiễu trong quá trình truyền thông, bởi nó chịu sự tác động của nhiều yếu tố như: trình độ, nhận thức, sở thích, thói quen, hoàn cảnh của người truyền tin và đối tượng tiếp nhận thông tin. Do đó, mỗi lần tin đồn được truyền đi, nó lại được “thêm mắm, dặm muối” tình tiết theo hoàn cảnh hoặc đối tượng tiếp nhận. Vì vậy, nguy cơ sai lệch thông tin trong tin đồn là vô cùng lớn, dẫn đến  hậu quả khó lường, thậm chí mất kiểm soát thông tin.

Hiện nay, tình trạng nhiễu loạn thông tin trên báo chí và mạng xã hội đã đặt ra cho các cơ quan báo chí, những cá nhân tham gia hoạt động trên mạng xã hội phải có trách nhiệm “xử lý” tin đồn trước khi đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Thực tế cho thấy, nhiều  thông tin chưa được kiểm chứng được “chính thống hóa” trên báo chí không chỉ gây hoang mang đối với công chúng mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp – “nạn nhân” của tin đồn. Điển hình là vụ tin đồn ăn nhiều bưởi gây ung thư vú  năm 2007.

Theo nhà báo Hồ Quang Lơi, để tránh thông tin không chính xác, đối với doanh nghiệp cần minh bạch hóa thông tin. Sử dụng hiệu quả kênh báo chí truyền thông. Không nên tìm cách gỡ tin, bài ngay lập tức và Sẵn sàng hợp tác, lắng nghe.

Trong khi đó, đối với nhà báo, cơ quan báo chí cần quan sát một cách toàn diện. Khi đưa tin về bất kỳ lĩnh vực nào, nhà báo đều phải chú ý lắng nghe các ý kiến đa chiều, phỏng vấn từ hai phía có quan điểm trái chiều, không thể chỉ nghe ý kiến của một bên. Không tưởng tượng chủ quan, giữ bí mật nguồn tin. Không phát tán tin đồn và kiên trì nguyên tắc kiểm chứng.

Người làm báo không có 'cái đầu lạnh' dễ rơi vào bẫy tin đồn ảnh 2 Diễn giả Lâm Minh Chánh

Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, báo chí và doanh nghiệp có thể coi là hai người bạn đồng hành, cùng nhau phát triển. Bởi lẽ, doanh nghiệp rất cần thông tin và nắm bắt thông tin trên báo chí. Đặc biệt, trong nền kinh tế cạnh tranh bằng thông tin, ai nắm được thông tin thì người đó sẽ thắng, ai chậm thông tin sẽ thua thiệt.

Diễn giả Lâm Minh Chánh, Chủ tịch Trường Đào tạo QTKD BizUn cho biết, mạng xã hội giúp tương tác, ngay cả các nhà doanh nghiệp cũng phải nhờ mạng xã hội đã tạo thương hiệu doanh nghiệp. Điều khá, tin tốt và tin xấu đi rất nhanh, tin xấu đi nhanh hơn tin tốt.

Theo ông Chánh, thói quen của người tiêu dùng và thị hiếu tiêu dùng thay đổi nhanh chóng với nhiều xu thế khác nhau. Họ đòi hỏi đa dạng tiện ích, trải nghiệm mới. Vì thế doanh nghiệp phải phải thay đổi thay thay đổi cách tiếp cận thị trường, thay đổi cách khách hàng tương tác với thương hiệu và tăng cường trải nghiệm tích cực của khách hàng.

“Xây dựng thương hiệu không phải là chỉ là những mẫu quảng cáo hay những hoạt động truyền thông, mà đó là một chiến lược thông tin về sản phẩm, dịch vụ và tương tác với khách hàng. Trong đó, nếu sản phẩm, dịch vụ không đúng với cam kết hay không mang lại lợi ích thiết thực thì sẽ bị người tiêu dùng đánh giá không thân thiện với họ.  Và với môi trường số, những đánh giá này rất dễ được lan truyền nhanh chóng. Doanh nghiệp vì thế cần phải nắm vững chiến lược và kỹ thuật xử lý khủng hoảng trong thời đại kỹ thuật số” – ông Chánh nói.

Tham dự hội thảo, TS Tô Đình Tuân, Tổng biên tập báo Người lao động chia sẻ, trong khoảng 2 thập niên vừa qua, thế giới đã chứng kiến sự phát triển như vũ của khoa học-công nghệ. Sự ra đời và phát triển nhanh chóng của báo điện tử và mạng xã hội đã tác động trực tiếp đến báo in và các phương thức truyền thông truyền thống.

Người làm báo không có 'cái đầu lạnh' dễ rơi vào bẫy tin đồn ảnh 3 Ông Tô Đình Tuân, Tổng biên tập báo Người lao động

Truyền thông đa phương tiện (Multi-media) giúp con người thỏa mãn hơn trong nhu cầu thông tin với các tính năng hiện đại. Nếu trước đây, mỗi loại hình báo chí đều có tính độc lập, cụ thể như báo in, báo nói (phát thanh), báo hình (truyền hình) thì ngày nay 3 loại hình này đã được tích hợp trong một đơn vị truyền thông.

Sự thay đổi về phương thức truyền thông trong thời đại số tạo ra rất nhiều thách thức nhưng cũng có không ít cơ hội cho cả cơ quan báo chí lẫn doanh nghiệp.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 96 triệu người, đứng thứ 15 thế giới và thứ 3 ở Đông Nam Á. Trong đó, hơn 60% dân số sử dụng Internet, đứng thứ 16 trên thế giới! Theo một kết quả thống kê, trung bình mỗi người Việt Nam sử dụng Internet hơn 7 giờ/ngày, cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực!

“Đó là môi trường hết sức thuận lợi cho sự phát triển của các phương thức truyền thông kỹ thuật số. Tuy nhiên, với không gian rộng lớn và sự tham gia của hàng chục triệu người-trong đó có không ít tổ chức, cá nhân với nhiều mục đích, động cơ khác nhau, rất dễ gây ra các cuộc khủng hoảng truyền thông. Tình trạng đưa thông tin giả, thông tin sai lệch…lên mạng xã hội làm ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí gây thiệt hại nặng nề đến thương hiệu và tương lai của doanh nghiệp.

Báo chí-truyền thông và các doanh nghiệp - doanh nhân không phải là đối thủ mà nên là những người bạn đồng hành trên con đường đi tới tương lai. Cổ nhân có câu: “Muốn đi nhanh thì đi một mình; muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, “đi nhanh” là chưa đủ mà phải là “đi xa” – ông Tô Đình Tuân bộc bạch.

BTC Hội thảo “Truyền thông và thương hiệu doanh nghiệp thời đại số” trân trọng cảm ơn sự đồng hành của các doanh nghiệp: Tài trợ chính: Tập đoàn Novaland,  Cty Cổ phần Đầu tư  Kinh doanh  Địa ốc Hưng Thịnh (HungThinh Corp), Cty  TNHH Bất động sản Phú Hồng Thịnh; đồng tài trợ: Cty Mỹ Phầm Đăng Dương;  Đồng hành: Cty Cổ phần đầu tư Bất động sản Hưng Lộc Phát, Cty Cổ phần Him Lam, Ngân hàng Nam Á.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.