Để tìm hiểu mối liên hệ giữa khả năng ngửi mùi và nguy cơ tử vong, các nhà khoa học của Đại học Chicago tại Mỹ thực hiện một thử nghiệm quy mô lớn với hơn 3.000 người (gồm cả nam giới và nữ giới) trong độ tuổi từ 57 tới 85. Họ yêu cầu đối tượng nghiên cứu ngửi mùi bạc hà, cá, cam, hoa hồng và da thuộc trong 3 phút, PLOS ONE đưa tin.
Phần lớn đối tượng nghiên cứu phát hiện chính xác 5 mùi - dấu hiệu cho thấy khứu giác của họ bình thường. Gần 20% số người chỉ có thể nhận ra 2 hoặc 3 mùi, nghĩa là khứu giác của họ suy giảm nhẹ. Khoảng 3,5% đối tượng nghiên cứu chỉ phân biệt được một mùi hoặc không thể nhận ra bất kỳ mùi nào, đồng nghĩa với việc họ mất khả năng ngửi.
5 năm sau, 430 người trong nhóm đối tượng nghiên cứu qua đời. Khi đối chiếu kết quả phân biệt mùi với danh sách người tạ thế, các chuyên gia nhận thấy số người mất khả năng ngửi cao gấp 6 lần so với số người có khứu giác bình thường. Thực tế đó cho thấy người mất khả năng ngửi có nguy cơ tử vong cao gấp 6 lần người có khứu giác bình thường trong vòng 5 năm.
Đương nhiên, tuổi tác, giới tính và điều kiện kinh tế cũng là những yếu tố tác động tới khả năng tử vong của người già. Khi loại trừ những yếu tố ấy, nhóm nghiên cứu vẫn khẳng định rằng người mất khả năng ngửi đối mặt với nguy cơ lìa đời trong vòng 5 năm cao gấp 3 lần so với người bình thường.
"Trong 5 giác quan của con người, khứu giác là thứ được coi trọng thấp nhất. Phần lớn chúng ta chỉ nhận ra tầm quan trọng của khứu giác khi nó biến mất", Jayant Pinto, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, bình luận.
Nhóm nghiên cứu cho rằng con người mất khả năng ngửi khi chúng ta trở nên yếu, không còn thèm ăn, mắc ung thư hoặc bệnh tim. Nghiện rượu và thuốc lá cũng có thể dẫn tới tình trạng mất khứu giác.
Trên thực tế, mất khả năng ngửi là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ chết sớm chính xác hơn nhiều so với ung thư hoặc suy tim.
"Nó không phải là nguyên nhân trực tiếp khến con người tử vong, song là lời cảnh báo sớm về việc cơ thể đang trải qua trạng thái rất tồi tệ", Pinton nói.