Người hồi sinh bệnh nhân chờ chết

Bác sĩ Trần Chí Cường đang hướng dẫn một bác sĩ nước ngoài về kỹ thuật can thiệp nội mạch thần kinh- ảnh L.N
Bác sĩ Trần Chí Cường đang hướng dẫn một bác sĩ nước ngoài về kỹ thuật can thiệp nội mạch thần kinh- ảnh L.N
TPO - Anh đã giữ lại mạng sống hàng nghìn bệnh nhân khi họ đứng bên lằn ranh của sự sống và cái chết bằng kỹ thuật “can thiệp trong lòng mạch” còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Anh là TS-BS Trần Chí Cường- Trưởng đơn vị can thiệp mạch máu thần kinh của BV ĐH Y dược TPHCM.

Bác sĩ Cường sinh năm 1976 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Vùng quê nước nổi đã không cản được ước mơ học để thay đổi cuộc đời, để rồi sau đó cậu thanh niên vùng sông nước này đậu vào ba trường đại học. “Tôi bỏ bách khoa để chọn đại học Y Cần Thơ”- anh Cường nói và cho rằng, đó là quyết định đúng đắn bởi giấc mơ được làm bác sĩ có từ lúc mới cắp sách đến trường.

Năm 2000 anh tốt nghiệp và vào làm bác sĩ ở bệnh viện tỉnh với mức lương chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng. Công việc hằng ngày giúp anh nhận thấy 6 năm đèn sách là quá ít. Anh chứng kiến những cái chết không rõ ràng mà bác sĩ bất lực. “Tôi quyết tâm học tiếp và đi tìm câu trả lời về những cái chết của bệnh nhân”- bác sĩ Cường nhớ lại. Anh khăn gói lên Sài Gòn học chuyên khoa 1 Ngoại thần kinh, sau đó tiếp tục tham gia khóa học chụp X-quang can thiệp thần kinh ở bệnh viện Chợ Rẫy và Bạch Mai, một lĩnh vực còn quá mới mẻ ở Việt Nam. Đến năm 2005-2006, anh được tham gia khóa học về can thiệp mạch máu thần kinh do đại học y khoa Bicetre của Pháp phối hợp cùng đại học y khoa Mahidol tổ chức tại Thái Lan. Khóa học này quy tụ các giáo sư đầu ngành về can thiệp trong lòng mạch từ Mỹ, Pháp, Canada, Đức, Thụy Sĩ, Hà Lan… và được huấn luyện thực hành can thiệp tại Thái Lan, Đức và Mỹ.

Giữa năm 2006 anh trở về Việt Nam và cũng là thời điểm mà bệnh viện ĐH Y dược TPHCM, nơi anh đầu quân triển khai kỹ thuật can thiệp trong lòng mạch điều trị bệnh mạch máu não và tủy sống thường quy. “Từ năm 2006 chúng tôi đã thực hiện chụp chẩn đoán hơn 2.000 trường hợp và can thiệp hơn 1.000 trường hợp bệnh nhân bị bệnh mạch máu não và tủy sống với tỉ lệ tử vong do kỹ thuật này chỉ dưới 1%”- anh nhớ lại.

Cứu tinh

Sau hơn một tháng hôn mê, bệnh nhi T.V. G.H, 30 tháng tuổi ở TP Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận tưởng không qua khỏi. Chị Nguyễn Thị Kim Anh, mẹ cháu kể: “Các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM chẩn đoán cháu bị viêm màng não và dị dạng mạch máu não. Cháu được bác sĩ điều trị khỏi viêm màng não nhưng với bệnh lý mạch máu não, bác sĩ bảo bó tay, họ nói chưa nơi nào làm được. Người mẹ thất thần khi được khuyên “gia đình nên chấp nhận nuôi bé được ngày nào hay ngày ấy”. Đưa con về quê trong vô vọng, một lần chị Kim Anh xem tivi và biết được bệnh viện ĐH Y dược TPHCM điều trị được dị dạng mạch máu não, chị đưa ngay con vào nơi này. Hy vọng lóe lên khi bác sĩ Trần Chí Cường đã hội chẩn và áp dụng kỹ thuật đặt dụng cụ bít lỗ thông giữa động mạch và tĩnh mạch trong sọ bệnh nhi. Ngày 26/2, sau gần một năm thực hiện kỹ thuật này, bệnh nhi đã khỏi bệnh, đi lại được, đã tập nói. “Cháu điều trị quá trễ vì khi đến can thiệp thì đã hôn mê hơn một tháng, não bị tổn thương nặng do phù não, giãn não thất”- bác sĩ Cường nhớ lại. Tuy nhiên trong lần khám này, G.H đã khá hơn rất nhiều.

Mọi người từng đã chuẩn bị cho một kịch bản xấu nhất đối với bệnh nhân L.N.Đ, 31 tuổi ở TPHCM khi chị hôn mê gần một tháng do xuất huyết não biến chứng thuyên tắc toàn bộ xoang tĩnh mạch dọc trên và phù não. Các bác sĩ gần như bất lực bởi trải qua hai cuộc mổ rồi nhưng bệnh nhân vẫn không có dấu hiệu hồi sinh. Đứng giữa lằn ranh sống chết của người bệnh, bác sĩ Cường quyết định phải dùng kỹ thuật ống thông luồn từ tĩnh mạch đùi lên đầu lấy huyết khối. Sau 6 giờ phẫu thuật, anh cùng đồng nghiệp đã hoàn thành xuất sắc việc hút những cục máu đông trên não bệnh nhân bằng phương pháp can thiệp nội mạch. Kết quả bệnh nhân dần dần hồi tỉnh và hiện đã trở lại bình thường.

Trường hợp khác là ông Nguyễn Thanh Sơn- chủ tịch UBND TP Cần Thơ. Sau khi bị đột quỵ, có nguy cơ tử vong, ông Sơn được đưa lên bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu, bác sĩ Cường cũng được triệu tập. Anh đề xuất hội đồng chuyên môn chụp mạch máu não và đưa ống thông từ động mạch đùi luồn lên động mạch não, chụp chẩn đoán thấy một mạch máu não đang vỡ. Bác sĩ Cường cùng động nghiệp tiến hành đặt lò xo để cầm máu cho bệnh nhân. Ông Sơn đã được cứu sống.

MỚI - NÓNG