Bảo vật Hà Nội
Đến trụ sở Công ty Cổ phần Xe điện Hà Nội vào những ngày đầu thu tháng 8, hẳn nhiều người bất ngờ. Bất ngờ đầu tiên chúng tôi thấy là chiếc cổng của đơn vị, tuy trụ sở đã chuyển về đường Phạm Văn Đồng, đoạn đối diện Công viên Hòa Bình (quận Bắc Từ Liêm) nhưng cổng ra, vào vẫn y trang thời đơn vị còn ở số 69 Thụy Khuê. Đón phóng viên, ông Nguyễn Hữu Hồng, Giám đốc Công ty Cổ phần Xe điện Hà Nội bảo: “Tớ cho thợ cẩu nguyên trạng ra đây đấy”. Vậy chiếc cổng đó có gì đặc biệt?
Nếu nhìn qua, sẽ chẳng thấy gì khác ngoài hai quả cầu hình tròn và bên trên là dòng chữ “Công ty cổ phần xe điện Hà Nội” được gắn trên nền khung thép gỉ kiểu cổng chào xưa. Lãnh đạo Cty Cổ phần Xe điện bảo, chiếc cổng được làm từ rất lâu rồi, từ thời còn là Xí nghiệp Xe điện, chiếc cổng trải qua bao thăng trầm của xe điện cũng như gắn bó với nhiều thế hệ cán bộ, nhân viên ngành xe buýt Thủ đô. Vậy nên ông không muốn mất đi một phần lịch sử, chứng tích xưa. Hẳn thế, cùng với chiếc cổng đặc biệt này, ông Hồng cũng thuê người bứng theo hai cây cổ thụ đã gắn bó với địa điểm cũ của công ty ở Thụy Khuê về trồng ngay trong khuôn viên mới của đơn vị tại số 454 - Phạm Văn Đồng.
Chiếc cổng chào được chuyển nguyên trạng ra trụ sở mới tại đường Phạm Văn Ðồng ngày nay.
Nói rằng, lãnh đạo của Xí nghiệp xe điện Hà Nội là “người giữ hồn cốt của xe điện Hà Nội” không có gì quá đáng. Gắn bó với xe điện Hà Nội hàng chục năm qua, trước khi trở thành đơn vị xe buýt như bây giờ, lãnh đạo công ty vẫn nhớ tiếng “leng keng” của tàu điện năm xưa. Cũng vì thế, ngoài việc giữ những hiện vật gắn bó với trụ sở cũ, lãnh đạo của công ty còn lưu giữ được chiếc chuông tàu điện từ thời xưa. Theo ông Hồng, ngày xưa tàu điện chưa có còi hơi, còn điện như bây giờ, để tàu phát ra cảnh báo khi gặp chướng ngại vật hoặc đi qua các ngã ba, ngã tư… đơn vị sử dụng đã chế ra cái chuông bằng sắt đặt ngay dưới chân lái xe. Khi tàu lăn bánh hay gặp chướng ngại vật trên đường, tài xế sẽ dẫm lên cần chuông, chuông sẽ phát ra tiếng “reng, reng…” như tiếng còi xe bây giờ.
Với những người Hà Nội luống tuổi, tiếng chuông tàu điện hẳn gợi nhiều ký ức. Lãnh đạo Cty Cổ phần Xe điện bảo, đây có lẽ là chiếc chuông tàu điện còn lại duy nhất tại Hà Nội, vô cùng quý hiếm. Bởi thế mà ông bọc kỹ trong nhiều lớp vải vàng, cất trong phòng làm việc chứ không mang ra phòng trưng bày truyền thông. Có khách quý, ông mới mở ra cho xem và loay hoay lau chùi. Mỗi lần như vậy, ông lại lấy tay ấn lên cần chuông, lập tức phát ra tiếng “reng, reng…” vang dội, gợi nhiều cảm xúc. Cũng đã nhiều lần, chiếc chuông được một số đơn vị mượn để trưng bày, nhưng ông rất hiếm khi cho mang ra khỏi phòng làm việc. Bởi ông muốn lưu giữ cẩn thận, bởi ông sợ mất đi một bảo vật quý của Hà Nội.
Xe điện ngày ấy, bây giờ
Nhấp chén trà, ông Hồng - có nét hao hao của “lớp người xưa” nhưng cử chỉ, lời nói rất dứt khoát, kể: thời xưa, xe điện thường có 2 đến 3 toa, trên nóc có cái cần sắt dài hơi cong, trên đầu có cái ròng rọc để tiếp xúc với đường dây dẫn điện giúp xe điện lăn bánh. Xe điện xưa chạy bằng đường ray sắt (giống đường ray tàu hiện nay) quanh khu vực bờ Hồ và đến một số địa điểm buôn bán, di tích lớn… Rồi qua biến đổi của thời gian, nhu cầu của cuộc sống, đã có thời điểm xe điện được cải tiến thành xe điện bánh hơi, tuy nhiên, dần dần rơi vào lạc hậu. “Đến những năm 90 của thế kỷ XX, những chiếc xe ô tô chở khách bắt đầu được nhập về, dần dần thay thế hoàn toàn xe điện. Nhưng, với những người đã từng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, từng đi xe điện, nay nghe tiếng chuông như thấy lại một phần ký ức xưa”, ông Hồng kể lại.
Tàu điện Hà Nội xưa - phương tiện “leng keng” đã đi vào ký ức nhiều người.
Trong những tài liệu, hiện vật cổ của Xí nghiệp Xe điện trước đây, ông Hồng còn giữ được một cuốn sổ chép tay báo cáo về tình hình hoạt động của Xí nghiệp giai đoạn 1955 - 1958. Trong báo cáo này có đoạn chép: “Quá trình lãnh đạo quản lý Xí nghiệp, chúng ta luôn chú ý giục công nhân về tinh thần thái độ phục vụ, ý thức trách nhiệm trong công việc, bảo vệ tính mạng, tài sản người dân, bảo vệ an ninh vận chuyển. Nhờ đó, kết quả sản xuất luôn tăng cao, riêng năm 1957 kết quả sản xuất của Xí nghiệp đạt 1.723.344 xu, tăng 96,48% so với 1956…”. Lãnh đạo Cty Cổ phần Xe điện bảo, để viết được báo cáo này phải mất cả chục ngày. Từng dòng chữ nắn nót trên trang giấy gần như được giữ nguyên vẹn, coi như một tài sản giá trị của đơn vị.
Tập thể cán bộ, nhân viên Xí nghiệp Xe điện đứng chụp ảnh trước cổng chào của đơn vị khi còn ở Thụy Khuê
Người ta thường nói, ai bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn lại họ bằng đại bác. Với những người biết trân trọng, gìn giữ giá trị của quá khứ, hẳn tương lai cũng rạng ngời. Có lẽ thế mà sau khi chuyển đổi mô hình từ xe điện sang xe buýt, Xí nghiệp xe điện - nay là Công ty Cổ phần Xe điện Hà Nội luôn không ngừng phát triển. Đã có lúc, đơn vị thực sự vươn mình thành gã khổng lồ trên lĩnh vực vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt của thành phố Hà Nội. Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, những tuyến buýt của Công ty có thêm nhiệm vụ kết nối, vươn dài ra các khu vực ngoại thành, trong đó có các địa phương mới mở rộng, như: Mê Linh, Hà Đông, Sơn Tây, Ba Vì… Do hạ tầng còn hạn chế và thậm chí người dân nơi đây còn lạ lẫm với vận tải cộng nên sản lượng những năm qua có bị ảnh hưởng. Song ông Hồng lại cho rằng, có nhiều cái được; Thứ nhất, xe buýt vươn ra ngoại thành đã mang lại nhiều tiện ích, tạo thói quen đi lại vận tải hành khách công cộng cho người dân; Thứ hai, mang lại những cơ hội phát triển, khơi dậy tiềm năng ở những vùng đất mới…