Người 'giải cứu' nữ nhân viên hàng không có bị xử phạt hành vi gây rối?

Người đàn ông (áo đen ngoài cùng bênn trái) đã giải cứu nữ nhân viên hàng không. Ảnh cắt từ clip.
Người đàn ông (áo đen ngoài cùng bênn trái) đã giải cứu nữ nhân viên hàng không. Ảnh cắt từ clip.
TPO - Cảng vụ hàng không miền Bắc đang cho xác minh hai người đàn ông xuất hiện trong vụ xô xát giữa nữ nhân viên hàng không với 2 hành khách. Theo đó, 2 người đàn ông này có thể bị xem xét về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Những ngày qua, vụ việc hai hành khách trong đó một người là cán bộ thuộc Thanh tra Sở GTVT Hà Nội xô xát với nữ nhân viên hàng không đang gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, vấn đề gây tranh cãi hơn đó là việc người đàn ông can ngăn và bênh vực nữ nhân viên có thể bị xử phạt về hành vi gây mất trật tự công cộng. 

Cụ thể, trả lời Tuổi trẻ, ông Trần Hoài Phương - giám đốc Cảng vụ hàng không miền Bắc, cho biết Cảng vụ đang cho xác minh 2 người đàn ông trên.

“Nếu xác minh được, chúng tôi cũng xem xét làm rõ luôn hành khách kia về hành vi gây rối trật tự công cộng. Vụ việc để các cấp có thẩm quyền giải quyết  trên cơ sở quy định pháp luật. Nếu ai cũng ra can thiệp theo cách như vậy thì dễ thành đánh lộn đông người náo loạn địa bàn nhạy cảm như sân bay” - ông Phương nói.

Ông Phương cho rằng, sân bay có lực lượng an ninh túc trực và số điện thoại đường dây nóng dán khắp nơi, hành khách khi phát hiện hoặc chứng kiến sự việc có thể gọi điện, hoặc báo cho lực lượng có trách nhiệm đến giải quyết.

Bình luận về vấn đề này, trả lời với VnExpress, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Hà Nội) đánh giá hướng xử lý với "người can ngăn" của Cảng vụ là "không hợp tình và không đúng quy định của pháp luật". Bởi lẽ đây là hành vi can ngăn và ngăn chặn người đang có hành vi phạm tội xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của nữ nhân viên sân bay. Mọi công dân khi thấy bất kỳ ai có hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe người khác một cách trái pháp luật đều có quyền ngăn chặn hành vi vi phạm đó.

"Về bản chất nam hành khách này đã xông vào ngăn chặn bằng cách đánh lại người vi phạm nhằm triệt tiêu sự nguy cấp đến tính mạng người khác. Như vậy, hành vi can ngăn này không có dấu hiệu của tội Gây rối trật tự công cộng và cũng không có căn cứ để xử lý hành chính", luật sư Thơm phân tích.

Tuy nhiên, nếu sự ngăn chặn của nam hành khách này quá mức cần thiết mà xâm phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại sức khỏe từ 11% trở lên thì có thể lại bị xử lý về tội Cố ý gây thương tích hay gây tổn hại cho người khác theo Điều 104 Bộ luật hình sự.

Người trong cuộc nói gì?

Chiều 20/10, trao đổi với Báo Giao thông, ông Đào Vịnh Thuấn cho biết: “Hiện có một số tờ báo đưa thông tin tôi bóp cổ nữ nhân viên hàng không là không đúng. Lúc đó tôi thấy chị nữ nhân viên quay chụp hình ảnh chúng tôi nên tôi yêu cầu người này xoá clip quay chúng tôi, vì chưa được phép của chúng tôi và chúng tôi cũng hoàn toàn không biết chị ấy là ai.

Hiện tôi đã lên làm việc với Đồn công an Nội Bài và Công an huyện Sóc Sơn, sự việc đúng sai như thế nào sẽ chờ kết luận từ cơ quan công an".

Người 'giải cứu' nữ nhân viên hàng không có bị xử phạt hành vi gây rối? ảnh 1

Vết trầy xước do xô xát trên cổ bà Nguyễn Lê Quỳnh Anh.

Trong khi đó, sáng ngày 20/10, trao đổi với phóng viên Pháp luật Plus, bà Nguyễn Lê Quỳnh Anh cho biết: "Đây là thời điểm tôi hết ca làm việc, đã thay đồng phục và chuẩn bị ra về. Khi xuống tới cửa an ninh thì tôi thấy ùn tắc và có trường hợp hai hành khách đang to tiếng ở quầy an ninh, liên tục có những lời lăng mạ, chửi bới nhân viên ở quầy 38. Tôi không nói gì và cầm điện thoai quay lại hình ảnh đó thì bị hai hành khách này phát hiện và tấn công dẫn đến phải nhập viện".

Cũng theo trình bày của bà Quỳnh Anh, khi phát hiện bà đang dùng điện thoại quay lại cảnh hai hành khách chửi bới nhân viên an ninh, hành khách mặc áo trắng giật chiếc điện thoại nhưng bất thành nên đã giằng áo bà Quỳnh Anh. Lúc này, nhân viên an ninh sân bay chạy đến ngăn cản hai hành khách thì bị hành khách áo đen tấn công, bà Quỳnh Anh tiếp tục bị hành khách áo trắng dùng tay bóp cổ.

Cơ quan chức năng vào cuộc

Ngày 20/10, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc 2 nam hành khách đánh nữ nhân viên hàng không tại sân bay quốc tế Nội Bài. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ và báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong tháng 10/2016.

Cũng trong ngày 20/10, Sở Giao thông vận tải Hà Nội yêu cầu Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội kiểm tra, xác minh, làm rõ nội dung của sự việc, báo cáo Sở Giao thông vận tải Hà Nội trước ngày 23/10 để thông tin trả lời các cơ quan báo chí.

Trong khi đó, Cục Hàng không Việt Nam quyết định cấm vận chuyển bằng đường hàng không 12 tháng đối với ông Trần Dương Tùng, cấm vận chuyển hàng không 6 tháng đối với ông Đào Vịnh Thuấn.

Cục Hàng không nhận định, hành vi của 2 hành khách Đào Vịnh Thuấn và Trần Dương Tùng đối với chị Nguyễn Lê Quỳnh Anh (Phó đội trưởng Đội Dịch vụ hành khách, Trung tâm kiểm soát khai thác Nội Bài thuộc Tổng công ty hàng không Việt Nam) hôm 18/10 tại Sân bay Nội Bài có tính chất côn đồ, gây hoang mang cho cán bộ, nhân viên hàng không, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nói về vụ việc này, ông Trần Đăng Hải, Chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết, thời điểm xảy ra vụ việc, ông Thuấn đi công việc riêng, không phải thực hiện nhiệm vụ thanh tra. “Chúng tôi đang yêu cầu ông Thuấn báo cáo vụ việc để sau đó tiếp tục báo cáo lên lãnh đạo Sở GTVT và các cơ quan chức năng”, ông Hải nói.

 
Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG