Ảnh: Hồng Vĩnh
Thường thì tới vòng chung kết, các thí sinh mới được đi làm từ thiện. Riêng cuộc năm nay, BTC cho các người đẹp làm công tác này ngay tại vòng chung khảo phía Bắc. Trường PTCS Hy Vọng nằm ở địa bàn quận Long Biên gần Làng Văn hóa Du lịch Nắng Sông Hồng - địa điểm tổ chức chung khảo phía Bắc.
Người đẹp và những lời cảm ơn
Có lẽ ít chuyến giao lưu từ thiện nào lại ít âm thanh như vậy. Sau phần phát biểu của Trưởng Ban tổ chức, Tổng biên tập Lê Xuân Sơn và hiệu trưởng nhà trường - thầy Vũ Minh Hải, một nữ sinh lớp 4 lên phát biểu, bày tỏ niềm vui, lòng biết ơn, một cô giáo đứng cạnh dịch ra ngôn ngữ nói. Những “lời” rất giản dị nhưng được em diễn đạt bằng cử chỉ, ánh mắt và nụ cười thành ra lại rất có hồn.
Tiết mục văn nghệ của các em mới gọi là đặc sắc. Khi nghe giới thiệu, cử tọa cứ tưởng các em sẽ hát hoặc múa nhưng không. “Tốp” ca hát cũng hoàn toàn bằng tay theo nền một bài hát thu sẵn.
Là một trong những người vỗ tay cổ vũ to nhất, hoa hậu Ngọc Hân nói sau khi xem các em “hát”: “Bản thân là giám khảo, Hân không muốn thể hiện mình yếu đuối quá. Mình cố gắng át đi bằng nụ cười, tràng vỗ tay để động viên các em. Các em rất nhỏ nhưng cố gắng học hành giao tiếp, giao lưu bằng những bài hát, bằng cử chỉ ánh mắt làm cả đoàn, không riêng gì Hân, thấy xúc động”.
Những cử chỉ, ánh mắt và nụ cười có hồn.
Trước các học sinh câm điếc đã được đào tạo, đến lượt người bình thường cảm thấy “bất lực” vì không biết ngôn ngữ cử chỉ để giao tiếp với các em.
Vũ Thu Thảo là một trong số thí sinh đã khóc vì không thể nói nên lời. Cô gái người Quảng Ninh chia sẻ: “Thực sự em rất muốn nói chuyện nhưng không biết làm cách nào. Hỏi cô giáo thì được cô dạy cho cách chào. Chỉ chào thôi cũng đã rất khó, không hiểu sao các em học được như thế, rất khâm phục”.
Còn Thúy Ngân (Hà Nội) thì cho rằng: “Tình cảm thể hiện qua cử chỉ hành động ánh mắt, các em cũng có thể cảm nhận được”. Tất nhiên là vẫn có những cử chỉ không cần phiên dịch như ôm hôn, cú đập tay thay cho lời chào, thậm chí cả nước mắt...
Các thí sinh chỉ có độ mười phút để thăm các học sinh Hy Vọng tại lớp. Thời gian hầu như chỉ kịp để các cô gái bóc bánh kẹo đi mời các em.
Khóc khi các chị ra về
“Nếu có nhiều thời gian hơn, em muốn học thêm ngôn ngữ của các em để nói được nhiều chuyện hơn”, Thảo chia sẻ. “Còn nếu các em nghe được, ngay lúc này em muốn nói “Chị rất yêu các em, rất chia sẻ và đồng cảm với các em!” Khá nhiều thí sinh sau khi thăm trường Hy Vọng có chung cảm nhận “Thấy mình thật may mắn sinh ra lành lặn” và cần phải cảm ơn cha mẹ, thậm chí “ông trời” vì điều đó.
Ngọc Ánh (Hà Nội) thì cảm ơn BTC đã tạo điều kiện cho thí sinh tham gia hoạt động xã hội. Đây là lần đầu tiên cô tiếp xúc với người câm điếc. Thúy Ngân cho hay: “Trước kia em cũng từng đi từ thiện một số nơi như Viện Nhi Thụy Điển, thăm trẻ ung thư. Mỗi người sinh ra đều có hoàn cảnh riêng. Các em ở đây tuy bị dị tật nhưng nhận được nhiều tình yêu thương của các thầy cô. Em mong các em nhận được nhiều sự quan tâm từ xã hội hơn nữa”.
Hy vọng từ mái trường
Trường Hy Vọng thành lập được 20 năm, dạy trẻ em câm điếc chủ yếu của quận Long Biên và huyện Gia Lâm. Sau khi dạy hết lớp 5, trường sẽ gửi các em sang học tiếp ở trường Xã Đàn, hoặc cho về nhà.
Người khuyết tật sống chủ yếu phụ thuộc gia đình, thường họ học nghề gia truyền như làm gốm (với ai ở Bát Tràng), làm may. Nay “tốt nghiệp” Hy Vọng, có chữ, có khả năng giao tiếp, các em có thể bán hàng...
Bà Nguyễn Thị Tường Vy, Giám đốc công ty Vy Nguyễn trao quà cho đại diện trường
Nếu các trường bình thường tự hào vì đào tạo được những tài năng, những người thành đạt thì: “Học sinh trường này có nhiều em về xây dựng gia đình, có một công việc ổn định, đảm bảo được cuộc sống. Đấy là niềm tự hào của nhà trường”, thầy hiệu trưởng Vũ Minh Hải nói.
Thầy Hải cho biết, hầu hết học sinh của trường ra đều tìm được việc làm, có sản phẩm tặng lại nhà trường và đến 80% xây dựng gia đình và có cuộc sống ổn định.
Học sinh Hy Vọng không phải đóng học phí nhưng cũng không có học bổng. Các khoản lẽ ra học sinh phải đóng góp, trường đều đi xin tài trợ. Các thầy cô còn xin cả quần áo cho học sinh.
“Giáo viên mới ra trường xong thích về đây thì không phải nhưng khi đã về đây 90% là yêu mến và gắn bó với ngôi trường”, thầy Hải tâm sự.
Thầy Hải hy vọng chuyến thăm của các người đẹp dự thi Hoa hậu Việt Nam năm nay sẽ phần nào giúp các học sinh của trường Hy Vọng bớt mặc cảm bệnh tật để vươn lên trong học tập, cũng như động viên cán bộ nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
“Tôi tin các thí sinh hoa hậu khi nhìn thấy những số phận khó khăn ở đây cũng sẽ mở rộng vòng tay nhân ái tới nhiều hoàn cảnh khó khăn khác trong cuộc sống”, ông nói.