Người đào tẩu Triều Tiên nhớ lại lần đầu dùng Internet

Một người đàn ông Triều Tiên nhìn ra khung cửa sổ xe buýt. Ảnh: Michal Huniewicz.
Một người đàn ông Triều Tiên nhìn ra khung cửa sổ xe buýt. Ảnh: Michal Huniewicz.
Jayden sốc trước lượng thông tin khổng lồ trên Internet khi đào tẩu khỏi Triều Tiên 5 năm trước.

Dù có chung ngôn ngữ và thủ đô hai miền chỉ cách nhau 200 km, nhưng thế giới giữa hai quốc gia hoàn toàn khác biệt. Đối với Jayden, đó là cú sốc khi được tiếp cận tự do với lượng thông tin khổng lồ trên mạng, theo ABC.

"Lần đầu tiên có cơ hội truy cập Internet, tôi đã nhìn thấy vô vàn tin tức trên mạng và băn khoăn những tin này có đúng không", anh nói. "Ở Triều Tiên, việc tiếp cận tin tức cực kỳ hạn chế. Khi rời khỏi Triều Tiên, tin tức tràn ngập. Đó là lúc tôi bắt đầu nghĩ, 'À, việc này thật thú vị'".

Là một trong số những người Triều Tiên đào tẩu an toàn khỏi biên giới, Jayden bắt đầu cuộc đời mới ở Seoul, nơi anh sẽ vào đại học cuối năm nay. 

"Tôi biết có một số người khốn khổ vì đói ăn hay ốm yếu ở Triều Tiên, nhưng khi đó tôi còn quá trẻ, chưa bao giờ suy nghĩ nghiêm túc", Jayden nói. "Khi đó, tôi giống như bị tẩy não".

Bây giờ, anh là một trong sốt ít người Triều Tiên đào tẩu đang tận hưởng mùa đông ở Sydney và học tiếng Anh ở đây. Theo Jayden, ở Triều Tiên có hai loại người, loại hiểu rõ các thông tin chính quyền cung cấp đã được giám sát và kiểm duyệt chặt chẽ, loại kia thì không.

Tuổi thơ đói kém

Đối với Ann, bạn cùng lớp của Jayden, người đào tẩu khỏi Triều Tiên năm 14 tuổi, cô đã có một hành trình dài mới đến được Sydney. Ann năm nay 25 tuổi, nói rằng bầu không khí sạch sẽ của Australia là lời nhắc nhở ngọt ngào về tự do mà cô bị tước đi thời thơ ấu khi lớn lên ở vùng đất phi quân sự.

Ann sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở vùng núi đồi lạnh lẽo phía bắc Triều Tiên, từng trải qua nạn đói những năm 1990. Cô luôn nhớ cảm giác lạnh run người và đói bụng, bạn bè cùng lớp phải nghỉ học vì quá đói, không đủ sức tới trường.

"Đó là thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử đất nước", Ann nhận định. "Rất nhiều người chết đói. Nhiều bạn học của tôi vắng mặt, không thể tới lớp vì không có gì ăn".

Một trong những ký ức vui vẻ nhất khi còn ở Triều Tiên của Ann là ngày Chương trình Lương thực Liên Hợp Quốc phát hàng cứu trợ.

"Tôi nhớ như in hương vị bánh cookie. Đó là ký ức vui sướng nhất trong tuổi thơ của tôi", Ann nói.

Có nhiều người giống Ann. Cô là một phần của cộng đồng hơn 30.000 người đào tẩu đang sống tại Hàn Quốc. Họ đã chia sẻ những câu chuyện về khó khăn, đói kém của mình, cũng như nỗi nhớ quê hương.

Người đào tẩu Triều Tiên nhớ lại lần đầu dùng Internet ảnh 1

Một phụ nữ mua hàng trong quầy thực phẩm ở Triều Tiên. Ảnh: Michal Huniewicz.

Ann, Jayden và ba sinh viên khác đang học tập ở Sydney trong chương trình trao đổi sinh viên dành cho những người Triều Tiên đào tẩu sống tại Hàn Quốc. 5 người được lựa chọn đã thông qua vòng cạnh tranh do Bộ Thống nhất Hàn Quốc và quỹ Hana tổ chức.

Họ đang hoàn thành một khóa Anh ngữ chuyên sâu tại trường Đại học Công nghệ Sydney do chính phủ Australia tài trợ. Họ là nhóm người Triều Tiên thứ hai tới Australia học tập, sau thành công của nhóm thí điểm năm ngoái.

"Tôi đang tận hưởng mỗi ngày của cuộc sống. Đây là vùng đất tự do, năng lực Anh ngữ của tôi đang tiến bộ", Ann nói.

Cô và các bạn cho rằng dù cuộc sống ở Hàn Quốc có tốt hơn, nhưng họ cũng phải tự lực phấn đấu và chịu rất nhiều áp lực trong xã hội đầy tính cạnh tranh. 

Tham vọng

Phó giáo sư Bronwen Dalton, Đại học Công nghệ Sydney, là người đã giúp đỡ nhiều cho chương trình học bổng này. Bà cho biết các sinh viên đều bị cuốn hút bởi tính tự do và đa dạng văn hóa của Sydney. Những điều trải nghiệm sẽ giúp ích họ khi quay lại Hàn Quốc sau 22 tuần học tập.

"Họ sẽ quay lại và chắc chắn sẽ trở thành những nhà lãnh đạo trong cộng đồng. Chúng tôi đang đào tạo thế hệ lãnh đạo tương lai và thế hệ này sẽ đưa Australia lên vị trí hàng đầu trong quan hệ quốc tế", bà Dalton bày tỏ.

Ann là người có tham vọng như thế. Sau những trải nghiệm về nạn đói ở Triều Tiên, cô đặt mục tiêu làm việc trong lĩnh vực viện trợ toàn cầu.

"Trên thế giới có rất nhiều trẻ em đang chết đói", Ann giải thích. "Tôi muốn làm việc trong Chương trình Lương thực Thế giới. Đó là lý do tôi học tiếng Anh, để trở thành người đủ sức giúp đỡ người khác".

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG