Trồng xen cây bơ trong vườn cà phê cho hiệu quả kinh tế cao |
Người dân xã Đinh Trang Thượng (huyện Di Linh) đang rất phấn khởi khi được tỉnh Lâm Đồng đầu tư công trình nước sạch, đưa nước đến tận nhà. Công trình này có vốn đầu tư 12 tỷ đồng, cung cấp nước sinh hoạt cho 90% người dân trong xã.
Ông K’Chiều (Thôn trưởng Thôn 3) hồ hởi nói: Lâu nay, dân làng tự đào giếng để lấy nước sinh hoạt. Vào mùa khô, 60% giếng nước trong thôn bị cạn nên phải đi lấy nước từ các khe suối hoặc phải đi mua từng thùng về xài, tốn nhiều tiền. Nay Nhà nước đưa nước sạch về tận nhà, mọi người đều vui vì đỡ vất vả, tốn kém.
Huyện còn nạo vét hồ chứa nước Đạ Ngơr để trữ nước phục vụ việc sản xuất nông nghiệp; đồng thời, với nguồn vốn huy động gần 815 tỷ đồng, huyện đã nâng cấp, xây dựng mới 32 km hệ thống dây điện trung, hạ thế, lưới điện phân phối đến nhiều xã, trong đó có Đinh Trang Thượng.
Trước đây, việc độc canh cây cà phê khiến đời sống của người dân gặp khó khăn, nhất là khi cây già cỗi, hạt cà phê rớt giá…
Để khắc phục tình trạng trên, xã đã vận động người dân chuyển đổi giống cây trồng và vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tại địa phương, phát triển các mô hình trồng xen mang lại hiệu quả kinh tế cao; đồng thời thực hiện chương trình tái canh cà phê.
Đến nay, 75% diện tích trong số hơn 2.500ha đất sản xuất nông nghiệp của xã đã thực hiện tái canh, trong đó có khoảng 300ha đã thực hiện các mô hình trồng xen canh cây bơ, sầu riêng, mắc ca và bưởi da xanh.
Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đinh Trang Thượng còn chuyển đổi một phần diện tích cà phê già cỗi sang trồng dâu nuôi tằm. Hiện đã có 30 hộ trồng khoảng 55ha dâu để nuôi tằm, cho thu nhập cao hơn các loại cây trồng khác.
Ban ngành chức năng còn hỗ trợ hàng trăm triệu đồng xây dựng các mô hình trồng rau và nuôi tằm để giúp các hộ nghèo và cận nghèo của xã về sinh kế. Nhờ vậy, hiện tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở Đinh Trang Thượng chỉ còn vài phần trăm.