Sáng ngày 3/2, bến xe Miền Đông đông nghẹt người. Từ 4 giờ sáng cả nghìn hành khách đã xếp hàng trước các bãi giữ xe trong bến nhưng cả tiếng sau mới gửi được xe. Đến khoảng 8 giờ cùng ngày, một số bãi gửi xe ngưng nhận khiến hành khách tiễn người thân về quê hoặc khách đi về quê gửi xe phải đi 200-300mét ra ngoài bến mới có chỗ gửi, chấp nhận trả giá giữ xe 30.000 đồng/ngày, đêm.
Ở trong bến, hàng nghìn hành khách chen kín để ra xe. Các dãy ghế cho khách ngồi chờ không còn chỗ trống khiến nhiều người phải ngồi dưới đất. Nhiều hãng xe chất lượng cao như: Chín Nghĩa, Phương Trang, Mai Linh, Việt Tân Phát… đi các tuyến như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế, Gia Lai…dán thông báo hết vé.
Một số hãng xe quay vòng về không kịp nên hành khách phải chờ so với giờ chạy trên vé. Bà Nguyễn Thị Hồng, đi tuyến xe lên Gia Lai cho biết trên vé ghi 8 giờ xuất bến nhưng đợi đến 9g30 phút mà xe vẫn chưa có. “Nhà xe nói xe quay về không kịp nên bà con cố chờ và thông cảm”- bà Hồng, nói.
Trong khi đó, nhiều đoạn đường đến bến xe miền Tây như tại nút giao ngã 4 Lê Đại Hành – 3 tháng 2, vòng xoay Phú Lâm, vòng xoay cây Gõ… từ 11 giờ sáng trở đi ùn tắc nghiêm trọng khiến nhiều hành khách đến bến bị trễ, phải hủy vé. Anh Trần Ngọc Linh, ở quận 8 cho biết hai vợ chồng mua vé về Kiên Giang chuyến lúc 11 giờ. Nghĩ nhà gần nên 9 giờ hai vợ chồng mới đi để rồi bị trễ do các tuyến đường vào bến xe ken cứng người. “Vào được bến rồi phải đi gửi xe cách bến hơn 300 mét nữa nên cả hai vợ chồng trễ chuyến, phải mua lại vé mới với giá cao hơn”- anh Linh chia sẻ.
Căng thẳng hơn là tại sân bay Tân Sơn Nhất. Trước đây mỗi ngày chỉ có khoảng 13 nghìn lượt khách nhập cảnh nhưng trong 3 ngày qua đã tăng lên khoảng 17 nghìn lượt/ngày. Trong nhà ga này đã quá tải thì ở ngoài các tuyến đường vào sân bay lại quá tải hơn. Các tuyến đường Trường Sơn, Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Văn Thụ, Cộng Hoà…ra sân bay các phương tiện phải nhích từng chút một, nhiều hành khách nôn nóng rời taxi bắt xe ôm đến sân bay tránh trễ chuyến.
Đảm bảo ai cũng được về quê
Trao đổi với phóng viên, ông Thượng Thanh Hải - Phó tổng giám đốc bến xe Miền Đông, cho biết: “Những ngày qua lượng khách về quê tăng đột biến, riêng trong ngày 2/2 có trên 41.000 lượt khách lên xe về quê. Và con số này sẽ tăng lên nữa trong những ngày sắp tới. Để tránh tình trạng xếp hàng mua vé, trước đó chúng tôi tổ chức bán vé Tết trước và bán qua mạng. Ngoài ra, bến còn có xe tăng cường, đảm bảm hành khách nào cũng có xe về quê ăn Tết”.
Sợ kẹt xe, từ sáng sớm hàng trăm hành khách có mặt tại khu chờ khách ga Sài Gòn.
Quên mang theo vé tàu, hành khách đợi người thân mang tới.
Trong 10 ngày trước Tết có khoảng 900.000 người từ TPHCM đi xe đò về quê.
Theo thống kê Tổng công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn- đơn vị quản lý bốn bến xe lớn trên địa bàn TPHCM, trong 10 ngày trước Tết có khoảng 900.000 người từ TPHCM đi xe đò về quê. So với bến xe miền Đông và miền Tây, Ga Sài Gòn có phần “hạ nhiệt” hơn, không có tình trạng hành khách chen lấn, xô đẩy, tuy nhiên một số người đến ga nhưng không mang theo vé, giấy tờ tùy thân hoặc đến trễ vì kẹt xe nên phải mua ghế phụ.
Ông Đỗ Quang Văn - Giám đốc chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết: “Những ngày qua, lượt khách đi tàu về quê tăng mạnh, mỗi ngày có 18 – 20 đoàn tàu khách xuất phát từ TPHCM đi các tỉnh. Ngoài các hành khách đã có vé ra thì chúng tôi có bán thêm ghế phụ, mỗi toa tàu bán từ 7 – 12 ghế. Vé Tết hiện tại đã bán hết”.
“Hiện tại Tổng công ty đường sắt Việt Nam sử dụng vé điện tử, hành khách đi tàu mang theo thẻ lên tàu cùng với giấy tờ tùy thân, mọi thông tin phù hợp với thẻ lên tàu.. thì mới được lên tàu. Những ngày qua chúng tôi cử riêng một đội ngũ cán bộ kết hợp với cơ quan chức năng sở tại tăng cường phòng chống tình trạng trộm cắp, kẻ gian lợi dụng móc túi hành khách nên chưa có trường hợp trộm cắp nào ở ga xảy ra trong những ngày gần đây”, ông Văn khuyến cáo.