Theo thông lệ hàng năm, vào những ngày đầu tháng 7 âm lịch, nước từ thượng nguồn sông Cửu Long đổ về kết hợp với mưa to và triều cường từ hạ lưu khiến những cánh đồng mới vừa thu hoạch lúa Hè Thu của Long An ngập sâu dưới làn nước trắng.
Những năm trước thời điểm này nước lũ đã tràn bờ ngập sâu. |
Nước lũ ngập đồng ruộng mang theo phù sa bồi bổ đất đai, cuốn trôi mầm dịch bệnh gây hại cho cây trồng, đồng thời mang tới nguồn tôm cá dồi dào và bao nhiêu sinh kế khác cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long.
Năm nay nước lũ chưa về, người dân vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An vẫn đang ngóng chờ. |
Năm nay, hình ảnh đó không còn nữa trên vùng ngập lũ đầu nguồn Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An khiến nông dân khu vực này càng thêm lo lắng bởi mất đi nguồn thu nhập từ chính những con lũ từ thượng nguồn...
Chờ con nước vào đồng
Ghi nhận của PV vào ngày 7-9, trên những cánh đồng thuộc các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng… khô cạn phù sa. Nước rất thấp so với độ cao bờ ruộng cho nên không thể tràn đồng.
Những cánh đồng vẫn khô cạn phù sa chờ con nước lũ về. |
Ông Đào Hoài Nam – Phó chủ tịch xã Vĩnh Trị cho biết, năm nay tình hình nước lũ xuống chậm hơn rồi, hiện tại nước lũ lên ruộng chưa tràn bờ nên việc chuẩn bị chài lưới, bà con chưa khai thác được thủy sản của vùng Đồng Tháp Mười. Hằng năm, nước lên - nước về của con lũ giúp bà con khai thác được nguồn thủy sản, năm nay thì chưa được.
Những bầu lưới được người dân đặt để đánh bắt cá nhưng thu hoạch rất ít cá. |
“Những hộ dân sinh sống bằng nghề nông, khi nước lên khai thác thủy sản để kiếm thêm. Đến thời điểm này chưa khai thác được gì, năm trước mực nước cao hơn, người dân có thể giăng lưới, thả câu. Nguồn nước lũ hiện nay không tràn lên ruộng được thì nguồn thủy sản cũng không có, người dân cũng rất mong chờ. Thời gian nữa nước lũ về thì sẽ mang lại nguồn phù sa giúp cho việc gieo sạ, trồng trọt của bà con được tốt hơn” ông Nam chia sẻ.
Những chiếc vỏ lãi được neo đậu không được hoạt động thường xuyên như hằng năm. |
Mùa nước về kéo theo nguồn thủy sản tự nhiên khá dồi dào. Đây được xem là nguồn thu nhập chính của người dân vùng lũ, nhất là đối với các những hộ nghèo. Theo kinh nghiệm của người dân quen sống với nước lũ “Tháng bảy, nước nhảy khỏi bờ”, thế nhưng, đến nay, mực nước ở các huyện đầu nguồn của tỉnh Long An vẫn còn khá thấp.
Ông Ngà sửa lại những chiếc lưới của mình nhằm kiếm được thu nhập khi lũ về. |
Ông Nguyễn Văn Ngà (61 tuổi, ấp Lò Gạch, xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng) đang ngồi cặm cụi sửa lại chiếc lưới trong căn nhà sát mé kênh Gò Keo. Hơn chục năm qua, khi lũ về, gia đình anh đều bám trụ với nghề đánh bắt thủy sản tự nhiên.
Nhiều người dân không đánh bắt được thủy sản phải đi cắt lục bình để kiếm thêm thu nhập. |
Ông Ngà chia sẻ: “Vào thời điểm này những năm trước nước lên nhiều rồi. Năm nay nước thấp, lưới xuống, mấy cái lọp tôi đã chuẩn bị sẵn nhưng không có nước, mấy đêm trước tôi đem đi đặt chỉ có được vài con cá, thất thu nhiều. Hiện tại, gia đình phải cắt lục bình phơi đem bán kiếm thêm thu nhập, không được như hằng năm có thu nhập từ đánh bắt cá”.
Mong nước lũ về lớn hơn
Dọc theo tuyến kênh Hưng Điền, Lò Gạch, Thanh Niên, Gò Keo… về xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng - một trong những xã thuộc vùng trũng thấp của huyện, nước vẫn còn nằm sâu dưới lòng kênh. Những cánh đồng vẫn xanh màu cỏ, lúa chét còn lại sau mùa thu hoạch. Có những nơi nước ngập mặt ruộng nhưng là do nước mưa đọng lại.
Mực nước rất thấp so với độ cao của bờ ruộng, đồng lúa chét vẫn nhô trên mặt ruộng. |
Hơn 30 năm gắn bó cùng cây lúa cũng là bấy nhiêu năm ông Nguyễn Văn Thinh (55 tuổi, Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng) đón lũ, nhưng chưa bao giờ thấy con nước thấp như vậy. Theo ông Thinh, năm 2015 lũ thấp nhưng mực nước vẫn vào được đến đồng, có lũ bà con nhà nông mở đồng đón, vừa tháo chua rửa phèn, vừa đem lại phù sa cho đất.
Nhiều gia đình sống bằng nghề đánh bắt thủy sản vẫn neo đậu chờ con nước về. |
“Nước lũ vào đồng giúp nông dân diệt được chuột, sâu bọ rầy nâu, đè chết cỏ dại, bà con không tốn tiền mua thuốc trừ cỏ hay tiền mua phân bón cho đất. Vậy mà bây giờ, nước ở đồng chỉ xâm xấp, phần nhiều do nước mưa ứ đọng lại trên mặt ruộng, không phải riêng tôi mà người dân đang chờ con nước lũ về để đem lại phù sa, nguồn lợi đánh bắt thủy sản cho người dân” ông Thinh mong mỏi.
Người dân thăm lưới nhưng không kiếm được con cá nào. |
Còn Chị Đặng Thị Huệ ( 35 tuổi, xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng) lo lắng: "Khoảng 3 năm nay nước lũ về không lớn, làm ăn bấp bênh. Năm nay, đến giờ nước lũ không có nên không có cá nhiều, năm trước thời điểm này nước cũng có, tràn bờ. Nếu mà con nước nhỏ thì người dân nghèo rất khó kiếm sống vì đa số vào thời điểm này hằng năm, người dân đều nhờ vào những con lũ lớn, nguồn lợi từ thủy sản sẽ nhiều, người dân có thêm thu nhập”.
Người dân mong chờ nước lũ lớn nhưng vẫn chưa thấy về |
Năm nay, nếu nước lũ về thấp, không chỉ khiến cho người dân quen nghề mưu sinh theo con nước khốn khó mà còn ảnh hưởng đến sản xuất. Hiện người dân khu vực Đồng Tháp Mười đứng ngồi không yên, mắt luôn dõi theo con nước từng ngày.