Khu vực phường Thảo Điền thường xuyên ngập do mưa. |
Những ngày qua, TPHCM dù không có mưa quá lớn nhưng nhiều tuyến đường ở phường Thảo Điền liên tục ngập nặng, có nơi đến trưa hôm sau. Một số hộ dân vẫn phải dùng máy bơm hút nước từ trong nhà ra ngoài.
Trong đó, các tuyến đường như Thảo Điền, Quốc Hương, đường số 65 và hàng loạt các tuyến hẻm trên đường Quốc Hương bị ngập rất nặng. Đặc biệt, đoạn đường Quốc Hương trước trường Đại học Văn hoá TPHCM, cơn mưa chiều 22/6 gây ngập gần lút yên xe máy. Một số nhà dân có nền cao hơn mặt đường hơn 50cm nhưng vẫn bị nước tràn vào.
Vì không thể kinh doanh khi đường thường xuyên bị ngập, anh Lê Thanh Trúc, một chủ tiệm làm tóc ở phường Thảo Điền phải trả mặt bằng để tìm chỗ mới. “Ở đây mưa nhỏ thì ngập mặt đường, mưa lớn chút thì ngập lên đến vỉa hè, tràn vào nhà nên không thể kinh doanh gì được. Mới chuyển về đây được một thời gian nhưng giờ tôi phải chuyển nơi mới vì không thể làm gì được khi cứ mưa là ngập”, anh Trúc ngao ngán.
Người dân vất vả đẩy xe máy qua tuyến đường ngập ở Thảo Điền. |
Ông Thái Văn Dũng, bảo vệ một cơ sở kinh doanh tại giao lộ Quốc Hương - đường 65 không khỏi bức xúc vì khu vực này thường xuyên bị ngập suốt nhiều năm qua mặc dù mặt đường đã nhiều lần được sửa chữa. “Tôi làm việc ở đây gần 6 năm thì có ít cũng 3 lần sửa đường Quốc Hương rồi. Mỗi lần sửa kéo dài mấy tháng, có khi cả năm. Cứ tưởng sửa xong sẽ hết ngập, ai ngờ ngập ngày càng nặng hơn”, ông Dũng nói.
Chỉ vào bậc thềm nhà cao hơn mặt đường khoảng 50cm, ông Dũng cho hay cơn mưa chiều 22/6 khiến nước ngập tràn qua bậc thềm chảy vào nền nhà, ông phải vận hành 4 máy bơm để hút nước ra ngoài. “Không hiểu sao mưa không lớn lắm mà ngập kinh hoàng như vậy. Mưa vừa đổ xuống được một lúc là nước đã ngập mặt đường, tràn vào nhà”, ông Dũng cho hay.
Ông Dũng chỉ vào bậc thềm cao hơn 50cm nhưng nước vẫn tràn vào nhà. |
Theo ông Dũng, nước ngập đường và tràn vào nhà không chỉ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông mà còn gây hư hỏng tài sản của người dân. Đã có nhiều người bị nước xô ngã khi cố gắng đi qua đoạn ngập để về nhà. Đặc biệt là phụ nữ, khi dắt xe máy đi qua đoạn đường ngập, gặp xe ô tô chạy qua tạo thành sóng mạnh bị ngã sấp xuống đường.
“Mỗi lần có người bị sóng xô ngã là nhiều người gần đó phải chạy đến hỗ trợ dựng xe máy, đỡ dậy chứ xe máy đè lên rất nguy hiểm. Nâng đường chống ngập không hiệu quả nhưng không thấy ai chịu trách nhiệm. Chỉ người dân ở đây là khổ”, ông Dũng bức xúc.
Theo tìm hiểu của phóng viên, để chống ngập cho khu vực phường Thảo Điền, những năm qua cơ quan chức năng đã thực hiện nâng cấp nhiều tuyến đường như Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền, Xuân Thuỷ… hệ thống cống thoát nước cũng được thay bằng cống lớn hơn. Tuy nhiên, tình trạng ngập vẫn diễn ra triền miên khiến người dân khổ sở.
Đường thường xuyên ngập nặng khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn. |
Theo các chuyên gia, khu vực phường Thảo Điền, TP Thủ Đức thường xuyên bị ngập nặng mỗi khi trời mưa là do "cốt" nền khu vực này thấp hơn mực nước sông Sài Gòn nên nước mưa không thể thoát ra sông dù cống lớn. “Nguyên tắc thoát nước là nước từ chỗ cao chảy xuống chỗ thấp. Mặt khác muốn thoát nước tự nhiên thì độ dốc cống phải đạt tiêu chuẩn, cống càng lớn thì độ dốc càng cao. Trong khi đó "cốt" nền quá thấp so với mặt nước thì không thể nào thoát được. Do đó cần phải sử dụng bơm "cưỡng bức" để đẩy nước ra ngoài”, GS.TS Lê Huy Bá, chuyên gia giao thông đô thị nói.
Đồng quan điểm, một chuyên gia về thuỷ động lực học cho rằng, việc nâng đường, thay cống lớn chỉ phát huy được tác dụng khi mưa nhỏ và thuỷ triều thấp. Trường hợp mưa lớn, triều cường lên cao thì hệ thống cống lớn sẽ biến thành nơi chứa nước, lúc này sẽ cần hệ thống bơm đủ lớn để đẩy nước ngược ra sông Sài Gòn.
Theo người dân, từ đầu tháng 6 đến nay, khu vực phường Thảo Điền đã xảy ra ít nhất 4 lần ngập do mưa khiến giao thông đi lại gặp rất nhiều khó khăn, cuộc sống người dân bị đảo lộn.
Sau phản ánh của người dân, phóng viên đã liên hệ điện thoại với ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TPHCM để tìm hiểu thông tin, tuy nhiên ông Điệp đề nghị phóng viên gửi nội dung cần trao đổi cho Văn phòng Sở Xây Dựng.