Tạo nguồn thu cho ngân sách
Nêu quan điểm về việc thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, luật sư Nguyễn Thanh Tùng – Công ty Luật ICC cho biết, bản thân ủng hộ việc đưa biển số ra đấu giá, bởi đây mới chỉ là thí điểm áp dụng, nếu nảy sinh vướng mắc, bất cập thì hoàn toàn có thể điều chỉnh cho phù hợp.
Theo luật sư Tùng, trong thời gian thí điểm đấu giá biển số, cơ quan công an vẫn duy trì đồng thời 2 cách quản lý, 1 là cấp biển số ngẫu nhiên, 2 là cấp theo đấu giá theo nhu cầu nên người dân có nhiều sự lựa chọn hơn.
“Thực tế, nhu cầu chọn biển số của người dân là khá cao nên nếu cách làm mới này hấp dẫn thì sẽ tạo được nguồn thu cho ngân sách. Nếu ai không quan tâm đến biển số “xấu, đẹp” thì vẫn đề nghị cấp biển ngẫu nhiên” – luật sư Tùng nói.
Luật sư Nguyễn Thanh Tùng - Văn phòng Luật ICC. |
Tuy nhiên, luật sư Tùng cho rằng, sắp tới về quyền sở hữu, quản lý sử dụng biển số thông qua đấu giá cho người dân sau khi thí điểm cần nghiên cứu để xây dựng Luật cho phù hợp, đảm bảo tính pháp lý. Còn về cách thức để người dân tham gia đấu giá và chọn biển số theo ý thích và đảm bảo tiện lợi, công khai minh bạch có thể tiến hành theo phương thức online (trực tuyến).
“Cơ quan công an xây dựng 1 cổng thông tin về đấu giá biển số, đưa các biển số có thể chọn lên đó tạo kho biển số để người dân vào tìm, chọn và đăng ký tham gia đấu giá. Kết quả trúng đấu giá cần công khai, minh bạch để tránh tiêu cực” – luật sư Tùng góp ý.
Cần xác lập quyền tài sản đối với biển số
Đồng quan điểm, Ts. Ls Đặng Văn Cường –Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, vấn đề mấu chốt trong đấu giá biển số xe là có xác định biển số xe là tài sản hay không, trên cơ sở đó mới có thể đưa ra những quy định về căn cứ xác lập, quyền của chủ biển xe trong quá trình quản lý, sử dụng sau này.
Bởi theo quy định của pháp luật hiện nay thì thủ tục đấu giá được thực hiện theo Luật đấu giá tài sản và các luật chuyên ngành. Bởi vậy, nếu xác định biển số xe là tài sản thì mới có thể áp dụng các quy định của luật đấu giá tài sản để tổ chức thực hiện hoạt động đấu giá theo quy định pháp luật.
Ts. Ls Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính Pháp. |
“Trường hợp không xác định đây là tài sản thì phải có quy trình quy định riêng sao cho đảm bảo tính thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản dưới luật phải phù hợp với văn bản luật và văn bản luật phải phù hợp với hiến pháp. Nếu áp dụng quy định của Luật Đấu giá tài sản để tiến hành đấu giá biển số xe thì sẽ phải xác định biển số xe là tài sản, hay nói cách khác đây là quyền tài sản giống như quyền sử dụng đất và các loại quyền tài sản khác theo quy định của Bộ luật dân sự” – luật sư Cường nêu quan điểm.
Theo đó chủ sở hữu tài sản có quyền quản lý tài sản, sử dụng tài sản và định đoạt tài sản. Ba quyền năng cơ bản của chủ sở hữu tài sản đã được Bộ luật dân sự quy định thì cũng cần phải xem xét đến các quyền năng đó đối với biển số xe khi tổ chức, cá nhân trúng đấu giá.
Đại tá Đỗ Thanh Bình – Cục Phó Cục CSGT, việc thí điểm đấu giá biển số hiện tại người trúng đấu giá chưa được mua bán, sang nhượng quyền sở hữu vì đây là một loại “hàng hóa đặc biệt”.
Vẫn theo luật sư Cường, thực tế hiện nay những xe biển đẹp có giá rất cao, có thể đến vài tỷ, thậm chí cả chục tỷ đồng. Khi đã bỏ ra một số tiền lớn như vậy thì cũng cần quy định về quyền lợi của chủ biển số như quyền tháo ra để gắn vào chiếc xe khác của họ (nhưng thủ tục phải đăng ký với cơ quan chức năng); Khi xe bị hư hỏng hoặc họ muốn bán chiếc xe đó thì có quyền giữ lại biển và khi đó cơ quan chức năng phải cấp một biển số mới cho chiếc xe đó; họ có quyền bán lại, nhượng lại biển số xe đó cho tổ chức, cá nhân khác với giá cả thỏa thuận mà không bị hạn chế bởi pháp luật...
"Cũng cần quy định thêm về thời hạn sở hữu của chủ biển số xe, quyền thế chấp, đặt cọc, cầm cố, bảo lãnh và các quyền khác theo quy định của Bộ luật dân sự về quyền tài sản; người trúng đấu giá biển số xe cũng có thể sử dụng biển số xe này để cho thuê, cho mượn trong các giao dịch dân sự; nếu được xác định là tài sản thì cũng cần quy định quyền thừa kế đối với biển số xe khi người đứng tên biển số này qua đời... Đây là những quyền rất cơ bản của chủ sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật" - luật sư Cường nêu quan điểm.
Vẫn theo luật sư Cường, để tổ chức thực hiện đấu giá biển số xe thì phải hoàn thiện cơ sở pháp lý, những quy định đưa ra phải phù hợp với các quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Việt Nam, đảm bảo quyền lợi của người trúng đấu giá, đảm bảo dễ dàng trong công tác quản lý hành chính, quản lý trật tự an toàn giao thông.
Từng dừng triển khai do vướng mắc pháp lý
Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự thảo Đề án “Thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số xe ô tô thông qua đấu giá”, Bộ Công an cho biết, năm 1993 đã chỉ đạo Công an TP Hải Phòng nghiên cứu và tổ chức thí điểm đăng ký, cấp biển số, thu lệ phí biển số xe tự chọn. Sau 2 tháng triển khai thực hiện đã có 94/198 xe đăng ký (đạt 47%). Tuy nhiên, khi chuẩn bị triển khai thực hiện Thông tư số 88-TT/LB ngày 29/10/1994 quy định chế độ thu, quản lý sử dụng lệ phí đăng ký biển số xe tự chọn thì báo chí và dư luận xã hội còn nhiều ý kiến trái chiều nên Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu không thực hiện việc thu lệ phí cấp biển số xe tự chọn.
Đến năm 2008, Công an Bình Dương, Nghệ An, Khánh Hòa, Kiên Giang, Tiền Giang, Bắc Ninh, Sơn La và Hà Nội báo cáo Bộ Công an xin ý kiến về việc đấu giá biển số xe. Sau khi thống nhất với Bộ Tư pháp, Tài chính và Giao thông vận tải, Bộ Công an đã có công văn số 1820/BCA-C11 ngày 25/8/2008 báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép đấu giá biển số xe, các đơn vị chức năng đã dự thảo Thông tư liên Bộ Tài chính, Công an, Tư pháp hướng dẫn việc đấu giá quyền sử dụng biển số xe, lấy ý kiến tham gia nhiều lần của các Bộ, ngành và địa phương nhưng không được ban hành do vướng mắc về cơ sở pháp lý.