Theo ghi nhận, hoa cúc đại đóa và pha lê truyền thống được các nhà vườn ở huyện Tuy Phước trồng với số lượng lớn và cung ứng ra thị trường đúng dịp Tết hàng năm. Hoa cúc cung ứng gần 200.000 chậu, tăng khoảng 50.000 chậu.
Tại làng hoa Bình Lâm 300 hộ trồng hoa ở đây vô cùng phấn khởi vì chưa năm nào người trồng hoa nơi đây ăn Tết to và vui, nhiều hộ lãi từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng.
Ông Phan Đình Muộn, một hộ trồng hoa kỳ cựu, chia sẻ: “Năm nay tui trồng trên dưới 1 ngàn chậu, nói chung hồi trước làm ruộng sạ lúa chỉ đắp đổi đủ ăn, có khi còn thiếu ăn. Từ khi chuyển sang trồng hoa nên đời sống cải thiện hơn, nhà cửa khang trang hơn, tường rào, cổng ngõ đổi mới. Về mặt xây dựng nông thôn mới có tiến triển bà con, tết này trừ chi phí cũng lời vài chục triệu”.
Người dân cho biết để hoa ra đúng dịp tết rất khó và cực công
Theo ông Huỳnh Thanh Vương, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, thì vụ hoa Tết năm ngoái cả làng hoa Bình Lâm thu nhập không dưới 7 tỉ đồng, tuy là nghề phụ nhưng những năm qua bà con đã gắn bó với nghề trồng hoa kiểng, không những trồng hoa cho thu nhập cao mà còn giải quyết việc làm, giảm nghèo khá hiệu quả, nhiều hộ vươn lên giàu có. Tính đến nay, có hơn 60% số hộ trong thôn theo nghề trồng hoa.
Vận chuyển hoa từ nhà vườn ra xa lộ để mang đi tiêu thụ
Vụ hoa Tết Kỷ Hợi 2019, bà con trồng gần gần 100 ngàn chậu hoa cúc Tết. Tổng thu nhập ước đạt 8 tỉ đồng, so năm 2018 tăng 1 tỉ đồng. Nhìn chung trồng hoa không những giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Trong dịp Tết này đời sống bà con làng nghề được nâng lên, đón cái Tết vui tươi, đầm ấm.