Người con tha hương trước gian hàng Việt ở Festival

 Vợ chồng Hiệp – Evelin chụp ảnh cùng bạn Nguyễn Lâm Diễm Trang, sinh viên Đại học Quốc tế TP Hồ Chí Minh, Miss Teen 2010, Nữ hoàng Cà phê
Vợ chồng Hiệp – Evelin chụp ảnh cùng bạn Nguyễn Lâm Diễm Trang, sinh viên Đại học Quốc tế TP Hồ Chí Minh, Miss Teen 2010, Nữ hoàng Cà phê
TP - Ra đi bằng con đường không chính thức, chàng trai lam lũ quê Thanh Hóa đang khát khao có ngày đưa được người vợ trẻ Ecuador về thăm quê hương.

Sáng ngày 10/12, trước gian hàng đoàn kết của Việt Nam tại Festival 18 ở thủ đô Quito, Ecuador đông chật người, tôi để ý đến một cặp thanh niên người nhỏ nhắn mặc áo phông cờ đỏ sao vàng rất rực đã mua đồ rồi nhưng vẫn đứng rất lâu không rời đi. Chàng trai còn có nét Việt Nam, nhưng cô gái thì rõ là không phải. Tôi chen đến xoay vai họ lại hỏi bằng tiếng Anh: “Các bạn từ đâu tới?”. Chàng trai cười: “Em là người Việt mà anh. Sống ở Quito này. Còn đây là Evelin, vợ em”.

Thì ra anh bạn Đinh Sĩ Hiệp, 26 tuổi này quê ở Sầm Sơn, Thanh Hóa, là cháu của ông Đinh Văn Sỹ, chủ nhà hàng ở Quito mà tôi đã kể trong bài “Quito, người mới gặp” đăng trên báo Tiền Phong và hiện đang làm đầu bếp trong nhà hàng mang tên Chifa Saigon của ông Sỹ.

Hiệp rất xanh xao gầy gò, còn Evelin thì thấp nhỏ, nhỏ hơn một cô gái Việt Nam tầm vóc trung bình, mặc dù mặt cô có nét đặc trưng của cả người Tây Ban Nha lẫn người bản địa Nam Mỹ. Và trong cách tiếp xúc, điều thú vị và khác lạ là cô có cái e ấp, bẽn lẽn của một cô gái Việt Nam. “Em đang ốm, nhưng Evelin cứ đòi đi, nói người Việt đến đây thì phải đến gặp và mua đồ”, - Hiệp nói khi tôi hỏi Evelin cô cảm thấy thế nào về người Việt và quê hương Việt Nam của chồng. Evelin chia sẻ: “Người Việt Nam rất ấn tượng, chu đáo. Hàng hóa của Việt Nam rất đẹp”. Cô giơ ba chiếc nón lá và hai con chuồn chuồn tre sơn đỏ và vàng vừa mua. Hiệp nói: “Vợ em thích đồ Việt Nam lắm. Cái áo phông cờ đỏ sao vàng này cũng là do nó đòi mua, em nhờ bà chị ở nhà mua gửi mãi mới sang đến đây được”.

Người con tha hương trước gian hàng Việt ở Festival ảnh 1

Evelin hướng dẫn hai cảnh sát cách đặt con chuồn tre đậu lên ngón tay.

Tôi định tìm trong máy ảnh những bức hình tôi chụp Sầm Sơn mùa hè vừa rồi để giới thiệu với Evelin quê chồng của cô, nhưng Hiệp nói: “Nó xem nhiều rồi anh. Đang đòi được đưa về Việt Nam nhưng em chưa biết làm thế nào đây”.

Thấy vẻ dò hỏi của tôi, Hiệp bộc bạch: “Em không có giấy tờ, sang đây bằng con đường du lịch, thăm chú Sỹ rồi ở lại. Giờ có rời được khỏi Ecuador thì cũng không nhập cảnh trở lại được. Người ta không cho vào nữa. Lát anh có thời gian em hỏi ý kiến anh vài việc nhé”.

Cũng vì không có giấy tờ mà Hiệp và Evelin không thể đăng ký kết hôn. Họ vừa về sống với nhau như vợ chồng được một tuần, sau vài nghi lễ đơn giản theo lối Việt Nam (thắp hương cẩn báo, xin phép tổ tiên). Cũng vì Hiệp không có giấy tờ mà mẹ của Evelin kiên quyết không đồng ý. “Nhưng bọn em cứ quyết về ở với nhau, thuê một căn nhà cấp bốn, nhưng cũng rộng, đang sắm đồ. Bố mẹ Evelin rồi cũng phải chịu, hôm nay đang hẹn về ăn cơm đây. Anh có thời gian không mời đi với bọn em”.

Người con tha hương trước gian hàng Việt ở Festival ảnh 2

Evelin

Evelin năm nay 19 tuổi, gia đình có 4 anh chị em, cô là thứ ba. Mọi người trong nhà cũng đi làm thuê, bản thân Evelin phụ giúp bán quần áo cho người ta. Còn Hiệp thì sang Quito được 4 năm (tôi thực sự kinh ngạc là một thanh niên không biết ngoại ngữ, lần đầu đi nước ngoài lại có thể vượt qua một hành trình phức tạp với mấy sân bay quốc tế lớn để đến được nơi cách quê hương đúng nửa vong trái đất!). Tiếng Tây Ban Nha tự học trong cuộc sống giao tiếp hàng ngày, giờ dùng cũng được. Nhưng Hiệp thú thật không dịch được chữ “dân tộc” khi tôi nhờ hỏi Evelin là người dân tộc nào trong số khoảng 20 dân tộc của Ecuador. “Nhưng nó giống như người Kinh bên mình, không phải người thiểu số ở đây” - Hiệp nói. Có thể Evelin thuộc về nhóm người lai chiếm 65% dân số của nước này.

Hiệp và Evelin quen và yêu nhau được hai năm nay do một cậu bạn làm cùng nhà hàng giới thiệu. Nhà hàng ông Sỹ có 11 người từ Việt Nam sang làm (hôm đến, tôi thấy còn có cả nhân viên người Ecuador). Hiệp và một người nữa là những người đầu tiên đến với ông Sỹ 4 năm trước. Anh xác nhận là ở Quito này, ngoài gia đình ông Sỹ là người Việt, anh chỉ biết 4 người nữa là người Việt Nam đều làm tu sĩ cả. Anh em thỉnh thoảng vẫn gặp nhau. Nhà hàng ông Sỹ khá đông khách. Ông Sỹ không bán rượu vì khách vào uống rượu thường ngồi quá lâu. Ngoài các món ăn của người Hoa, nhà hàng còn bán cả phở nếu có đặt trước. “Cũng hay có khách ăn phở lắm, có hôm làm đến mấy chục bát. Cũng có cả hồi, quế, thảo quả gửi từ bên nhà sang. Vì thế mà hình như chú đang định mở thêm riêng một nhà hàng bán phở và các món ăn với cơm truyền thống Việt Nam như gà kho gừng…”, Hiệp cho biết. Thu nhập của Hiệp cũng dành được tiền để gửi về nhà. “Nếu không kiếm được tiền giúp gia đình thì em sang đây làm gì anh. Mẹ em mất từ khi em mới 1 tuổi, em có dì kế”. Tôi đoán gia đình Hiệp khó khăn và anh không được học hành chu đáo. Anh viết địa chỉ face book của mình vào sổ tay của tôi để nhờ gửi ảnh một cách khó khăn.

Evelin và Hiệp ơi, cầu cho các em có ngày về được với quê hương Việt Nam. Tổ quốc chắc chẳng bao giờ quay lưng với những đứa con lam lũ, giản đơn và chân thành của Người!

Tôi hỏi chuyện Hiệp định tham khảo ý kiến tôi. “Anh biết đấy, em muốn vợ em có đăng ký kết hôn hẳn hoi, muốn đưa nó về thăm quê. Nhưng em chả có giấy tờ gì cả. Có cái chứng minh thư thì sang đây rồi cũng đánh mất. Những người như chúng em rời nước đi bằng cách ấy cũng là bắt buộc do cuộc sống, muốn giúp bố mẹ thôi. Anh có cách nào hỏi giúp em xem phải làm thế nào để có được giấy tờ. Bố em đi hỏi ở nhà, người ta bảo là khó lắm?!” - Hiệp nói. Anh rầu rĩ kể cách đây mấy tháng có mấy anh là đại biểu quốc hội bên mình sang đây đến nhà hàng ông Sỹ ăn, nghe chuyện nói việc đơn giản, để về họ sẽ giúp. Nhưng mấy tháng rồi mà chưa có tin tức gì.

Tôi thực sự không biết nói gì với Hiệp. Tôi không biết các quy định liên quan đến trường hợp thế này nhưng lường trước những cửa ải thủ tục phức tạp mà đôi trẻ sẽ phải vượt qua. Chỉ còn biết động viên anh và hứa sẽ hỏi giúp các quy định ở nhà.

Lúc ấy, gian hàng Việt vang tiếng đàn bầu giai điệu bài hát Cuba Oan-ta-na me-ra nổi tiếng và rất đông khách đến xem các đồ thủ công, ướm thử chiếc áo thanh niên Việt Nam màu xanh dương. Có hai cảnh sát cũng bị hút vào mon men lại xem. Tôi để ý xem thái độ của một người không giấy tờ khi cảnh sát đến gần như thế nào. Bất ngờ Hiệp cầm chuồn chuồn tre trên tay vợ tặng mỗi cảnh sát một con. Tôi lặng nhìn Evelin - cô gái Ecuador trẻ tuổi, con dâu của Việt Nam mặc chiếc áo cờ Tổ quốc đỏ thắm, ngực đeo huy hiệu Đoàn, tươi cười hướng dẫn hai cảnh sát đang phấn khởi được nhận quà, cách đặt con chuồn chuồn đồ chơi Việt đậu trên ngón tay. Đó là hình ảnh giản dị, nhưng thú vị và không phải là không có ý nghĩa sâu xa.

Thôi thì Evelin và Hiệp ơi, cầu cho các em có ngày về được với quê hương. Tổ quốc chắc chẳng bao giờ quay lưng với những đứa con lam lũ, giản đơn và chân thành của Người!

Quito, 12/2013

MỚI - NÓNG