Xưởng vẽ xe lăn
Tôi đến trung tâm Chắp cánh vào một ngày đầu năm 2016, đây chính là một trong ba điểm sinh hoạt và làm việc của những người thiếu may mắn do Tim Aline Rebeaud thành lập tại Việt Nam. Chị Lan, nhân viên đối ngoại của trung tâm đưa tôi đi thăm nơi làm việc của những người bất hạnh. Tôi vốn đã đi khá nhiều những cơ sở bảo trợ xã hội, dành cho người khuyết tật, nhưng quả là chưa bao giờ lại lạc vào một “thế giới” đầy nghệ thuật như ở cái trung tâm này.
Đầu tiên là xưởng thêu tay với những mặt hàng lưu niệm được làm bằng vải nhiều màu sắc, xinh xắn đáng yêu. Nhìn những đồ vật sinh động ấy, khó mà tin được chúng được làm ra từ những người không lành lặn. Tiếp nữa, tôi ghé vào một xưởng thủ công mỹ nghệ. Các nhân viên đang miệt mài làm các sản phẩm tre trúc, cũng rất tinh xảo và đòi hỏi nhiều hoa tay. Mọi người bảo: “Sắp Tết, nhiều đơn đặt hàng, phải làm cho kịp”.
Trên tầng có một phòng lắp kín vi tính, ban đầu tôi nghĩ là nơi học vi tính hay chơi game nhưng hóa ra là phòng thiết kế chế bản. Những người khuyết tật ở đây được đào tạo chuyên sâu về thiết kế và chính họ đã thiết kế những sản phẩm mỹ thuật của trung tâm để sản xuất, in ấn, thậm chí thiết kế trang web theo đơn đặt hàng.
Thú vị hơn cả có lẽ là hai xưởng vẽ, bởi chúng đập vào mắt tôi những bức tranh nhiều màu sắc, khổ lớn. Các họa sĩ ở đây vẽ nhiều bức họ sáng tác, vẽ theo các tấm ảnh mà khách yêu cầu. Chị Lan nói với tôi: “Khách tới xem tranh, đều thích mua, vì các bạn ấy vẽ có hồn, lại hết sức cẩn thận, cầu kỳ, ở ngoài khó mua được”. Các họa sĩ của phòng tranh nói: “Tranh chúng tôi bán đi nhiều nước”.
Từ bỏ giấc mơ nghệ thuật của riêng mình
Aline Rebeaud được mọi người gọi là cô Tim, mẹ Tim (nghĩa là trái tim) và lâu dần đã thành cái tên vừa Việt vừa Tây: Tim Aline Rebeaud. Dáng vẻ cao ráo, gọn gàng và đặc biệt là tiếng Việt như người Việt. Tim khiến tôi cảm thấy tò mò với công việc của cô. Người ta thường nhập quốc tịch Việt Nam để làm việc gì đó phát triển kinh tế hay sự nghiệp của mình, còn Tim đã trở thành công dân Việt Nam để làm từ thiện. “Tôi đã sống ở Việt Nam hơn 20 năm, nếu nói có gì chưa hợp với đất nước này, e rằng không có. Vì thấy hợp, tôi mới ở Việt Nam”.
Một sự so sánh nào đó giữa người Việt Nam và người Thụy Sĩ, quê hương cô: “Bên đó cửa nhà thường đóng kín, còn đây cửa luôn mở. Mọi người gặp nhau với tinh thần trước lạ sau quen, con người tiếp xúc với nhau tự nhiên hơn”.
“Tôi là người sáng lập trung tâm Chắp cánh này, bắt đầu làm việc lo cho mấy đứa nhỏ từ năm 1993, kiêm cả việc điều hành. Năm ấy, Tim đi đường bộ từ Nga, Mông Cổ, Trung Quốc, đến Việt Nam. Có cái duyên ở lại đây. Lúc đó, mình gặp mấy đứa nhỏ ngoài đường, ngày đó, nhiều trẻ lang thang lắm! Khi về nước, rất thương chúng nên Tim đã quyết định quay lại Việt Nam xây dựng cơ sở bảo trợ xã hội”. Bố mẹ cô chờ đợi cô rất lâu hy vọng cô đổi ý, nhưng cô con gái rượu không trở về. Họ sang Việt Nam tìm con và thấy cô đang sống giữa những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ, người khuyết tật, trong một cơ sở rất khiêm tốn, song đầy ắp nụ cười và sự lạc quan. Bố cô nói: “Ban đầu nghe nói con tôi ở Việt Nam, tôi nghĩ nó bị khùng. Giờ sang Việt Nam, nhìn công việc con làm, tôi nghĩ nó thông minh”.
Mẹ là ca sĩ, cha là nhạc công chơi saxo trong dàn nhạc jazz. Ông cụ mới mất cách đây một tháng. Ông qua Việt Nam bốn lần để hỗ trợ cho Tim. Mẹ cô cũng tham gia công tác xã hội, nên hiểu về con gái mình. Họ chính là nguồn động viên cho cô con gái đang hằng ngày phải tảo tần kiếm tiền nuôi trung tâm. Họ rất ít nhắc về ước mơ thuở nhỏ của con gái. Tim kể: “Tôi được bố mẹ cho học ở nhạc viện từ nhỏ, chơi được nhiều nhạc cụ và hát trong các đội hát thiếu nhi. Năm 16 tuổi tôi làm triển lãm cá nhân, đến năm 19 tuổi lại làm thêm triển lãm cá nhân nữa. Nhưng như anh thấy đấy, tôi không còn nhiều thời gian để vẽ tranh vì nếu chỉ vẽ tranh bán thì không đủ nuôi trung tâm này đâu”.
Người mẹ Thụy Sĩ
Tim đã sáng lập và hiện điều hành Nhà May mắn (1998), Trung tâm Chắp cánh (2006), Làng May mắn (2011) tại TPHCM thường xuyên giúp khoảng 500 người không may mắn sinh hoạt, học tập, trong đó có 250 người ở nội trú tại Nhà May mắn và Làng May mắn. Cô cũng đang kêu gọi thành lập một trung tâm bảo trợ xã hội tại tỉnh Đắk Nông.
Trung tâm Chắp cánh của Tim có những nét khác biệt và giàu tính sáng tạo hơn các nơi khác. Cô nói: “Nhà nước và các nơi hay tập trung đối tượng theo từng nhóm. Ví dụ, trung tâm dành cho người khuyết tật, hay trung tâm dành cho trẻ mồ côi, trung tâm dành cho người già cô đơn, còn ở đây tiêu chí của chúng tôi là người không may mắn nói chung. Do đó ở đây có cả những trẻ em mồ côi, có người già không nơi nương tựa, có người tàn tật... Chính nhờ vậy, tôi tạo ra được một mái nhà chung, đủ mọi lứa tuổi, già trẻ giúp đỡ lẫn nhau. Người lành lặn giúp người khuyết tật”.
Lý giải cái tên “Trung tâm Chắp cánh”, Tim nói: “Khi con người hoàn toàn lệ thuộc vào người khác cũng buồn. Một số nước an sinh tốt, người khuyết tật không làm việc thì họ buồn, vì ở không, không có việc gì làm. Chúng tôi đào tạo miễn phí cho các em không may mắn có nghề nghiệp, ra đời làm việc. Nếu họ làm việc tại đây, cũng nhận thù lao như khi đi làm ở các công ty. Chúng tôi không chỉ nuôi dưỡng, mà chắp cánh cho họ khẳng định bản thân. Chắp cánh mang ý nghĩa đó”. Rất nhiều học viên được học tập ở các trường dạy nghề, thậm chí tu nghiệp ở nước ngoài. Nhiều người trong số họ quay về làm việc cho trung tâm. “Hiện chúng tôi có hơn 100 nhân viên, chủ yếu là các con của tôi lớn lên, trưởng thành”.
Hiền, một người mẹ trẻ với hai đứa con, nói với tôi: “Tôi mồ côi, gia đình khó khăn, khi đi chữa bệnh thì ở luôn trong bệnh viện sống nhờ từ thiện, không biết đi đâu về đâu. Nhờ má Tim, tôi có nơi nương tựa, học nghề, lập gia đình, sinh con. Tất cả chúng tôi đều gọi cô ấy là má, là mẹ, mặc dù cô Tim chưa từng lập gia đình và không có con”.
Lên chức bà
Tôi nói với Tim rằng cô yêu đất nước Việt Nam, sao chưa yêu người Việt Nam và sống độc thân đến giờ? Tim nói: “Công việc của Tim chính là chồng của Tim”. Cô vui vẻ bảo: “Tôi đã là bà nội, bà ngoại của 80 đứa cháu đấy”.
Tim (giữa) trong đám cưới của thành viên trong Nhà May mắn.
Làng May mắn do Tim lập ra có 30 căn hộ dành cho các cặp gia đình những người không may mắn. Họ là những đứa trẻ năm nào lớn lên, trưởng thành, đi làm, lập gia đình, nhưng chưa thể mua được nhà riêng. Chúng đã được chắp cánh, nhưng lại chưa có tổ. Các nhà trọ đều không dành cho người khuyết tật nên sinh hoạt bất tiện, phải nhờ người bình thường hỗ trợ. Tim xây Làng May mắn với những căn hộ nhỏ xinh, cho phép các cặp vợ chồng khuyết tật sử dụng xe lăn trong mọi sinh hoạt của họ. Anh Bình, một người thợ thêu và gia đình anh sống trong làng. Con anh cũng đã lớn. Thu nhập mỗi tháng của anh chừng 6-7 triệu, tiền trả cho làng không đáng kể, chủ yếu chi phí cho việc dọn vệ sinh, bảo vệ.
Ngoài 80 đứa trẻ do chính các con trong làng lớn lên sinh ra, má Tim còn giúp nhiều đối tượng mồ côi, khó khăn. Chúng được học trong ngôi trường của làng mà không phải đóng tiền. Những gia đình khó khăn, quá đông con, ở nhà trọ, được đưa vào đây để học tập. “Trường học của làng hiện có 250 học sinh” - Hiền nói với tôi.
Năm 1995, Tim vận động tiền tài trợ, mua hai căn nhà nát, một mảnh đất hoang để mở trung tâm đầu tiên ở ngoại thành. Tim cùng sinh sống với những đứa nhỏ bất hạnh ấy trong Nhà May mắn với một gian phòng lúc nào cũng ầm ĩ tiếng trẻ con hỏi thăm và cũng là nơi cô làm việc. Nhà May mắn đang có 50 người khuyết tật và trẻ mồ côi sống cùng Tim.
Điều ngạc nhiên là trong lúc mọi người đều noi tấm gương tự lập và đức hy sinh của mẹ Tim, thì cô lại nói rằng chính cô đang học từ mọi người rất nhiều thứ. Tim nói: “Nghĩ cho cùng, ai ai cũng có chút khuyết tật nào đó. Người mà ta gọi là khuyết tật, đúng là họ có khiếm khuyết về cơ thể, nhưng bù lại va chạm với cuộc đời khiến họ mạnh mẽ, can đảm. Sự khác biệt cũng là sự phong phú và nhiều lúc họ giúp Tim vững vàng hơn trong cuộc sống. Tim nghĩ rằng, dù như thế nào thì cuộc sống cũng rất đáng quý và con người đừng bao giờ hủy hoại nó”.
Tim nói cô rất nhớ nghề vẽ. Có lẽ, để nhớ về giấc mơ hội họa của mình, mới đây Tim đã vẽ rất nhiều đám mây trong căn phòng nhỏ của mình. Mỗi khi làm việc, đôi khi nghỉ ngơi, Tim luôn cảm thấy mình như đang bay cùng các đám mây vượt mọi biên giới. Một giấc mơ êm dịu giữa ban ngày.
Tim tâm sự “Bạn bè giúp đỡ nhiều, Tim lập chi nhánh Nhà May mắn ở Úc, Thụy Sĩ, Mỹ, Canada, Pháp để tìm kiếm sự hỗ trợ. Nhưng nuôi ba nhà này, mỗi tháng tốn 60.000 USD mà mình không có hội to nào sau lưng cả”. Làng tự sản xuất nhiều mặt hàng, như làm bánh, vẽ, thêu thùa, đan lát. Khách hàng đến từ nhiều nước trên thế giới, song Tim nói: “Tiền thu được chỉ đủ trang trải một tháng thôi, còn lại thì vẫn phải xoay xở. Tuy vậy, thu nhập của anh chị em nhiều cũng được 6 triệu, ít thì 3 triệu mỗi tháng”.