Hãng tin CNN dẫn lời một quan chức chính quyền Mỹ cho biết Tổng thống Donald Trump đã được đưa xuống bongke ngầm khi người biểu tình bao vây Nhà Trắng (thủ đô Washington) hôm thứ Sáu, 29/5.
Cuộc biểu tình bùng phát lúc 22h. Người biểu tình liên tục xô đẩy, ném chai lọ về phía hàng rào cảnh sát và nhân viên mật vụ.
Đến 3h30’ sáng thứ Bảy, đám đông người biểu tình dần giải tán.
Lực lượng an ninh bảo vệ Nhà Trắng. Ảnh: AP
Trong thời gian đó, ông Trump ở dưới boongke khoảng 1 tiếng. Đệ nhất Phu nhân Melania Trump và con trai Barron Trump được cho là cũng trú ẩn trong boongke cùng Tổng thống Trump.
Một nguồn tin từ cơ quan thực thi pháp luật sau đó xác nhận nếu tình hình an ninh Nhà Trắng chuyển sang mức báo động Đỏ, thì Tổng thống, phu nhân cùng các thành viên trong gia đình sẽ được chuyển tới EOC (Trung tâm Khẩn cấp, bên dưới Cánh Tây).
Sáng hôm sau, 30/5, vài tiếng sau khi đám đông người biểu tình giải tán, ông Trump lên tiếng ca ngợi Sở Mật vụ vì đã mang đến cho ông cảm giác an toàn khi ở trong Nhà Trắng.
Ít nhất 6 người đã bị bắt giữ, Sở Mật vụ xác nhận trong một tuyên bố chiều thứ bảy.
Ở một diễn biến liên quan, CNN trích dẫn một lá thư cho thấy Nhà Trắng đã yêu cầu các nhân viên tăng cường làm việc từ xa.
Nếu cần phải đến Nhà Trắng, “hãy giấu thẻ ra vào cho đến khi tới được điểm canh gác của Sở Mật vụ”, và “tiếp tục giấu thẻ khi rời đi.”
Không chỉ thủ đô Washington, mà nhiều thành phố khác trên khắp nước Mỹ cũng đã trải qua những đêm “không ngủ” vì bạo loạn.
Hàng chục thành phố đã phải ban bố lệnh giới nghiêm để lập lại trật tự.
Lực lượng Vệ binh Quốc gia được huy động ở nhiều bang để đối phó với dòng người biểu tình hung hăng.
Tại một số nước châu Âu như Anh, Đức, Đan Mạch…, làn sóng biểu tình phản đối vụ George Floyd cũng bắt đầu lan rộng.
Sự tức giận của cộng đồng người da màu ở Minneapolis (bang Minnesota) đã lan rộng ra khắp nước Mỹ sau khi một người đàn ông da màu có tên George Floyd tử vong vì bị cảnh sát đè chân lên cổ khống chế suốt hơn 5 phút.
Vụ việc xảy ra hôm thứ Hai, 25/5, khi George Floyd (46 tuổi) bị cáo buộc phạm tội giả mạo. Video từ hiện trường cho thấy Floyd đã bị đè nghiến xuống đường và bị cảnh sát Chauvin quỳ lên cổ. Trong lúc đó, Floyd liên tục rên rỉ: “Tôi không thở được”. Dù được xe cứu thương chuyển tới bệnh viện cấp cứu nhưng Floyd vẫn không qua khỏi và tử vong sau đó.
Ngay sau sự cố, 4 sĩ quanh cảnh sát Minneapolis đã bị sa thải. Một sĩ quan đã bị bắt và cáo buộc tội giết người. Giới chức Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho biết sẽ điều tra vụ việc trên.