Người bệnh ung thư có nên theo chế độ ăn keto không?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chế độ ăn keto là gì? Liệu rằng bệnh nhân ung thư có nên theo chế độ ăn keto hay không trong quá trình điều trị bệnh?

Bác sĩ ơi, trào lưu flex khắp nơi, người flex về thành tích trong học tập, người flex về thành tựu trong sự nghiệp, người flex về những chiến tích vẻ vang còn em chỉ muốn flex với bác sĩ là em theo chế độ ăn kiêng keto mấy tháng nay và đã giảm được ký như em mong đợi. Nghe hàng xóm nói chế độ ăn keto cũng có thể áp dụng cho người bệnh ung thư, nên em muốn cho ba em ăn giống em luôn được không bác?

Đây là câu hỏi mà gần đây bác sĩ Lạc Tâm, tổ Dinh dưỡng Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức đã được người nhà bệnh nhân ung thư hỏi trong một buổi khám dinh dưỡng.

Người bệnh ung thư có nên theo chế độ ăn keto không? ảnh 1

Thực ra chế độ ăn keto không phải là khái niệm quá mới mẻ vì nó đã được áp dụng đối với những bệnh nhân động kinh. Chế độ ăn keto bao gồm nhiều chất béo (tức lipid), ít chất đạm (tức protein) và rất ít tinh bột (tức carbohydrate) nên buộc cơ thể đốt cháy chất béo thay vì glucose để tổng hợp ATP. Tỷ lệ chất béo trên tinh bột và chất đạm là 3:1 hoặc 4:1, đưa đến một chế độ ăn có đến 90% là chất béo, 8% là chất đạm và tinh bột chỉ chiếm 2%.

Điều cần nói là, một chế độ ăn cân đối có lượng tinh bột nên chiếm từ một nửa hoặc nhiều hơn tổng năng lượng hằng ngày, chất béo không quá 30%, phần còn lại là đạm. Thế nhưng chế độ ăn keto đã lật ngược lại với 90% đến từ chất béo, có rất ít hoặc hầu như không có tinh bột. Khi ăn không đủ tinh bột, cơ thể sẽ chuyển sang đốt cháy chất béo để làm nhiên liệu, quá trình này được gọi là ketosis và chất béo được phân hủy thành các phân tử với tên gọi là ketones.

Chế độ ăn keto đã được nghiên cứu rộng rãi ở bệnh nhân động kinh nhưng bằng chứng khoa học về hiệu quả của chế độ ăn keto với bệnh ung thư vẫn còn khiêm tốn. Đồng thời, những bệnh nhân động kinh khi được theo dõi sau quá trình theo chế độ ăn keto cũng ghi nhận một số tác dụng không mong đợi. Báo cáo của tác giả Amnon Mosek và cộng sự khi theo dõi một nhóm 9 bệnh nhân động kinh kháng trị theo chế độ ăn keto, sau 4-7 tuần điều trị, ghi nhận cholesterol máu tăng 26% và sau 11- 12 tuần tăng lên 33%. Tương tự, LDL-cholesterol máu tăng lần lượt là 32% và 54% trong khi HDL-cholesteol máu không ghi nhận sự thay đổi. Điều này dẫn đến việc cần cân nhắc khi áp dụng chế độ ăn keto lâu dài ở người lớn. Bên cạnh đó, một số báo cáo ghi nhận tình trạng thiếu hụt selen, đồng, kẽm ở những bệnh nhân động kinh sau 6 tháng theo chế độ ăn này.

Người bệnh ung thư có nên theo chế độ ăn keto không? ảnh 2

Theo tác giả Camila L. P. Oliveira và cộng sự, chế độ ăn keto có thể dẫn đến tình trạng keotsis, làm thay đổi pH máu, tăng cao nồng độ ketone, giảm nồng độ glucose và insulin. Sự phân phối chất dinh dưỡng đa lượng như thế có thể dẫn đến một số tác dụng phụ ngắn hạn như đau đầu, chuột rút, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, táo bón, hạ đường huyết; hoặc tác dụng phụ dài hạn như rối loạn mỡ máu, sỏi thận, tổn thương thận. Khi theo chế độ ăn keto, các tác dụng phụ cấp tính có thể gặp trong giai đoạn chuyển tiếp, kéo dài từ 1 đến 3 tuần, khi mà cơ thể thích nghi với chế độ ăn nhiều chất béo và ít tinh bột. Ngoài ra, cần cân nhắc rằng chế độ ăn keto thường nghèo nàn lượng rau củ, trái cây, ngũ cốc, thực phẩm giàu canxi, vi chất và chất xơ.

Hiệp hội Dinh dưỡng lâm sàng và chuyển hoá châu Âu (ESPEN) khuyến cáo không nên áp dụng các chế độ ăn kiêng không dựa trên bằng chứng lâm sàng, chưa có hiệu quả được chứng minh và có thể lợi bất cập hại. Các chế độ ăn kiêng có thể đưa đến không những thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, làm trầm trọng thêm tình trạng suy dinh dưỡng mà còn làm tăng chi phí bữa ăn. Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có chế độ ăn kiêng nào được biết đến như là có khả năng chữa khỏi ung thư hoặc ngừa ung thư tái phát. Thực tế cho thấy, tùy thuộc vào vùng miền và nền văn hóa, có những quan niệm về chữa khỏi ung thư nhờ một chế độ ăn kiêng nào đó nhưng lại không dựa trên cơ sở khoa học và bằng chứng nghiên cứu vững chắc. Thậm chí có những trào lưu ăn kiêng vẫn diễn ra hoặc những thông tin về chế độ ăn kiêng chưa được kiểm duyệt nhưng đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông.

Từ đó cho thấy, ta nên nói không với các chế độ ăn hạn chế năng lượng đưa vào ở những bệnh nhân bị hoặc có nguy cơ suy dinh dưỡng. Bởi vì các chế độ ăn kiêng thường rất hạn chế về số loại và số lượng thực phẩm nên thường hạn chế lượng năng lượng nạp vào cơ thể, làm tăng nguy cơ không cung cấp đủ năng lượng, chất béo và chất đạm cũng như nguy cơ thiếu hụt vi chất dinh dưỡng. Lượng đạm thấp có thể bất lợi cho bệnh nhân suy dinh dưỡng. Chế độ ăn keto không khiến bạn khoái khẩu, có thể dẫn đến việc nạp không đủ năng lượng và giảm cân, mặc dù có một số thử nghiệm trên chuột với việc cung cấp ít tinh bột làm chậm sự phát triển của khối u được cấy ghép. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, chưa có thử nghiệm lâm sàng nào chứng minh lợi ích của chế độ ăn keto đối với bệnh nhân ung thư.

Người bệnh ung thư có nên theo chế độ ăn keto không? ảnh 3

Ở một góc nhìn khác, theo tác giả Neil M. Iyengar ở Trung tâm ung bướu Memorial Sloan Kettering, chế độ ăn keto rất ít tinh bột nên năng lượng nạp vào khá thấp mỗi ngày, có thể giúp giảm được cân nặng, mà như ta đã biết tình trạng viêm mạn và các vấn đề về chuyển hóa liên quan đến béo phì có liên quan đến bệnh lý ung thư, nên có thể giảm được khả năng hình thành và tái phát ung thư. Tuy nhiên, tác giả cũng nhấn mạnh rằng để giảm được cân nặng thì còn nhiều chế độ ăn khác. Đó là chưa kể một chế độ ăn quá nghiêm ngặt như keto khó có thể theo một thời gian dài.

Như vậy, khi nói đến chế độ ăn, ta thay đổi hành vi ăn uống một cách hiệu quả sẽ tốt hơn chăm chăm vào một chế độ ăn cụ thể. Nếu bạn có thể ăn uống cân bằng, không quá nghiêm ngặt thì sẽ đem lại lợi ích về mặt sức khỏe trong thời gian dài. Khi có một lối sống lành mạnh, chế độ ăn cân đối, đa dạng, thì dù bạn đang trong tuổi xuân phơi phới hay đang trong cuộc chiến với căn bệnh ung thư thì bác sĩ tin rằng bạn và gia đình cũng có thể flex những hiệu quả về mặt sức khỏe một cách khoa học và bình an.

Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có thử nghiệm lâm sàng nào chứng minh lợi ích của chế độ ăn keto đối với bệnh nhân ung thư.

MỚI - NÓNG