Chuyện 'yêu' của bệnh nhân ung thư

0:00 / 0:00
0:00
TP - Người ta sẽ trở nên bất lực và mất động lực tình dục khi mắc bệnh ung thư? Có hỗ trợ y khoa nào cho người bệnh để họ có cuộc sống bình thường? Mời bạn cùng tìm hiểu vấn đề này qua cuộc phỏng vấn của phóng viên Tiền Phong với BS. Tiến sĩ Phạm Nguyên Quý, một chuyên gia trong lĩnh vực.

Ung thư là tên chung của một nhóm gồm gần 200 loại bệnh khác nhau được phân theo vị trí bị ung thư (như ung thư phổi, gan, dạ dày, vú) và loại tế bào cụ thể. Vì vậy, không phải bất cứ bệnh nhân ung thư nào cũng sẽ bị bất lực hoặc mất động lực tình dục mà còn tùy vào từng nhóm bệnh và phương pháp chữa bệnh cụ thể. Đó là khẳng định của bác sĩ Phạm Nguyên Quý.

Trong 50 năm qua, song song với sự cải thiện thời gian sống của bệnh nhân ung thư nhờ nhiều tiến bộ khoa học, việc cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh ngày càng được quan tâm mà khả năng tình dục là một từ khóa quan trọng. Số lượng nghiên cứu liên quan tới từ khóa “ung thư” và “bất lực tình dục” đã tăng rõ rệt từ 1970 đến nay. Bệnh ung thư ảnh hưởng nhiều đến các cơ quan trong vùng chậu như buồng trứng, tử cung, tuyến tiền liệt, bàng quang hoặc đại trực tràng,…được nghiên cứu nhiều nhất.

Theo một báo cáo tổng quan năm 2021 tích hợp 64 nghiên cứu khác (tổng cộng 10.057 bệnh nhân nam), rối loạn xuất tinh sau can thiệp phẫu thuật dao động từ 14.5% (2.2-56.3%) trong ung thư trực tràng tới 53.0% (23.3-80.7%) trong ung thư bàng quang. Rối loạn cương dương sau phẫu thuật cũng dao động từ 6,8% (0.8-39.1%) trong ung thư bàng quang đến 68,7% (55.2-79.6%) trong ung thư trực tràng.

Chuyện 'yêu' của bệnh nhân ung thư ảnh 1

Bác sĩ Phạm Nguyên Quý và một bệnh nhân của anh

Bác sĩ cho biết, những khó khăn mà bệnh nhân ung thư hay gặp trong đời sống tình dục của mình là gì?

Tác dụng phụ của điều trị ung thư là nguyên nhân lớn nhất làm giảm hoạt động tình dục, đặc biệt là ở phụ nữ. Theo thống kê tại nước ngoài, khoảng 50% người bệnh ung thư vú và ung thư trong vùng chậu (như buồng trứng, tử cung, cổ tử cung, âm đạo, bàng quang hoặc trực tràng) gặp các vấn đề tình dục lâu dài.

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân làm giảm ham muốn rất nhiều khi chủ yếu là do sự thay đổi về cảm xúc của bệnh nhân trong quá trình điều trị ung thư. Một ngày nào đó, bỗng nhận hung tin, bạn không thể tránh khỏi cảm xúc buồn bã, chán nản. Từ đó dẫn đến sự căng thẳng, kẻ thù số một của tình dục. Điều đáng tiếc là chỉ có khoảng 10% bệnh nhân nghĩ đến việc trao đổi với bác sĩ khi gặp trục trặc trong lĩnh vực thầm kín này.

Là một trong những người tạo ra dự án Y học cùng cộng đồng, BS.Tiến sĩ Phạm Nguyên Quý được nhiều người xem là “superman” khi vừa làm việc tại bệnh viện TW Kyoto Miniren (Nhật Bản), vừa là điều phối viên giúp tăng cường giao lưu về y tế giữa BV này và một số BVở Việt Nam. Anh còn dành thời gian thực hiện và báo cáo các đề tài lâm sàng và đã nhận được Giải thưởng nghiên cứu xuất sắc của Hiệp hội Nội khoa Nhật Bản năm 2015.

Có nên chia sẻ với bạn tình/ bạn đời khi vừa có thông tin phát hiện căn bệnh ung thư?

Tôi nghĩ rằng nên chia sẻ với bạn tình, với bạn đời ngay từ khi mới nhận tin xấu mắc bệnh ung thư. Bệnh nhân thường cần sự hỗ trợ, thấu hiểu trong suốt quá trình chữa bệnh sắp tới mà bạn tình hay bạn đời là thành viên quan trọng của nhóm hỗ trợ người bệnh. Đương nhiên, chia sẻ như thế nào, vào thời điểm- không gian nào cũng rất quan trọng và còn tùy vào quan hệ thật sự giữa cặp đôi. Nếu khó nói ra sự thực này, người bệnh nên rủ người ấy đi cùng và nhờ bác sĩ giải thích giúp.

Hiện nay có những hỗ trợ gì về mặt y khoa cho bệnh nhân? Các bác sĩ chuyên khoa ung thư đang có khó khăn gì trong việc hỗ trợ người bệnh?

Thực tế, chủ đề này thường bị các bác sĩ chuyên khoa ung thư bỏ qua, một phần vì họ không để tâm tới hoặc không chuẩn bị để giải quyết những tác dụng phụ này cho người bệnh. Bác sĩ ung thư cũng hay thấy “khó chịu” vì thường không rõ về mức độ ảnh hưởng của những triệu chứng này đối với sức khỏe bệnh nhân.

Tuy nhiên, sự hiểu biết về y học có thể khiến bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Những phụ nữ bị đau hoặc khô âm đạo có thể thử sử dụng chất bôi trơn dạng lỏng. Đôi khi, cần phải dùng nhiều chất bôi trơn để nhận thấy sự khác biệt.

Một số bác sĩ có thể kê đơn thuốc giúp cải thiện, như sildenafil (Viagra) giúp máu lưu thông đến dương vật nhiều hơn, giúp duy trì sự cương cứng lâu hơn hoặc viên estrogen liều thấp giúp phụ nữ đỡ khô âm đạo. Phụ nữ bị đau khi quan hệ có thể thử dùng dụng cụ làm giãn âm đạo vài lần mỗi tuần để nhẹ nhàng kéo giãn âm đạo, qua đó làm dịu cơn đau thắt.

Máy hút chân không dương vật (VED) là một trong số các phương pháp không xâm lấn, không dùng thuốc để khắc phục chứng rối loạn cương dương. Vì các dụng cụ bổ trợ này thường không giúp ích nếu bệnh nhân gặp vấn đề về tâm trạng, hãy nói chuyện thêm với bác sĩ chuyên khoa.

Có quan niệm rằng sex có thể sẽ gây tái phát ung thư. Bác sĩ nói sao về điều này?

Trong hơn 50 năm qua, không có số liệu nào cho thấy quan hệ tình dục sẽ gây tái phát hoặc tăng nguy cơ tái phát ở bệnh nhân ung thư. Ngược lại, một số khảo sát sơ bộ (mức độ bằng chứng yếu) còn cho thấy quan hệ tình dục lành mạnh liên quan tới việc giảm nguy cơ tái phát ung thư. Có quan hệ tình dục lành mạnh trong một “bình thường mới” là rất quan trọng để người bệnh và bạn đời duy trì chất lượng cuộc sống tốt.

Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

MỚI - NÓNG