Ngược đời xây chợ bỏ hoang

Chợ Sung Đinh bỏ hoang ở phường 4 (TP Sóc Trăng)
Chợ Sung Đinh bỏ hoang ở phường 4 (TP Sóc Trăng)
TP - Hiện nay, ở ĐBSCL có hàng trăm ngôi chợ xây rồi bỏ hoang hoặc chỉ lèo tèo người bán hàng vặt. Mỗi ngôi chợ tính cả trị giá đất phải từ nhiều tỷ đến nhiều chục tỷ đồng nên đang gây lãng phí rất lớn. Đáng quan tâm hơn, tình trạng ấy kéo dài đã nhiều năm qua.

Chợ ở nông thôn vắng hoe, xuống cấp

Ở tỉnh Sóc Trăng, tại huyện Mỹ Tú, chợ xã Mỹ Thuận xây năm 1998 tốn 495 triệu đồng, đến nay chợ vẫn hoàn toàn bỏ trống, trở thành chỗ ở cho một hộ dân. Còn chợ xã Thuận Hưng xây xong năm 2004 tốn 350 triệu đồng (do Canada tài trợ) nay lèo tèo mấy hộ vừa ở vừa buôn bán.

Tại huyện Mỹ Xuyên, chợ xã Viên Bình xây năm 2003 tốn trên 300 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 135, nay nơi đây cũng chỉ có vài hộ buôn bán vào sáng sớm.

Tại huyện Vĩnh Châu, chợ ấp Năm Căn ở xã Lai Hòa, xây năm 2003, hết 148 triệu đồng từ nguồn vốn của Dự án rừng ngập mặn, đến nay chưa có ai vào mua bán. Còn tại huyện Châu Thành, chợ Bưng Tróp A ở xã An Hiệp, xây dựng năm 2007 vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng, dù chính quyền đã nhiều lần vận động người dân vào mua bán nhưng không ai vào, chợ thành chỗ phơi lúa, củi hay các nông sản khác theo mùa.

Tại huyện Cù Lao Dung, chợ Lồng Đầm ở xã An Thạnh Đông được xây năm 2006 với trên 1,3 tỷ đồng, đến nay chưa có người vào mua bán. Nhà lồng chợ này rộng cả trăm mét vuông trở thành chỗ chơi cho trẻ con và nơi phơi quần áo của một số người dân xung quanh.

Cùng cảnh ngộ với chợ này còn có hai dãy ki ốt với khoảng 20 gian được xây để bán lại hoặc cho người dân thuê kinh doanh nhưng chỉ có mấy hộ vào ở, số gian còn lại bỏ hoang nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Chợ Rạch Đáy ở xã Đại Ân 1, xây năm 2006 tốn 995 triệu đồng, nay cũng vắng hoe.

Ở tỉnh An Giang, tại huyện An Phú, chợ xã Vĩnh Trường xây tốn 526 triệu đồng, khánh thành năm 2010, cũng từ đó làm nơi phơi lúa của dân vào mùa thu hoạch, ngoài ra bỏ trống. Tại huyện Tịnh Biên, chợ xã Tân Lợi do Cty Việt Mai đầu tư trên 1 tỷ đồng, khánh thành đã hơn năm nay nhưng giờ vẫn trống rỗng.
Thành thị, nhiều chợ xây hàng tỷ đồng cũng hoang vắng

Ông Nguyễn Đức Thắng, GĐ Cty Cổ phần Minh Thắng nói: "Chúng tôi đầu tư hơn 50 tỷ đồng xây dựng 2 chợ tại TP Bạc Liêu nhưng đắp chiếu mấy tháng qua".

Chính quyền tỉnh Bạc Liêu mời Cty lên đời chợ Bạc Liêu cũ kỹ đã hơn 30 năm. Để xây dựng lại chợ cũ, Cty đầu tư xây dựng hai khu chợ mới nhằm di dời các hộ tiểu thương, gồm chợ Cầu Xáng và chợ tạm Trần Huỳnh đều ở phường 1 (TP Bạc Liêu), khởi công ngày 30-4-2010, khánh thành đưa vào hoạt động ngày 4-1-2011.

Chợ Cầu Xáng bố trí kinh doanh lâu dài, diện tích 3.800m2, với gần 500 lô sạp, vốn đầu tư 26 tỷ đồng. Đến thời điểm này, chợ Cầu Xáng vẫn đắp chiếu, dù có 80% hộ tiểu thương đăng ký nhưng chỉ giữ chỗ mà không vô. Chợ tạm Trần Huỳnh rộng 5.000 m2, tổng vốn đầu tư gần 38 tỷ đồng, có 1.500 lô sạp, hoàn toàn im lìm phơi sương nắng.

Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh An Giang (tỉnh trọng điểm trồng lúa của ĐBSCL), tỉnh này đang có khoảng 15 chợ xây xong bỏ hoang hoặc đìu hiu. Còn tỉnh Sóc Trăng (có diện tích nuôi tôm sú công nghiệp lớn nhất nước), theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Công Thương, có hơn 10 chợ xây xong bỏ hoang hoặc hoạt động không hiệu quả.

Ở tỉnh Kiên Giang, tại TP Rạch Giá, ngay góc đường Ngọc Hân Công Chúa và Ngô Tất Tố thuộc phường Vĩnh Quang, chợ Cầu Suối rộng đến 6.000m2, trong đó diện tích xây dựng khoảng 2.500m2. Trị giá đất rất lớn, riêng tiền xây dựng đã hàng tỷ đồng do UBND TP Rạch Giá làm chủ đầu tư, khánh thành năm 2007 đến nay vẫn bỏ hoang.

Ông Phạm Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP Rạch Giá, cho biết: "Chợ xây dựng nhưng chỉ có người bán, không có người mua nên phải đóng cửa. Chúng tôi đang tính giao khoán cho tư nhân theo hình thức cho thuê đất".

Ở TP Sóc Trăng, có tới 3 chợ xây dựng tốn kém nhưng bỏ hoang. Đó là chợ Khánh Hùng ở phường 2, xây dựng năm 2003 tốn trên 1,3 tỷ đồng; chợ Nhâm Lăng ở phường 5, xây dựng năm 2005 hết 675 triệu đồng; chợ Sung Đinh ở phường 4, xây dựng năm 2005 trên diện tích khoảng 3.000m2 với số tiền đầu tư trên 2 tỷ đồng.

Ở huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) có chợ thị trấn Mỹ Xuyên được xây năm 2001 từ nguồn vốn ngân sách huyện trên 400 triệu đồng nay thành chỗ bán cà phê và chứa đồ của một số hộ lân cận. Ở tỉnh An Giang, chợ Núi Sập tại thị trấn Núi Sập (Thoại Sơn), rất khang trang, hoàn thành năm 1997 đến nay vẫn bỏ hoang.

Chưa hết, trong quá trình xây dựng Khu công nghiệp khí- điện- đạm Cà Mau, tại xã Khánh An (U Minh, Cà Mau), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hỗ trợ đầu tư 2 chợ tại khu tái định cư tạm Khánh An và tại khu đô thị Khánh An, đến nay cũng đang bỏ hoang.

 Chợ ở khu đô thị Khánh An (U Minh, Cà Mau) bỏ hoang từ ngày khánh thành
Chợ ở khu đô thị Khánh An (U Minh, Cà Mau) bỏ hoang từ ngày khánh thành . Ảnh: Tiến Hưng

Chợ Khánh An tại khu tái định cư tạm Khánh An xây dựng nhà lồng hết hơn 200 triệu đồng vào năm 2008, trên diện tích khoảng 3.000 m2, bàn giao cho UBND xã Khánh An quản lý, sử dụng. Ông Quách Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Khánh An cho biết: "Lúc mới khánh thành, có vài chục hộ vào buôn bán nhưng rồi lại bỏ đi". Chợ Khánh An ở khu đô thị Khánh An có nhà lồng chợ xây hết hơn 400 triệu đồng, cũng không có người mua bán.

Ở TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, chợ Xẻo Trôm ở phường Mỹ Phước được đầu tư xây dựng hết 2,9 tỷ đồng nhằm phát triển một khu đô thị mới. Năm 2006 đưa vào khai thác, trong 82 ki ốt của chợ nay mới có gần 30 tiểu thương vào kinh doanh.

Chợ khu dân cư Sao Mai tại thị trấn Chợ Mới (Chợ Mới, An Giang) do Cty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sao Mai xây dựng, hoàn thành năm 2008 tốn hơn 700 triệu đồng, nay chưa có hộ nào vào buôn bán.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.