Vụ tai nạn đâm tàu khiến 9 thuyền viên mất tích, 1 người chết, không chỉ là nỗi đau của ngư dân Tiến Thủy (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Người dân vùng bãi ngang lênh đênh trên biển từng đối mặt với nhiều phong ba bão tố, chịu nhiều đau thương mất mát...
Ám ảnh chìm tàu
Có thâm niên 30 năm bám biển, đối mặt với gió mưa và bao đêm tối chạy bão, nhưng ông Đinh Trọng Dũng (SN 1962) vẫn rùng mình khi nhớ lại phút giây hãi hùng. “Tôi nghe một tiếng động rất lớn, chưa kịp nhổm dậy thì đã bị hất văng xuống biển. Quá bất ngờ, không ai mặc áo phao nên mọi người chìm xuống. Trong cơn sinh tử, anh em vùng vẫy, vật lộn ngoi lên mặt nước”, ông Dũng nhớ lại. Hai thuyền viên may mắn thoát nạn là Đinh Trọng Dũng, Nguyễn Xuân Tuyến cùng thi thể anh Nguyễn Văn Hoà, thuyền viên tàu NA 958.99 TS được đưa về Nghệ An.
Anh Nguyễn Xuân Tuyến (SN 1986) kể: “Khoảng 13h ngày 28/6, anh em đang nằm ngủ sau một đêm thức trắng đánh cá. Tôi giật mình tỉnh giấc bởi một tiếng động lớn, định thần lại thì thấy mọi người rơi hết xuống biển. Tàu chìm. Bị văng ra xa, thấy chiếc phao cứu sinh của tàu trôi gần đó tôi bơi lại, ôm chặt lấy. Tàu Pacific chạy lướt qua, sau đó quần lại để cứu người. Tàu chở hàng vòng lại lần một nhưng khoảng cách xa tôi không dám bỏ phao bơi lại. Tàu vòng lại lần thứ hai gần hơn mới kéo được tôi lên’’.
Vùng biển tàu NA 958.99 TS gặp nạn có độ sâu khoảng 60m, thời điểm tàu bị đâm sóng tương đối mạnh, gió cấp 5, cấp 6. Khi tàu bị đâm chìm phao bung ra, hầu hết những người thoát chết do nắm được phao trôi dạt từ tàu chìm và phao tàu chở hàng ném xuống. Tàu NA 958.99 TS là tàu thuộc vốn vay Nghị định 67 hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ. Tàu sử dụng được gần 2 năm, có giá trị khoảng 14 tỷ đồng, trong đó phần nhiều ngư dân phải thế chấp tài sản vay ngân hàng. Tàu do ông Hồ Bá Lâm (trú tại xã Tiến Thủy) làm thuyền trưởng.
Trong các nạn nhân vụ chìm tàu, gia đình chị Nguyễn Thị Lý (thôn Phong Thái) cùng một lúc chịu 4 cái tang của chồng, ông Nguyễn Văn Hòa (SN 1981), con trai Nguyễn Văn Phong (SN 2002) và hai đứa cháu cùng tử nạn. Phong là con cả, thương bố mẹ vất vả nên bỏ học giữa chừng, cùng bố phụ giúp công việc trên tàu. “Có người gọi điện về báo, khi mọi người bơi đi tìm phao cứu hộ thì anh Hòa vẫn cố bơi đi tìm con, rồi kiệt sức, tử nạn”, anh Nguyễn Thành Công (SN 1986, em rể anh Hòa) cho biết. Hầu hết những thuyền viên còn lại bị mất tích đều nghỉ trong cabin, khi tàu đánh cá bị đâm chìm.
Nước mắt bãi ngang
Cách thôn Phong Thái không xa là ngôi nhà chị Hồ Thị Lân (SN 1971), mẹ của nạn nhân Nguyễn Văn Tùng (SN 1996), một trong 9 thuyền viên còn mất tích. Hàng trăm người thân, hàng xóm tới hỏi thăm, chia buồn. Nhiều lần khóc lịm đi vì kiệt sức, chị Lân phải nhờ tới sự chăm sóc của y, bác sỹ. Anh Nguyễn Văn Hồng (bố của Tùng) đánh cá tại vùng biển Quảng Bình nghe tin, vội vàng xin tàu trở lại bờ, bắt xe khách về nhà. Chị Hồ Thị Hương (em gái chị Lân) kể: “Nhà chị Lân khó khăn, căn nhà cấp 4 xây từ nhiều năm trước đến nay vẫn chưa trả xong nợ. Hết cấp 2, Tùng bỏ học theo cha đi biển”.
Ngoài đánh cá, người dân Phong Thái- xã Tiến Thủy chẳng làm nghề gì khác. "Thôn có 331 hộ, 1.280 nhân khẩu, hầu hết lao động đều là ngư dân quanh năm bám biển", chị Nguyễn Thị Hiền, người sống cạnh nhà thuyền viên Nguyễn Văn Hòa cho hay. Hiền bảo, cuộc sống của bà con vùng bãi ngang rất khó khăn, đất chật người đông nên chẳng biết làm nghề gì ngoài chiếc thuyền ra khơi vô lộng, buôn bán lặt vặt kiếm sống. Đường xóm quanh co, nhà san sát nhau có gia đình chỉ tá túc trong khoảng chật hẹp 40-50m2 khiến ngày hè bỏng rát gió Lào càng thêm oi bức, chật chội. Xưa, làng tựa vào nhau, dân chài lênh đênh bám biển nên những ngôi nhà cũng quây quần tựa vào nhau cho đỡ hiu quạnh. Người ngày một đông đúc, đất đai chẳng sinh sôi, thành ra làng co cụm lại.
Thôn Phong Thái có 27 tàu đánh cá xa bờ, trong đó 25 tàu vỏ gỗ, 2 tàu sắt. "Nghề biển cực lắm, mỗi lần ra khơi 5 đến 10 ngày mới trở về đất liền. Vất vả, nhọc nhằn, may mắn mỗi tháng thuyền viên thu nhập 10 triệu đồng/người, nhưng có bữa tàu về không, lỗ tiền dầu", chị Hiền kể. Nhà 4 miệng ăn, vợ buôn hàng tạp hóa, chồng quanh năm bám biển, cuộc sống của gia đình chị Hiền cũng chật vật như bao ngư dân vùng bãi ngang Quỳnh Lưu. Chiếc tàu NA 958.99 TS xấu số của Hồ Bá Lâm vận hành từ 2 năm nay. Năm đầu tiên lỗ chỏng vó, không đủ tiền dầu, thuyền viên trắng tay. Năm rồi có chút thu nhập thì chẳng may bị nạn.
Hy vọng mong manh
Bộ Giao thông Vận tải, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã điều động tàu SAR 411 chỉ huy hiện trường, phối hợp cùng các tàu SAR 273, HQ 636, Pacific 01, Tân Cảng Pioneer triển khai tìm kiếm 9 thuyền viên mất tích. Theo yêu cầu của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Trung Quốc đã điều động tàu cứu nạn Nanhaijiu 118 cùng 01 máy bay tham gia tìm kiếm dưới sự chỉ huy hiện trường của tàu SAR 411 theo kế hoạch tìm kiếm được lập bằng phần mềm SAROPs.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Anh Vũ - Giám đốc Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam cho hay: Đơn vị đã cử tàu vào Cẩm Phả đón đội thợ lặn do Công ty CP vận tải và thương mại quốc tế thuê ra hiện trường. “Việc tìm kiếm đang được triển khai, các phương tiện vẫn đang hoạt động hết công suất", ông Vũ cho biết.
Lúc 13h00, ngày 28/6, tàu PACIFIC 01 thuộc quản lý của Công ty Cổ phần vận tải và thương mại quốc tế (địa chỉ tại số 140A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) đâm vào tàu cá NA 958.99 TS, cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 35 hải lý về hướng Nam, trên tàu có 19 thuyền viên. Ngay sau khi xảy ra va chạm, tàu PACIFIC 01 đã hạ xuồng cứu sinh cứu được 9 thuyền viên, 1 người tử vong, còn 9 thuyền viên mất tích.