Đánh giá kết quả chuyến hàng xuất khẩu đầu tiên, chất lượng cá ngừ Việt Nam vẫn chưa đạt chất lượng cao đều; tỷ lệ cá loại 1 để xuất khẩu có tăng (đạt 30% so với câu vàng trước kia chỉ đạt 1%) nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.
Nguyên nhân chính là do ngư dân vẫn sử dụng chưa đúng hoặc sử dụng chưa thành thạo các trang thiết bị đánh bắt mới như máy Shocker, máy thu thả tự động; chưa thực hiện đúng và đầy đủ quy trình xử lý cá sau khi đưa lên tàu; có vấn đề trong quy trình bảo quản cá sau xử lý; thời gian đưa cá vào bờ còn quá dài (gấp đôi quy định) do chưa thực hiện được vận chuyển luân phiên đưa cá lên bờ.
Chuyên gia thủy sản Nhật Bản Masakazu Shoga, chia sẻ: Vấn đề của cá ngừ Việt Nam là nhiệt độ cá sau bảo quản quá cao dẫn đến việc cháy cá và bở thịt. Vấn đề quan trọng là tìm cách hạ nhiệt cho cá. Đồng thời nghiên cứu tìm cách giảm chi phí vận chuyển. Phía Nhật sẽ cố gắng giúp đỡ mở rộng thị trường bán lẻ.
Thời gian tới, Bình Định triển khai Dự án củng cố, mở rộng mô hình thí điểm để chuẩn bị cho vụ cá chính 2014 – 2015, bắt đầu từ tháng 12/2014.
Theo đó, đầu tư triển khai trên 4 nhóm (20 tàu), tỉnh đứng ra bảo lãnh cho ngư dân vay vốn ngân hàng để trang bị máy móc, thiết bị khai thác và bảo quản theo công nghệ Nhật Bản; Cử người sang Nhật Bản học cách phân loại cá, định giá cá. Huyện, thành phố sẽ hỗ trợ thêm về giá cho tàu tham gia mô hình ngoài phần giá tăng thêm (dự kiến huyện Hoài Nhơn hỗ trợ 30 triệu đồng).