Ngư dân chìm nổi trước bão giá

Ngư dân chìm nổi trước bão giá
TP - Từ tháng 6 tới nay, giá dầu diezel tăng liên tiếp 3 lần (thêm 1.060 đồng/lít). Giá dầu tăng, khiến chi phí đánh bắt của ngư dân bị đội lên, nhiều tàu cá hoạt động cầm chừng hoặc nằm bờ.

> Xăng dầu tăng giá liên tục, doanh nghiệp sốc
> Xăng tăng giá thêm 460 đồng/lít

Ngư dân chới với trước chi phí nhiên liệu. Ảnh: NGUYỄN HUY
Ngư dân chới với trước chi phí nhiên liệu. Ảnh: NGUYỄN HUY.

Càng ra khơi càng lỗ

“Giá dầu cứ tăng liên tục thế này chỉ còn nước treo tàu!”, chủ tàu số hiệu QNg 98746TS kiêm thuyền trưởng trẻ Nguyễn Tuấn (xã Phổ An, Đức Phổ, Quảng Ngãi) than vãn khi vừa cập âu thuyền cảng cá Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng).

Anh Tuấn cho hay, mỗi chuyến đi biển, tàu công suất 420 CV của anh “ngốn” 5.000 lít dầu, 1.300 cây đá, cùng lượng lớn nước ngọt, lương thực, thực phẩm với tổng chi phí lên đến 150 triệu đồng.

Chuyến đi biển này, vỏn vẹn được 4-5 tấn cá dưa, với giá bán trung bình 20.000 đồng/kg, cả tàu anh Tuấn lỗ gần 50 triệu đồng. Theo anh Tuấn, mùa cá dưa kéo dài từ sau Tết đến trung tuần tháng 8, tháng 9 âm lịch. Dù đang vào chính vụ, nhưng năm nay khó khăn bủa vây tứ phía. Trên bờ, giá xăng dầu tăng, giá hải sản giảm. Trong khi dưới biển thời tiết thất thường, sản lượng cá không ổn định. Phần lớn ngư dân cứ vươn khơi đánh bắt là lỗ.

 Mấy ngày chạy ngược xuôi vay nóng các đầu nậu để kiếm tiền trang trải phí tổn, nên ngần ngại vươn khơi. Thu nhập eo hẹp, nhiều bạn tàu bỏ nghề ở bờ kiếm sống. Chuyến biển này nếu lỗ, chắc tôi phải nghỉ biển.

Chủ tàu QNg 98746TS Nguyễn Tuấn, nói

Ông Lê Dũng (47 tuổi, P.Xuân Hà, Thanh Khê, TP Đà Nẵng), chủ tàu cá ĐNa 90323TS cũng lo ngại, với chi phí tăng “phi mã” hiện nay, mỗi chuyến biển bắt trên dưới tấn cá mới đủ bù chi phí tăng thêm. Trong khi đó, sản lượng không ổn định, ngư trường thu hẹp, thêm sự chèn ép xua đuổi của tàu thuyền Trung Quốc.

Bên âu thuyền Thọ Quang, chủ đôi tàu giã cào QNg 92286TS- QNg 92398TS, ông Lê Văn Tám (54 tuổi, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) cũng nơm nớp nỗi lo thua lỗ trước mỗi chuyến biển. Ông Tám nhẩm tính, mỗi chuyến đi đôi tàu của ông “ngốn” 10.000-15.000 lít dầu, 500 cây đá, hàng ngàn lít nước ngọt, lương thực. Từ tháng 6 đến nay, mỗi chuyến biển ông phải bù thêm 15-17 triệu đồng. Ông Tám cũng lo các chi phí khác tăng theo giá xăng dầu.

Tại Thanh Hóa, anh Nguyễn Văn Tuy, chủ tàu cá công suất 450 CV (thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) cho biết, mỗi chuyến ra khơi đội thêm khoảng 10 triệu đồng, do giá dầu tăng.

Theo anh Tuy, giá dầu tăng, nhưng giá sản phẩm đánh bắt lại giảm tới 20-30%. Chẳng hạn, giá cá làm thức ăn chăn nuôi trước đây từ 8.000-10.000 đồng/kg, nay còn 6.000 - 7.500 đồng/kg; mực tươi (loại 1) trước có giá 140.000 đồng/kg, nay còn 100.000 đồng/kg. Anh Tuy cho hay, do thu nhập thấp, nên nhiều lao động đi biển bỏ nghề, bỏ thuyền, bỏ xứ đi làm thuê ở khắp nơi kiếm sống.

Tại Nghệ An, nơi có hơn 4.000 tàu cá, trong đó trên 1.060 tàu loại 90 CV trở lên. Ông Nguyễn Chí Lương, Chi cục trưởng Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản Nghệ An cho biết, do giá dầu tăng liên tục, nên khoảng 20% tàu nằm bờ “nghe ngóng”.

Theo ông Lương, từ đợt tăng giá dầu trong tháng 6, 7, lượng tàu bám biển cũng giảm. “Trước đây, trung bình tàu đi biển 20 ngày, nhưng nay họ giảm xuống khoảng 15 ngày. Mặt khác, nhiều tàu hoạt đồng cầm chừng, nếu không sợ chết tiền dầu”- ông Lương nói.

Ngư dân phải tự ứng phó

Ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam, kiêm Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh này cho hay: Chi phí nhiên liệu tác động rất lớn đến hoạt động đánh bắt của ngư dân. Cái khó là chính sách hỗ trợ nhà nước không thể theo kịp biến động này, nên hầu hết ngư dân phải “tự ứng phó”. Ngoài chính sách chung về hỗ trợ xăng dầu cho tàu thuyền xa bờ, tỉnh đã huy động 24 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân, cho vay lãi suất 0% giúp ngư dân đóng tàu công suất lớn.

Xăng dầu tăng giá, ngư dân lại thêm những nỗi lo mới. Ảnh: nguyễn huy
Xăng dầu tăng giá, ngư dân lại thêm những nỗi lo mới. Ảnh: nguyễn huy.

Trong khi đó, trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Xuân Thủy, Giám đốc Sở NN&PTNT Nam Định cho biết, tỉnh có gần 2.100 tàu cá, chủ yếu là tàu nhỏ, đánh bắt gần bờ; còn tàu đánh bắt xa bờ công suất 90 CV trở lên khoảng 200 tàu. Theo ông Thủy, ở Trung Quốc họ có trợ giá dầu cho ngư dân. Còn ở ta, dù biết ngư dân chật vật đủ đường, nhưng hiện địa phương cũng không có nguồn nào để hỗ trợ.

Ông Đào Hồng Đức, Cục trưởng Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT), cho biết, việc tăng giá dầu diezel ảnh hưởng rất lớn đến bà con ngư dân, nhất là những tàu đánh bắt xa bờ, có công suất lớn. Hiện cả nước có khoảng 25.000 tàu đánh bắt xa bờ, có công suất 90 CV trở lên.

Theo ông Đức, cục cũng vừa yêu cầu các tỉnh thành ven biển cần theo dõi, rà soát ảnh hưởng của việc tăng giá dầu đến hoạt động khai thác của ngư dân. Trong đó, đánh giá cụ thể tình hình trước và sau khi giá dầu tăng giá, theo nhóm công suất tàu và từng ngoài nghề khai thác. Đồng thời, rà soát số tàu nằm bờ, xem thuộc nghề, tàu công suất ra sao. Từ đó, cục sẽ đề xuất các giải pháp, kịp thời tháo gỡ cho bà con ngư dân khai thác ổn định trên biển.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.