'Ngọt' - Ban nhạc 9X được người hâm mộ chi tiền làm đĩa

Các thành viên của Ngọt (từ trái qua): Hoàng, Nam Anh, Tuấn và Thắng. Ảnh: NVCC.
Các thành viên của Ngọt (từ trái qua): Hoàng, Nam Anh, Tuấn và Thắng. Ảnh: NVCC.
TP - Gần đây hình thức quyên góp qua mạng để thực hiện một dự án nghệ thuật thường được các họa sĩ ưa chuộng. Ngọt có lẽ là ban nhạc đầu tiên áp dụng chiêu này thành công. Người hâm mộ đã đầu tư cho họ 60 triệu, thừa để làm... bìa đĩa. Để hoàn tất nhiều khâu của một album, Ngọt đang nợ một khoản nhỏ.

Họ mạnh dạn in 1.000 bản cho đĩa đầu tay và đang lo... không đủ đĩa cho người hâm mộ - mà họ trìu mến gọi là “kẹo”- trong hai buổi ra mắt đĩa tại Hà Nội (tối nay) và TPHCM (15/5). 200 đĩa đã được đặt trước. Đây cũng là đặc quyền Ngọt dành cho các kẹo đã góp tiền cho họ làm đĩa.

Ngọt là ban nhạc nổi bật trong giới underground vài năm gần đây. Bài của họ cũng đủ hot để mấy cuộc thi hát truyền hình hỏi mua. Lời hát của họ bắt đầu được một số người mượn để giãi bày tâm trạng. Chẳng hạn: “Tôi phóng ra xe, hôm nay đi học/Nếu tôi còn bé thì tôi sẽ khóc/Nhưng đã hai mươi, hai mươi, hai mươi/Lên xe đi học, lại ngồi lên ghế không làm gì...”. Đoạn sau của bài hát thay “hai mươi” thành “ba mươi” và “học” thành “làm”. Những lời lẽ vừa ngọt vừa... chua đó do Thắng - sinh viên năm 3 viết ra. Có tới 3/4 thành viên của Ngọt là sinh viên.

Mùa thi diễn ra đúng những ngày nước rút chuẩn bị cho đêm diễn quan trọng, Thắng bị thiếu ngủ trầm trọng. Mặc dù không muốn nhưng Thắng cũng nghĩ đến chuyện phải bảo lưu kết quả học tập nếu “chẳng may” nhóm trở nên nổi tiếng, bận rộn hơn với những show quảng bá đĩa.

Nhiều khả năng Thắng được ban nhạc tài trợ lệ phí để đi thi IELTS, coi như một phần thưởng nếu bán hết đĩa. Tự thấy học tiếng Anh đủ rồi, Thắng chọn tiếng Pháp làm ngành học đại học. Tuy nhiên, cậu vẫn không có ý định viết lời hát bằng tiếng gì khác ngoài tiếng Việt. Trong khi Thắng và Ngọt ôm giấc mơ mang nhạc của mình khỏi biên giới Việt Nam. Điều này có vẻ mâu thuẫn. Nhiều bạn trẻ không cần hiểu tiếng Hàn vẫn say mê K-pop, do tác dụng của một làn sóng Hàn Quốc. Còn V-pop, bao giờ?

Thắng: “Tôi thực sự tin mình có thể mạnh như thế, thành một làn sóng toàn cầu như thế. Một nước nào đó đang hát nhạc tiếng Việt dù chỉ bập bẹ theo như mình đang bập bẹ theo tiếng Hàn- hoàn toàn có thể. Khi mình không ngại ngùng hát tiếng mẹ đẻ trên sân khấu nước ngoài, khán giả sẽ cảm nhận một cái gì thuần Việt, khác biệt, nếu thấy hay họ sẽ thích mà không cần hiểu”.

 Phát biểu của Thắng không phải không có căn cứ vì Ngọt từng diễn cho các tổ chức quốc tế ở Hà Nội. Theo Hoàng, các ban nhạc indie (hoạt động độc lập không nằm trong show-biz) như Ngọt của các nước trong khu vực lập nhiều sân chơi rôm rả, còn thiếu mỗi đại diện Việt Nam. 

Ngọt cũng không nghĩ chuyện sẽ dịch tên sang tiếng Anh. Cái tên được đặt một cách ngẫu hứng. Thay vì diễn giải nó, Thắng so sánh: “Khi Công ty Apple mới ra mắt, người ta tưởng họ bán hoa quả. Giờ thì những gì họ làm ra khiến họ không lẫn vào đâu được”. 

Ngọt là ban nhạc hiếm hoi ở Việt Nam đang chơi nhạc pop. Lợi thế đầu tiên là khỏi phải cạnh tranh với ai. Để tránh cảnh “sớm nở tối tàn”, Hoàng - anh cả của nhóm, nhà báo chuyên viết kinh tế - lên chương trình hoạt động khá chi tiết cho Ngọt. Nhóm đã găm sẵn 2 MV chỉ đợi sau khi ra mắt album đầu tay (với một nửa số bài chưa từng công bố) là tung ra. Cuối năm nay họ tiếp tục ra đĩa đơn và cuối năm sau là album thứ hai. Lượng bài Thắng sáng tác hiện đủ để ra 3 đĩa.

Hoàng - vào ban sau khi một thành viên cũ ra đi - phát biểu: “Trước đây tôi cũng là khán giả, tôi thấy Thắng đủ tư cách đứng ngang hàng với nhiều nghệ sĩ lớn. Sáng tác già dặn, sâu sắc nhưng không bị cao siêu, khó hiểu. Các thành viên trong nhóm đều có khả năng sáng tác nhưng chưa đủ hay để đứng chung với Thắng.” Để cho khách quan, tốt nhất bạn nên nếm thử một bài của Ngọt.

Các thành viên của Ngọt có một số điểm chung, như cùng thích Beatles, cùng được bố mẹ cho đi học đàn vào năm học cấp II. Họ xác định âm nhạc là sự nghiệp thứ hai bên cạnh công việc riêng. Thắng (có anh trai cũng là nhạc sĩ tài tử) phân tích: “Trước tôi cũng quyết tâm chỉ hoạt động âm nhạc, nhưng giờ nghĩ lại. Tôi muốn nghệ thuật của mình phản ánh xã hội. Nếu chỉ ngồi ở nhà viết nhạc thôi thì làm gì có xã hội mà phản ánh. Mình tương tác với xã hội một cách sâu sắc bằng cách đi làm. Cũng chịu khổ như mọi người, đóng thuế hàng tháng, bị sếp chửi các thứ... thì tôi mới hiểu được mọi người và cảm giác mình xứng đáng là một đại diện của xã hội”.

MỚI - NÓNG