Rowling viết trinh thám về showbiz:

Ngôi sao không phải là nạn nhân

Tác giả J.K. Rowling (Robert Galbraith) và bìa cuốn “Con chim khát tổ”
Tác giả J.K. Rowling (Robert Galbraith) và bìa cuốn “Con chim khát tổ”
TP - Làm sao để viết truyện trinh thám có chất riêng khi thể loại này đã có quá nhiều tên tuổi lớn? Là nhà văn tầm cỡ ngôi sao, J.K. Rowling viết về vụ án có nạn nhân là ngôi sao giải trí trong cuốn Con chim khát tổ.

Thiếu bản lĩnh lại đổ tại đời vùi dập

Sách bắt đầu với cái chết của siêu mẫu Lula Landry biệt danh Cuckoo – rơi từ tầng 3 một chung cư cao cấp. Cảnh sát kết luận là tự tử. Không tin cảnh sát, anh trai nuôi của Lula thuê thám tử tư Cormoran Strike điều tra lại.

Lula là người đẹp da nâu nổi tiếng trong giới giải trí. Lấy sự kiện cô qua đời, Rowling “tiện thể” phản ánh mặt trái của giới này. Nhưng phần phản ánh này đọc không “đã”.

Chẳng hạn, báo chí xới nát vụ việc cho đến khi không còn gì để khai thác. Người ta quan tâm cả việc khi chết Lula đang mặc trang phục của nhãn thời trang danh tiếng nào. Nhãn hàng đó lập tức tung bộ ảnh quảng cáo gây tranh cãi trong đó người quá cố chụp khỏa thân khiêu khích. Hình ảnh đau buồn đầy lãng mạn và diễn xuất của sao nam sao nữ trong đám tang cũng bị Rowling giễu nhại.

Mỹ nhân khi còn sống được săn đón, khi chết hóa ra không có lấy một người bạn thực sự, chỉ đua nhau bán đời tư của cô cho báo lá cải. Người tình thì nghiện ngập và bạc bẽo.

Công bằng mà nói, những mặt trái đó chẳng còn gì là bí mật. Lula được Rowling mô tả như một nạn nhân của giới giải trí, cô đơn và bị rình rập, tước mất tự do. Nhưng điều đó không thuyết phục, bản thân Lula hư hỏng từ thời niên thiếu, chính cô chọn giới giải trí để lập nghiệp chứ không phải bị ép buộc.

Đã đến lúc hiểu rằng các ngôi sao không hẳn là nạn nhân của giới giải trí. Người ta thường nhắc giới giải trí như một kẻ phản diện khổng lồ đen tối, nhưng quên mất các “nạn nhân” cũng góp phần tạo nên. Họ bị đối xử tệ, nhưng chính họ đôi khi cũng tệ với người khác. Thiếu bản lĩnh lại đổ tại đời vùi dập, làm vậy là không công tâm.

Thám tử cũng là một kiểu nạn nhân

Rowling tạo ra nhân vật thám tử Cormoran Strike, mà bà định sử dụng trong các cuốn sách trinh thám tiếp theo, khá ấn tượng. Strike ngoài vai trò điều tra vụ án còn có chuyện đời riêng. Ông cô độc, có bố là ngôi sao nhạc rock bỏ rơi con và mẹ là một phụ nữ ăn chơi đã qua đời. Strike bị thương tổn cả về thân thể lẫn tâm hồn, sống trong giới bình dân ở London nhưng khi làm việc phải xâm nhập giới giàu sang và nổi tiếng, khiến ông không khỏi lạc lõng.

Vẻ bề ngoài tồi tàn của Strike, cách sống (ngủ ở văn phòng vì vô gia cư, ăn uống sinh hoạt tạm bợ), bản thân nhân vật cũng đầy mặc cảm và bi kịch… Đại từ chỉ Strike là “hắn” (theo cách dịch tiếng Việt). Ít có một thám tử, nhân vật chính, trong sách trinh thám mà đầy sứt sẹo đến thế. Đây là dấu ấn của Rowling.

Những ai thích trinh thám đấu trí, phân tích thủ đoạn chặt chẽ kiểu Sherlock Holmes hay Thám tử lừng danh Conan có thể sẽ không thích cách viết này. Hầu như chỉ có thoại, mô tả và suy luận, rất ít hành động. Các đoạn hội thoại quá dài và nhiều chi tiết mà không thực sự giúp độc giả hiểu thêm điều gì về vụ án.

Sách trinh thám có một điểm mạnh là thu hút độc giả suy luận cùng nhưng với cách viết của mình, hầu như Rowling không tận dụng điều này. Độc giả có thể đoán được ai là thủ phạm, nhưng không thực sự hiểu rõ vì sao và như thế nào, vì Rowling đã cố tình để các manh mối lờ mờ.

The Cuckoo’s Calling bản dịch của NXB Trẻ giữ nguyên tên tác giả Robert Galbraith, chỉ có một dòng nhỏ ở bìa bốn chú thích đó là bút danh của J.K. Rowling, người viết bộ Harry Potter danh tiếng.

MỚI - NÓNG