Ngọc Anh và nhạc sỹ Phú Quang |
Sống cùng câu hát
Tôi gặp Ngọc Anh khi mới bước chân vào nghề báo. Lúc đó hình như chị mới ra album 69’59’’ với những nhạc phẩm Phú Quang (phổ thơ): “Khúc mùa thu”; “Phía tối tâm hồn tôi”, “Lãng đãng chiều đông Hà Nội”, “Đã có một thời”… Khi ấy, vị thế trên thị trường âm nhạc của Ngọc Anh chưa được như hôm nay nhưng chị cũng đã có một lượng khán giả trung thành, trong đó có tôi. Cuộc trò chuyện của chúng tôi không kéo dài, một phần vì Ngọc Anh bận nhưng phần chính vì chị quá thẳng thắn, không vòng vo, không hoa mỹ, đẩy một phóng viên mới vào nghề như tôi nhanh chóng cụt hứng, đành chia tay người đàn bà hát.
Rồi Ngọc Anh sang Mỹ. Tôi vẫn tiếp tục dõi theo, thấy chị xinh đẹp hơn, thời trang hơn, giọng hát vẫn như khi ở đất mẹ, đầy khao khát, song mềm mại, quyến rũ hơn. Thị trường âm nhạc hải ngoại hay chính những thăng trầm trong đời sống đã giúp Ngọc Anh dịu dàng, nữ tính hơn? Có lẽ chính Ngọc Anh cũng không thể phân tích rạch ròi. Chị không chỉ hát nhạc Phú Quang mà còn chinh phục nhạc Phạm Duy, Vũ Thành An… “Mùa thu chết”, “Bài không tên cuối cùng”, “Tháng sáu trời mưa”, “Nửa hồn thương đau”… những bản tình ca buồn dường như được sinh ra cho tiếng hát Ngọc Anh.
Đã bao giờ Ngọc Anh rơi nước mắt khi thả hồn trong câu hát? Chị thú nhận: “Đó là điểm yếu của Ngọc Anh, dễ bị hóa thân vào bài hát rồi sống luôn với nó, dù mỗi bài hát chỉ năm phút thôi cũng đủ cho tôi cảm thấy như sống cả một cuộc đời. Sau này chính đời tôi cũng chẳng khác gì những hoàn cảnh trong bài hát thì tôi không những rơi nước mắt mà còn nổi cả da gà khi cất tiếng ca”. Cho dù hát thành công nhiều nhạc phẩm của nhiều nhạc sỹ nhưng nhắc đến Ngọc Anh là nhắc đến nhạc Phú Quang và ngược lại. Romance 2 chính là bài hát yêu thích nhất của Ngọc Anh. Chẳng hiểu sao chị lại nhầm tác giả phần lời, thực ra Phú Quang đã phổ thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, chứ không phải Ý Nhi như Ngọc Anh tưởng, bài “Tặng nỗi buồn riêng”, viết năm 1987: “Em chết trong nỗi buồn/Chết như từng giọt sương/Em chết trong nỗi buồn/Chết lặng thầm âm ỉ đớn đau/Trời cho em nụ cười thật tươi/Ai biết sau nụ cười/Giọt nước mắt sẽ về đâu?”. Ngọc Anh tìm thấy mình trong Romace 2: “Lần nào hát hoặc nghe lại bài hát này tôi cũng khóc. Khóc thương cho thân phận phụ nữ, khóc cho chính cuộc tình của mình. Sự thiếu thốn, cô đơn trong tình yêu có lẽ là chất xúc tác mạnh nhất giúp cho tâm hồn người ca sỹ giải quyết được những tác phẩm khó hát và đầy kịch tính như Romance 2 của nhạc sỹ Phú Quang. Tôi yêu cái chết “trong từng giọt sương” vì nó làm cho người đàn bà thêm đẹp, đẹp trong sự khát khao”.
Sinh thời nhạc sỹ Phú Quang từng nhận xét: “Cái hay của Ngọc Anh không chỉ nằm ở giọng hát mà còn ở cái chất, cái hồn”. Đã và đang có nhiều ca sỹ trải nghiệm với âm nhạc Phú Quang, liệu Ngọc Anh có cảm thấy áp lực? Chị đáp: “Tôi không bị áp lực mà chỉ luôn tự hào, rất tự hào khi được hát nhạc Phú Quang”. Chị còn muốn chia sẻ chút ít kinh nghiệm với những người đến sau: “Để hát được nhạc Phú Quang thì các ca sỹ đừng để ý quá nhiều đến việc phải khoe giọng hát. Nhạc Phú Quang gửi gắm một niềm yêu lớn lao, là sự hy sinh thật sự trong tình yêu, là đau đớn tận cùng trong mất mát, mà không thể đẩy lên căm thù hoặc ác độc được”.
Ngọc Anh giữa đời thường |
Chỉ có tình yêu mới đưa tôi lên hoặc dìm tôi xuống
Ngọc Anh sinh năm 1975. Chị chính là ái nữ của NSND Hoàng Khiềm, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Trung ương. Ít ai biết, người hát “Romance 2” từng say mê tuồng và hát tuồng rất hay. Năm 12 tuổi, Ngọc Anh từng thi tuyển vào trường đào tạo tuồng nhưng “rớt” vì chưa đủ tuổi. Ở tuổi 15, chị thi vào Nhạc viện, chọn trình diễn hai ca khúc, đối nhau về chất: “Lý chiều chiều”, “Lời tỏ tình mùa xuân” và đỗ thủ khoa. Dù không đi theo tuồng nhưng trong mắt NSND Hoàng Khiềm, con gái của ông vẫn giữ chất tuồng khi cầm micro đứng trên sân khấu, “vẫn anh hùng dữ dội”, chẳng lẫn đi đâu.
Dù được nuôi dưỡng trong không khí tuồng nhưng đời muốn Ngọc Anh thành người đàn bà hát. Cũng giống như việc chị quyết định định cư ở xứ cờ hoa, cũng không hẳn do chị muốn thế. Chị tâm sự: “Việc lập nghiệp ở Mỹ là quyết định không phải của tôi lúc đó song tôi chưa bao giờ thấy ân hận hay nuối tiếc, thậm chí đó là bước ngoặt có lẽ đã được sắp đặt nên không thể chối bỏ”. Khi ở Việt Nam, Ngọc Anh từng hát “Chuyện bình thường số 1” của Phú Quang: “Thành phố mỏi mòn những âm thanh quen thuộc/Những chiều len lách giữa phố đông/Anh chợt thấy thân phận mình bé nhỏ/Suốt nửa cuộc đời chưa viết nổi bài tình ca”. Hỏi chị rằng, những ngày đầu tiên ở Mỹ, chị có cảm thấy “thân phận mình bé nhỏ”, giữa “thành phố mỏi mòn”? Không ngờ, Ngọc Anh đáp kèm tiếng cười: “Không, tôi không thấy lạc lõng. Hồi đó tôi vẫn luôn nói với anh xã cũ là ở đâu miễn có anh và con thì dù trong rừng sâu hay trên núi cao thì em sẽ vẫn sống tốt. Tôi sống dựa vào tình yêu hơn là vật chất nên địa lý hay điều kiện sống không làm khó tôi được, chỉ có tình yêu mới có thể đưa tôi bay lên hoặc dìm tôi xuống thôi”.
Một nữ nghệ sỹ nổi tiếng từng học thanh nhạc cùng Ngọc Anh “bật mí”: “Đã chứng kiến Ngọc Anh yêu ai thì chăm sóc hết mình. Tính cách nồng nàn, nồng nhiệt là ưu điểm nhưng cũng là nhược điểm của Ngọc Anh. Vì nồng nàn, nồng nhiệt đến mức người ta cảm thấy đủ, đầy và… thừa nên người ta không còn biết nâng niu những gì Ngọc Anh mang đến”. Sau những vấp ngã, Ngọc Anh vẫn thế. Chị hát thành công những nhạc tình dang dở nhờ một phần không nhỏ những trải nghiệm trên con đường tình yêu. Đã có lúc, Ngọc Anh buồn, tuyệt vọng như những câu ca chị hát: “Giai đoạn u ám nhất là giai đoạn tôi phải giằng xé trong chính bản thân mình. Níu giữ thì thấy mình nhẫn tâm, mà buông bỏ thì thấy mình mất mát. Lúc đó tôi hiếm hoi cả một nụ cười mỉm”.
Chưa tự tin sáng tác
Ngọc Anh từng viết ca khúc và hát ca khúc do mình sáng tác. “Câu chuyện tình yêu” lấy cảm hứng từ chính mối tình thời trẻ của chị: “Mỗi sáng thức giấc em thấy cuộc đời/Rộn ràng, rộn ràng em muốn hát/Đưa tay em ôm lấy trái tim mình/Hát rằng: Em mãi yêu người thôi…”. Nhưng Ngọc Anh không có ý định theo mẫu nghệ sỹ đa năng, vừa sáng tác, vừa hát: “Tôi không tự tin lắm về sáng tác nên chưa nghĩ nhiều cho việc đó”.
Là một nghệ sỹ, nhưng Ngọc Anh lười chụp ảnh. Đừng rủ chị đi uống cà phê, về Việt Nam, Ngọc Anh thích bia hơi hơn. Ngoài men tạo cảm giác lâng lâng, có lẽ bia hơi vỉa hè còn giúp chị ngửi mùi phố phường Hà Nội, nơi Ngọc Anh sinh ra và lớn lên.
Con mèo không còn bị bỏ đói
Nhưng hôm nay u ám đã qua. Giọng ca sinh năm 75 tự họa chân dung mình bằng ngôn ngữ: “Con mèo không còn bị bỏ đói”. Giọng hát sexy, trang phục thường chọn theo hướng sexy, đôi môi dày cũng sexy… Người đàn bà được đồng nghiệp tặng nickname “khát khao” lại rất Việt Nam trong cách yêu thương gia đình nhỏ. MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên từng kể một chuyện đời thường về Ngọc Anh: “Mỗi lần Kỳ Duyên đi show với Ngọc Anh, thường ngủ chung phòng. Từ lúc xuống phi trường tới lúc vào phòng, Ngọc Anh đeo cái headphone vào và chỉ gọi điện, trò chuyện với chồng con. Không biết nói gì mà tới 5,6 tiếng liền? Duyên ngồi sơ sơ thì cứ thấy Ngọc Anh hỏi: Hai ba con ăn cái gì, đi chơi game gì? Lọ dưa em muối anh mở ra v.v.. Chỉ toàn chuyện gia đình…”. Chính Nguyễn Cao Kỳ Duyên còn ngạc nhiên khi một người đàn bà rất Việt Nam như Ngọc Anh lại lấy chồng Mỹ. Ngọc Anh cười, đẩy nhanh cái tính thẳng thật sẵn có: “Người ta bảo: Ta về ta tắm ao ta. Nhưng tôi tắm ao ta nhiều rồi, giờ tắm ao người ta”. Trò chuyện với Ngọc Anh nhận ra, hiếm phụ nữ nào say sưa khi kể về chồng như chị: “Sự ấm áp trong giọng nói, cử chỉ và hành động của người đàn ông như anh John đã làm tôi hoàn toàn bị chinh phục. Sự bù đắp những gì mình thiếu thốn bao năm qua của anh dành cho một con mèo bị bỏ đói đã lay động tôi”. Chị không ngại chia sẻ công khai: John của chị từng sống và làm việc ở Việt Nam, từng có những mối tình với những cô gái ở Việt Nam. Thay vì hằn học với quá khứ của chồng, Ngọc Anh cảm ơn những “bóng hồng” từng đi qua đời anh đã giúp anh hiểu và đánh giá cao về người phụ nữ Việt Nam. Sống với John, chị thấy mình “được yêu thương nhất, chiều chuộng nhất, ngọt ngào nhất”.
Ngọc Anh và chồng |
Ngọc Anh từng là con dâu của NSND Tường Vi. Khi cuộc hôn nhân tan vỡ, chị vẫn giữ quan hệ tốt đẹp với mẹ chồng cũ: “Bà vẫn yêu thương mình nhiều lắm. Giờ bà yêu cả anh John nữa. Bà cứ nói, cảm ơn anh John đã đem niềm vui tới. Bà rất thích dùng vài câu tiếng Anh cơ bản để chào hỏi và trò chuyện với anh”, chị kể. Nhiều người đã biết, John của Ngọc Anh từng gặp biến cố lớn về sức khỏe. Chị nắm tay anh đi qua bão giông, đến giờ mọi thứ đã tạm ổn, Ngọc Anh chỉ muốn được cùng chồng ngắm hoàng hôn mỗi buổi chiều tà và cùng nhau già đi. Anh không rành tiếng Việt nhưng đã rơi nước mắt khi nghe vợ hát. Âm nhạc kỳ diệu là thế. Nó đã xóa bỏ rào cản ngôn ngữ.
“Đây có phải giai đoạn viên mãn trong cuộc đời chị?”, tôi hỏi. Không ngờ, chị khen: “Câu hỏi hay nhất đây rồi. Giờ tôi đã mãn nguyện, không dám đòi hỏi quá nhiều cho bản thân. Chỉ mong có thật nhiều sức khỏe để hát cho thật đã, chinh phục tiếp những khán giả khó tính. Giờ chỉ muốn yêu và hát thôi. Mà hình như lúc nào cũng vậy. Chỉ có điều Ngọc Anh của bây giờ nhiều năng lượng tích cực hơn Ngọc Anh của ngày xưa ”. Người đàn bà hát có sợ thời gian? Chị bảo: “Thời gian chỉ khiến tôi phải có cảm giác yêu vội, thương vội, trả ơn vội mọi thứ trên đời…”. Lại nhớ “Quán thời gian” qua giọng ca Ngọc Anh: “Mời em vào quán thời gian/Chạm ly ký ức uống làn hương xưa…Mời em vào quán không ngày/Để nghe lòng bỗng tràn đầy heo may/Môi chợt đắng niềm yêu thương/Thời gian quên bỏ chút đường đó em…”.