Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đón người đồng cấp Pakistan Bilawal Bhutto Zardari tại Quảng Châu ngày 22/5. (Ảnh: Xinhua) |
Phát biểu được đưa ra khi Tổng thống Mỹ Joe Biden chuẩn bị công bố sáng kiến mới để tăng cường sự tham gia về kinh tế của Mỹ vào khu vực.
Ông Biden đang ở thăm Nhật Bản và chuẩn bị ra mắt Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, gọi tắt là IPEF. Khuôn khổ này gồm 4 trụ cột: sức chống chịu của chuỗi cung ứng; hạ tầng và năng lượng sạch; thuế và chống tham nhũng; và thương mại, nhằm tăng cường hợp tác của Mỹ với Nhật Bản, Úc và Ấn Độ theo khuôn khổ liên minh an ninh phi chính thức mang tên Bộ tứ.
Sáng kiến này được coi là công cụ để đối phó với sức ảnh hưởng lớn về kinh tế của Trung Quốc ở khu vực.
Trong cuộc hội đàm với tân Ngoại trưởng Pakistan Bilawal Bhutto Zardari tại Quảng Châu ngày 22/5, ông Vương Nghị bày tỏ hoài nghi rằng IPEF có thể buộc các quốc gia phải chọn phe giữa Washington và Bắc Kinh, bằng cách gây gián đoạn các chuỗi cung ứng.
“Liệu có phải Mỹ đang cố gắng đẩy nhanh phục hồi kinh tế toàn cầu hay gây ra sự phân tách về kinh tế, phong tỏa công nghệ, làm gián đoạn các chuỗi công nghiệp và khiến khủng hoảng chuỗi cung ứng trầm trọng hơn?” ông Vương nói.
Ngoại trưởng Trung Quốc nói rằng vài năm trước, Mỹ đã khơi mào chiến tranh thương mại với Trung Quốc, “gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho thế giới và Mỹ”.
“Những bài học từ đó rất sâu sắc. Mỹ cần biết về sai lầm và sửa chữa, thay vì lập lại sai lầm”, ông Vương Nghị nói.
Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng sẽ là sai lầm nếu Mỹ dùng các sáng kiến làm công cụ để loại trừ nước khác. Ông nói rằng Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nước trong khu vực. “Việc cố dùng một khuôn khổ để cô lập Trung Quốc cuối cùng sẽ khiến chính họ bị cô lập”, ông tuyên bố.
Hôm nay, Tổng thống Biden có cuộc tiếp kiến Nhật hoàng Naruhito trước khi cùng Thủ tướng Fumio Kishida hội đàm để bàn kế hoạch tăng cường hợp tác song phương, trong đó có vấn đề mở rộng năng lực và phạm vi hoạt động quân sự của Nhật Bản nhằm đối phó với sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc.
Trước khi bắt đầu hội đàm với Thủ tướng Kishida, ông Biden nói rằng khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới được thiết kế để đẩy lùi một Trung Quốc ngày càng quyết liệt và sẽ đem lại những lợi ích cụ thể cho khu vực.
Ông Biden cũng khẳng định Mỹ cam kết đầy đủ với việc bảo vệ đồng minh Nhật Bản, đồng thời đánh giá cao quan điểm của Tokyo đối với vấn đề xung đột ở Ukraine.
Thủ tướng Kishida hoan nghênh chuyến thăm của ông Biden, cho rằng điều này thể hiện cam kết của Mỹ với khu vực, và khẳng định hai nước đồng minh cần dẫn dắt thế giới trong nỗ lực bảo đảm khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do.
Hội nghị thượng đỉnh của Bộ tứ dự kiến diễn ra tại Tokyo vào ngày 24/5.