Mỹ không đưa Đài Loan (Trung Quốc) vào sáng kiến kinh tế mới ở châu Á

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Mỹ vẫn sẽ tìm cách làm sâu sắc quan hệ đối tác kinh tế với Đài Loan (Trung Quốc) dù hòn đảo này không nằm trong sáng kiến kinh tế châu Á mới của Tổng thống Joe Biden, một quan chức Mỹ khẳng định ngày 22/5.
Mỹ không đưa Đài Loan (Trung Quốc) vào sáng kiến kinh tế mới ở châu Á ảnh 1

Chuyên cơ chở Tổng thống Mỹ Joe Biden đáp xuống căn cứ không quân Yokota, Nhật Bản, ngày 22/5. (Ảnh: AP)

Trên đường sang Nhật Bản, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Đài Loan (Trung Quốc) sẽ không nằm trong chương trình khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) của Tổng thống Biden.

“Nhưng chúng tôi trông đợi làm sâu sắc quan hệ đối tác kinh tế với Đài Loan (Trung Quốc), bao gồm lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có các thiết bị bán dẫn và chuỗi cung ứng”, ông Sullivan nói.

Đài Bắc trước đó đã bày tỏ quan tâm đến việc tham gia vào khuôn khổ này.

Trong chuyến thăm đầu tiên đến Nhật Bản kể từ khi nhậm chức, ông Biden sẽ dự thượng đỉnh nhóm "Bộ tứ" cùng lãnh đạo Nhật, Ấn Độ và Úc. Các vấn đề về an ninh khu vực, bao gồm hành động của Trung Quốc đại lục với Đài Loan, dự kiến sẽ là những chủ đề nóng trong cuộc gặp.

“Chúng tôi không muốn thấy những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng, và chúng tôi chắc chắn không muốn thấy sự gây hấn quân sự. Chúng tôi muốn thông điệp đó không chỉ được đưa ra từ phía chúng tôi, mà từ nhiều đồng minh và đối tác ở khu vực và xa hơn nữa”, ông Sullivan nói với báo chí khi đang ở trên chiếc Không lực Một.

Tuần trước, ông Sullivan gọi IPEF là “thoả thuận kinh tế của thế kỷ 21”. Sáng kiến này sẽ đưa ra những quy tắc thương mại mang tính ràng buộc nhưng không bảo đảm về tiếp cận thị trường. Nhật Bản hoan nghênh IPEF, Thái Lan cho biết sẽ tham gia đàm phán. Úc và New Zealand có thể cũng tham gia. Hàn Quốc, Philippines và Singapore bày tỏ sự quan tâm thận trọng.

Báo Nikkei Asia của Nhật gọi đây là “cơ chế được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn một thoả thuận tự do thương mại, sẽ mang lại lợi ích cho các đối tác thương mại nhưng vẫn bảo vệ người Mỹ trước mặt trái của tự do thương mại”.

Ông Biden dự kiến sẽ mời Ấn Độ tham gia đàm phán IPEF khi gặp Thủ tướng Narendra Modi bên lề thượng đỉnh "Bộ tứ". Ấn Độ là nước duy nhất trong nhóm này chưa nói gì về sáng kiến của nhà lãnh đạo Mỹ.

Theo Reuters, NK
MỚI - NÓNG