Ngoại giao nắm đấm

Ngoại giao nắm đấm
TP - Nhiều thứ trong vụ đấm nhau ở biên giới Ấn-Trung đêm 15/6 làm chết hàng chục binh sỹ vẫn tít mù.

Trung Quốc tiếp tục mần thinh chuyện thương vong trong khi Ấn Độ tuyên địch chết nhiều hơn ta mà không kèm bằng chứng. Ấn có vẻ lại ở chiếu dưới với một Trung thủ lắm đòn thù.

Choảng nhau trên hoang mạc Karakoram cao 4.267 m tối Thứ Hai vừa rồi, xét về sâu xa, là di hại từ thực dân Anh. Một đường biên giới Ấn-Trung bố cáo năm 1914 mà không có mô tả bản đồ và cũng chẳng thấy ranh giới thực địa. TQ chiếm Tây Tạng năm 1950 thì hai bên bắt đầu lao vào vẽ biên giới bằng đàm phán và cả thụi nhau.

Cuộc vừa rồi tệ nhất kể từ 1975. Trên cái gọi là Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) vốn uốn éo liên tục tùy thực lực mỗi bên, lính TQ giết ít nhất 20 lính Ấn bằng nắm đấm, gậy gỗ, và dùi cui trổ đinh. TQ có 43 lính chết song các số liệu do báo chí Ấn đưa chứ không phải chính phủ.

Dọc cái LAC mong manh không hề dựa trên nền pháp lý nào, cả hai đều xây hàng loạt hạ tầng. TQ dựng nhẹn loạt đại lộ lẫn tiểu lô còn Ấn thi triển kiểu “dò đá qua sông”. 19 năm cho con đường với 37 cầu qua các sông băng giá. 21/10/2019, ngày bộ trưởng quốc phòng Ấn khai trương một cầu trong số ấy, cũng là ngày TQ tố con đường làm mất tính đối xứng nhị biên LAC.

Bốn tháng đầu năm rét cóng cộng với đại dịch Covid-19 không khiến TQ quên và tha thứ. Tháng 5 và 6 ấm áp, họ chiếm 103 km2 bên kia LAC gồm cả thung lũng Sông Galwan, nơi xảy ra vụ đập nhau và một đại tá Ấn bị xô xuống vực. Lưỡng quốc thương thuyết hôm 6/6 tưởng đâu lui về đấy song không đơn giản vậy.

TQ đồng ý rút nhưng chỉ thi triển vài nơi gọi là. Tối 15/6, lính Ấn kiểm tra xem nói có đi với làm không thì gặp họa. Giới chức Ấn tố hàng trăm lính TQ phục kích và vu lính Ấn vượt đường LAC và thế là tẩn nhau.

TQ lên tiếng đến đâu Ấn dường như làm theo đến đó. TQ không công bố thương vong thì Ấn cũng không dám. Phe đối lập ở Ấn đòi trưng bằng chứng số liệu lính TQ chết thì chính phủ lập lờ.

Với Pakistan, Ấn phản ứng dữ còn với TQ thường không thế. Sau mỗi xung đột, gần nhất là vụ Doklam 2017, TQ y như rằng lại lấn đất. Ấn mắng thì họ triệt thoái vài điểm chứ không lùi hết. Vậy mà Ấn vẫn khoe thắng dù chẳng trưng chứng cớ. Hệt như trò mèo ở Biển Đông, năm hiệp định biên giới Ấn-Trung từ 1993-2013 đối với TQ ký để đấy cho vui.

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.