Thông tin trên được Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn chia sẻ tại buổi làm việc với Đoàn cấp cao của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), ngày 1/11, ở Hà Nội.
Theo ông Cẩn, những năm gần đây, Hải quan Việt Nam đã chủ động phối hợp với Hải quan Hoa Kỳ trao đổi thông tin, ngăn chặn các sản phẩm như nhôm, máy lọc nước, quần áo… Ngoài ra, cơ quan hải quan hai nước đã thực hiện điều tra chung để xét xử các đối tượng vi phạm pháp luật Hoa Kỳ.
Đáng chú ý, Hải quan Việt Nam đã tiến hành điều tra 6 chuyên án liên quan đến hàng hóa xuất khẩu đi Hoa Kỳ mang xuất xứ Việt Nam và đã chứng minh hàng hóa không đủ điều kiện mang xuất xứ Việt Nam.
“Với sự hỗ trợ USAID, trong thời gian tới giao thương, thương mại song phương giữa Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ được thúc đẩy và nâng cao hơn nữa việc đảm bảo an ninh an toàn cộng đồng” ông Nguyền Văn Cẩn nói.
Đến nay, Hải quan Việt Nam đã nhận được thông tin từ Hải quan Hoa Kỳ về việc hoàn tất thủ tục ký kết Hiệp định hợp tác giữa cơ quan hải quan hai nước. Trong số đó có nhiều nội dung liên quan đến trao đổi hỗ trợ lẫn nhau về kỹ thuật, thông tin để thực thi pháp luật của mỗi bên. Từ đó, thúc đẩy thương mại phát triển, ngăn chặn, bảo vệ an ninh an toàn cộng đồng, phòng chống khủng bố, buôn lậu, gian lận thương mại.
Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, Hải quan Việt Nam cũng đã chủ động phát triển cải cách hiện đại hóa, năng lực của cơ quan hải quan, 99% tờ khai được thông quan điện tử, kê khai, nộp thuế ở mọi lúc, mọi nơi. Trong số đó, có 65% các lô hàng luồng xanh được thông quan tự động, trong vòng 3 giây/lô hàng. Còn lại, 35% lô hàng thuộc luồng vàng và luồng đỏ; trong đó có 5% lô hàng luồng đỏ.
Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc USAID toàn cầu bà Bonnie Glick cho rằng, chuyển tải bất hợp pháp là vấn đề “nóng” trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Chính vì vậy, việc hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong việc chấm dứt chuyển tải bất hợp pháp cũng thể hiện cam kết của 2 Chính phủ.
“USAID đánh giá cao sự hợp tác với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan trong việc chuyển tải các thông điệp đến các chi cục hải quan trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến gian lận xuất xứ”, bà Bonnie Glick nhấn mạnh.
USAID cam kết phối hợp với tất cả các cơ quan tại Việt Nam để hỗ trợ nâng cao nhận thức trong việc phòng chống chuyển tải bất hợp pháp, cũng như đào tạo tập huấn, xây dựng khung quy định mạnh hơn để hỗ trợ cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
“Liên minh Toàn cầu về Tạo thuận lợi thương mại đang phối hợp chặt chẽ với Hải quan Việt Nam để thực hiện Hệ thống bảo lãnh thông quan. USAID hy vọng những nỗ lực này sẽ được tiến triển một cách kịp thời, đây là nhiệm vụ quan trọng của USAID”, bà Bonnie Glick cho biết thêm.
Liên quan vụ 1,8 triệu tấn nhôm trị giá hơn 4 tỷ USD có nguy cơ gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ và một số thị trường khác được ngăn chặn kịp thời, Tổng cục Hải quan cho biết, hiện tại, số nhôm này vẫn đang nằm “đắp chiếu” ở cảng Bà Rịa - Vũng Tàu, dưới sự giám sát chặt chẽ của lực lượng Hải quan và nhiều cơ quan khác.