Nghìn tỷ đồng để làm gì?

TP - Tiền nghìn tỷ trôi sông mà những vụ tai nạn giao thông thảm khốc vẫn liên tiếp diễn ra và đến mức báo động trầm trọng về tần suất và quy mô của tai nạn.

Sẽ có trên 340.000 ô tô kinh doanh vận tải phải thực hiện thay thế, bổ sung thiết bị hộp đen để đáp ứng yêu cầu về cung cấp hình ảnh lái xe theo quy định tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh vận tải do Bộ GTVT vừa trình Chính phủ.

Tính chung sẽ có tới gần 1,2 triệu xe ô tô các loại trên toàn quốc đã và sẽ phải chi thêm nhiều nghìn tỷ đồng nữa để đáp ứng yêu cầu từ phía nhà quản lý nếu dự thảo được thông qua.
Chỉ một mệnh lệnh hành chính, ước tính sẽ có thêm gần 2.000 tỷ đồng (trong đó khoảng gần 1.400 tỷ đồng là chi phí để lắp hộp đen) của doanh nghiệp phải đổ ra để thực thi.

Nếu cộng với số tiền khoảng 3.200 tỷ đồng trước đó mà các hãng, chủ xe đã phải bỏ ra để trang bị cho gần 900.000 phương tiện vận tải (xe khách, taxi, xe tải các loại phải gắn hộp đen) theo quy định của Nghị định 171/NĐ-CP, số tiền doanh nghiệp phải bỏ ra để đầu tư và duy trì hoạt động của hộp đen lên tới xấp xỉ 5.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể chi phí duy trì máy chủ và đường truyền khoảng 500 tỷ đồng/năm. Một số tiền khổng lồ chỉ nhằm đáp ứng quy định của Bộ GTVT.

Theo Bộ GTVT, hiện có tới 30% doanh nghiệp không truyền dữ liệu hộp đen về Tổng cục Đường bộ theo quy định. Nếu chiếu theo những yêu cầu đặt ra trong nghị định do Bộ GTVT xây dựng, số tiền hàng nghìn tỷ đồng mà các doanh nghiệp đã phải chi trả suốt 7 năm qua không đem lại tác động tích cực đáng kể.

Tiền nghìn tỷ trôi sông mà những vụ tai nạn giao thông thảm khốc vẫn liên tiếp diễn ra và đến mức báo động trầm trọng về tần suất và quy mô của tai nạn. Càng giật mình hơn khi nhiều trường hợp cho thấy các phương tiện gây tai nạn đều không truyền dữ liệu hộp đen về cơ quan quản lý.

Ở khía cạnh doanh nghiệp, các lái xe cũng như hiệp hội vận tải địa phương cho rằng, dữ liệu hộp đen hiện nay cũng chưa khai thác hết được tính năng và chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi ban đầu. Tính đến thời điểm hiện nay, thiết bị GPS gắn trên các phương tiện kinh doanh vận tải mới chỉ được cơ quan chức năng sử dụng bị động như một ổ cứng lưu trữ thông tin.

Nhiều ý kiến khẳng định, để hạn chế tai nạn giao thông, quan trọng nhất bây giờ là phải tìm ra phương thức sử dụng hữu hiệu hộp đen, chứ không phải “vẽ” thêm điều kiện cho doanh nghiệp mà không tận dụng, phát huy hết được tính năng của thiết bị.

Những cuộc đua ngầm, lobby từ các nhà cung cấp hộp đen, các nhà mạng viễn thông để giành giật khách hàng không ngừng diễn ra. Khối doanh thu, lợi nhuận nghìn tỷ đồng không phải dễ kiếm trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Vì vậy mới có những lời đồn về việc Bộ GTVT bắt tay với các nhà cung cấp để “kiếm chác” khi “cài” các điều kiện vào dự thảo mới.

Cần thẳng thắn về việc nếu cơ quan quản lý làm tròn vai, giám sát được triệt để, những tai nạn thảm khốc sẽ không xảy ra. Mỗi năm dân số của Việt Nam cũng không vì thế mà giảm đi cả một huyện vì tai nạn giao thông.

Nhức nhối, đau đớn vì tai nạn giao thông sẽ luôn dai dẳng nếu như nhiều nghìn tỷ đồng đầu tư, duy trì không chứng minh được hiệu quả. Người bán thiết bị, cung cấp dịch vụ giàu lên còn cơ quan quản lý thì ung dung “sống chết mặc bay” khi đưa ra thêm nhiều điều kiện quản lý mới.

MỚI - NÓNG